Ông bố 8x kể lại hành trình vượt cạn "đau như bẻ từng khúc xương sườn" của vợ
"Khi chứng kiến tận mắt quá trình vượt cạn của vợ, mình thấy khâm phục vợ nói riêng và phụ nữ nói chung. Kỳ diệu lắm!".
Lần đầu đưa vợ đi sinh cũng là lần đầu anh Phạm Đức Ngọc (sinh năm 1987) được tận mắt chứng kiến những cơn đau đẻ vật vã như "bẻ từng khúc xương sườn" của người phụ nữ. Suốt gần 30 giờ cùng vợ vật vã vượt qua những cơn co, có lúc đau đến gục cả xuống chân, bò cả ra sàn cũng là chừng ấy thời gian anh Đức Ngọc như "đứt từng khúc ruột", chỉ ước được san sẻ phần nào với nỗi đau vợ đang phải đối mặt.
Là một nhiếp ảnh gia nên anh Đức Ngọc đã chọn ghi lại hành trình sinh nở của vợ bằng những bức ảnh: "Mình làm nghề nhiếp ảnh nên rất trân trọng những khoảnh khắc vô giá như thế này, mình coi đó như là 1 kỷ niệm vượt cạn của 2 vợ chồng để sau này con cái lớn lên, chúng sẽ biết mẹ chúng vất vả nhường nào, bố chúng lo lắng ra sao".
Vợ chồng anh Đức Ngọc chọn sinh tại một bệnh viện cao cấp ở Hà Nội.
Chia sẻ về quá trình vừa "tác nghiệp", vừa đồng hành vượt cạn cùng vợ là chị Lã Viết Hằng (sinh năm 1989), anh Đức tâm sự: "Có những lúc 1 tay nắm lấy tay vợ, tay còn lại chụp ảnh, lúc đau quá vợ mình bò hẳn xuống sàn, lúc đó mình vứt máy ảnh sang 1 bên để đỡ vợ. Không ghi lại đc khoảnh khắc đấy, tiếc lắm".
Vợ chồng anh Đức Ngọc vào viện từ sáng sớm. Suốt một ngày dài ở trong viện, tiếp đó là cả một đêm tiếp tục đau đớn vật vã không thể sinh thường buộc phải chuyển sang mổ cấp cứu, cuối cùng bé Suti đã chào đời vào lúc 1h20 phút đêm ngày 4/4/2017, nặng 3 kg. Với anh Đức Ngọc, đó là "Một cảm giác nghẹn ngào sung sướng khó tả khi được lên chức".
Hiện tại, những cảm xúc khi nắm tay vợ vượt cạn vẫn còn vẹn nguyên trong ông bố nhiếp ảnh này: "Bỡ ngỡ, hồi hộp, lo lắng rồi vỡ oà trong hạnh phúc... Thêm nữa sau khi chứng kiến tận mắt quá trình chuyển dạ của vợ, mình thấy khâm phục vợ nói riêng và phụ nữ nói chung. Kỳ diệu lắm!".
Cùng "chứng kiến" quá trình đi sinh của vợ chồng anh Đức Ngọc qua những bức ảnh đầy ý nghĩa:
Đêm hôm trước khi chuyển dạ, vợ xuất hiện các cơn gò cứng bụng, xoay người liên tục và đi tiểu rất nhiều lần kèm theo trạng thái đứng ngồi không yên, mình trấn an vợ: "Anh thấy biểu hiện của em y hệt như con mèo ngày trước của anh sắp đẻ đi tìm chỗ lót ổ, cứ bình tĩnh, còn lâu mới đẻ".
Nhập viện, khi nghe y tá nói: "Nhà mình có cơn co rồi nhé, chắc chị sẽ sinh trong ngày hôm nay thôi", hai vợ chồng nghe thấy như mở cờ trong lòng vì 5 lần chạy máy rồi, lần nào cũng như lần nào, không có dao động, không có cơn co...
Vợ được đeo cho cái vòng bảng tên mã số mã vạch. Hồi hộp pha chút lo lắng là cảm giác lúc này.
Bên ngoài cửa phòng chờ sinh.
Tưởng vào phòng sinh là đẻ ngay, ai dè đây là khoảng thời gian chờ đợi dài nhất từ trước đến giờ của mình. Vào phòng vẫn cứ là công cuộc theo dõi máy monitor, thỉnh thoảng lại có chị y tá vào kiểm tra, lúc này cổ tử cung đã mở 2cm.
Các cơn co xuất hiện đều đặn khi xem trên máy monitor.
Máy sưởi em bé khi vừa đã chuẩn bị sẵn sàng.
Phòng vệ sinh khép kín.
Toàn cảnh phòng sinh với các y thiết bị vây quanh.
Thời gian cứ thế trôi đi, các cơn co ngày càng xuất hiện đều đặn và chu kỳ thì ngắn lại, khoảng 2-3 phút/ cơn.
Vợ đau càng ngày càng nhiều hơn, bác sỹ khuyến khích đi lại 1 chút cho đầu em bé thúc xuống nhiều hơn... Lúc ấy đo đã mở được 3cm.
Có 1 kỷ niệm rất hài hước trong tấm hình này mà vợ kể lại sau: "Trong lúc em đang đau thấu trời thấu đất thì mẹ lại bảo em cười lên cho Ngọc chụp ảnh".
Có chứng kiến tận mắt mới cảm nhận được đau đẻ nó đau đến nhường nào. Người ta so sánh đau đẻ như bẻ từng khúc từng khúc xương sườn.
Chị y tá căn dặn đi lại thật nhiều, quá trình chuyển dạ đẻ con so thường kéo dài lâu hơn (16-24 tiếng) so với con dạ (10-15 tiếng).
Mình không dám hỏi han, chỉ dám nắm lấy 2 bàn tay động viên. Hàng chục cơn đau trôi qua và kết quả là ngón tay áp út và ngón đeo nhẫn hằn lên đỏ ửng vì vợ nghiến quá mạnh.
Chồng không dám ngủ, thỉnh thoảng ngó lên máy monitor theo dõi xem nhịp tim thai hay chỉ số cơn co có gì bất thường không... thời gian cứ chậm chạp trôi từng giây, 2 vợ chồng vật vờ đến chiều tối thì y tá đưa vào bát cháo thịt bằm ăn lấy sức để sẵn sàng đêm chiến đấu, cơ mà đau quá nên động viên mãi cũng chỉ ăn được nửa bát.
Vợ đau dữ dội gò người lên từng cơn, nhìn vợ lúc này thì không 1 ông chồng nào cầm nổi lòng được.
Hết gục vào vai, rồi gục xuống chân, ôi trời lúc ấy chỉ ước sao san sẻ được cơn đau dữ dội ấy cho vợ...
Cơn co kéo dài từ 7h sáng đến 20h tối vẫn chưa dứt. Chị Hằng đau quá không chịu nổi, gọi bác sỹ truyền gây tê màng cứng xong cái là êm ái nhẹ nhàng không còn cảm giác đau đớn gì nữa nhưng có 1 trục trặc vướng mắc không hề nhẹ là đầu em bé không chui xuống ống dẫn sinh mà lại nhô cao, 1 phần vì ối bị dư nhiều, 1 phần chắc do em bé không chịu chui ra bằng đường thông thường...
12 giờ hơn, vẫn chỉ mở 4 phân, khả năng đẻ thường chỉ còn 30%, cả nhà quyết định chuyển sang đẻ mổ cấp cứu. Anh Ngọc lo lắng hơn gấp bội phần. Sau khi ký vào đơn cam đoan đồng ý phẫu thuật mổ đẻ, chị Hằng được cáng di chuyển sang phòng phẫu thuật mổ lấy em bé. "Mình cùng 2 mẹ di chuyển đồ đạc, vừa chờ ở ngoài vừa lo lắng vừa run", anh Ngọc chia sẻ.
Sau thời gian chờ đợi 30 phút mà dài như 3 ngày, hết thấp thỏm rồi lại hỏi thăm các y tá... thì xe đẩy em bé Suti đã đi ra. Em bé ra đời lúc 1h20 và nặng 3 kg. Một cảm giác nghẹn ngào sung sướng khó tả khi được lên chức.
Lúc này là gần 2h sáng, chẳng còn sản phụ nào có mỗi vợ nằm trong phòng hồi sức rộng phải đến 200m2, đường vào thì lạnh và sâu hun hút... Vợ nằm bất động trên giường, người run mạnh lên bần bật từng hồi như ai đó cầm vào người và lay, hỏi y tá thì đây là phản ứng bình thường sau khi mổ.
Nhưng tất cả mọi đau đớn hậu sản đều được vitamin Suti xoa dịu khi ngắm nhìn thiên thần của mẹ... Mẹ cháu bắt đầu bị cuồng ngắm con, ngắm từ đầu đến chân, ngắm suốt đêm tới sáng.
Sau gần 30 tiếng vất vả, cả nhà đã chào đón thành viên mới của gia đình.
Mình lóng ngóng học cách thay bỉm và chuyện trò cùng con.
Hy vọng khi con lớn lên đọc được những dòng này thấy yêu mẹ nhiều hơn thật nhiều vì bố mẹ đã vượt qua bao nhiêu sóng gió để đón con đến với nhà mình đấy!