Chuyện đi đẻ qua lời kể của mẹ 9x: Váy dính đầy máu, người nằm "tơ hơ" trong phòng đẻ
Nhật ký đi sinh con chân thực đến từng chi tiết của bà mẹ 9x sau khi đăng tải trên trang cá nhân đã nhận được sự đồng cảm mạnh mẽ của các mẹ.
Chị Nhật Linh, 23 tuổi, sống tại Lạng Sơn, vẫn còn nguyên vẹn những cảm xúc khi sinh bé Su Su đầu lòng. Nhật ký đi sinh con chân thực đến từng chi tiết khi đăng tải trên trang cá nhân của chị đã thực sự tạo nên một cơn sốt với hơn 6.600 lượt like và gần 3.000 lượt chia sẻ, chỉ sau chưa đầy 2 ngày.
Toàn bộ quá trình từ khi chuyển dạ, khung cảnh khác xa trong tưởng tượng của phòng đẻ, những cơn co thắt đau đến mức tưởng chừng như không thể chịu đựng nổi, khi bị chuyển sang phòng mổ và những giờ đồng hồ dài nằm cô đơn một mình trong phòng hậu phẫu… dưới sự hồi tưởng chi tiết của chị Linh, đã nhận được không ít sự đồng cảm của các mẹ bỉm sữa.
Câu chuyện đi sinh của chị Linh nhận được sự quan tâm lớn từ các mẹ.
Dưới đây là trích đăng những dòng hồi kí đi sinh con đầy xúc động và không kém phần gay cấn, nghẹt thở của chị Nhật Linh:
Cuối cùng chuyện gì đến cũng phải đến. Cả đêm 7/9, mẹ không chợp mắt được tí nào, cứ đi ra đi vào nhà vệ sinh, bụng nhâm nhẩm đau mà không đi vệ sinh được, còn ngủ gật trong toilet nữa. 7h sáng, 8/9, lần cuối cùng vào nhà vệ sinh. “Ôi, máu!”. Dự sinh của con là vào 9/9, vậy là mọi điều đang bắt đầu? Mẹ bình tĩnh tắm gội rồi vào gọi bố, cố che giấu sự sợ hãi của mình. Mẹ để hết đồ vào một chỗ, lấy cả quần áo cho bố nữa rồi gọi ông bà ngoại đưa đi viện.
Làm thủ tục nhập viện, thăm khám, đến trưa mẹ nhập viện. Thật sự là những gì mẹ tưởng tượng khi vào viện khác quá xa so với sự thật. Mẹ được phát cho một bộ váy áo thời thượng nhất từng biết: váy trắng xòe to, dài chớm mắt cá, bên eo còn có 2 cái dây buộc, to đến nỗi mẹ đã buộc 2 vòng vẫn tụt. Áo thì màu kem, mỏng như không mặc áo, mẹ nghĩ bụng chắc là giặt nhiều quá nó mòn vải. Thay xong không dám bước ra ngoài, vì nhìn “hốt” quá.
Mẹ còn nhớ như in cái cảm giác xấu hổ đỏ cả mặt khi đến lượt mẹ vào kiểm tra. Bác sĩ bảo cởi quần ra nằm lên bàn đi. Mẹ ngơ ngác một hồi mới định hình được là phải làm gì. Bác sĩ bảo: “Ôi giời, ai chẳng thế mà em ơi! Nào, chân đặt lên đây. Đúng rồi, thế... thế...". Mẹ nhắm tịt mắt lại và chỉ mong bác sĩ bảo xong thôi.
Sau khi ăn trưa xong, mẹ bắt đầu có cơn đau, nhưng cứ một tiếng một lần co thắt. Các cơn co ngắn dần, 30 phút 1 lần, 20 phút 1 lần. Mỗi lần đến cơn, ngồi không ngồi được, đứng không đứng được, chỉ biết cúi gập người ôm lấy đầu giường, lắc lắc cái mông qua lại cho hết cơn đau, rồi lại ngồi nghỉ chờ cơn đau tiếp theo. Đau đớn như xé từng thớ thịt ra vậy. Ăn không ăn được, chỉ uống sữa cầm hơi. Đến chiều đi khám, vẫn chỉ mới mở hơn 1 phân, trong khi cơn đau giảm xuống 20 phút 1 lần rồi.
Chị Linh may mắn luôn có chồng ở bên động viên, chăm sóc trong quá trình sinh nở.
Mỗi lần đi khám thì cả một cực hình. Quần áo xộc xệch, máu me dính ở váy, mặt mũi nhăn nhó. Vào phòng đẻ nhìn các chị nằm “tơ hơ” la liệt trên bàn đẻ mà sợ luôn. Có chị thì ngất lịm trên bàn đẻ phải truyền, có chị vào phòng đẻ hơn 10 tiếng vẫn chưa đẻ được, có chị thì cứ gào rống lên gọi bác sĩ, chị thì đẻ xong đang được khâu vá.
10h đêm, cơn đau bắt đầu mạnh hơn. Mẹ gục vào vai bố, bặm môi, không dám gào thét vì sợ mất sức, nước mắt cứ giàn giụa, trong đầu lẩm bẩm: "Su ơi, mẹ đau lắm rồi, thương mẹ với!". Cứ thế đến 2, 3h sáng, đau quá, mẹ cứ đi mon men bám ở hành lang, mong mở nhanh hơn, với lại đau cũng không thể nằm nổi. Chân tay mẹ tím tái. Bà ngoại cứ đi đằng sau xoa lưng, quạt cho mẹ. Mẹ thật sự kiệt sức vì đau lâu quá, muốn ngất, nhưng cứ phải gồng lên, chỉ mong nhanh đến lúc vào phòng đẻ.
Sáng 9/9, mẹ lại được gọi đi khám. Bà ngoại, bà nội ngược xuôi nhờ bác sĩ. Bà ngoại thương quá, sợ mẹ kiệt sức không đẻ được nên đi xin bác sĩ cho mổ nhưng bác sĩ không đồng ý. Đến 20h30 mẹ lại được khám lần nữa, mọi chuyện không tiến triển. Mẹ bắt đầu lo lắng. Cơn đau thì cứ 2, 3 phút 1 lần. Cảm giác như con đang thúc mạnh xuống dưới. Mẹ quyết định đi truyền kích đẻ.
Đang chổng mông lắc lắc cho đỡ đau thì "bụp" một cái. "Ôi, vỡ ối!", mẹ chỉ kịp kêu thế rồi bà ngoại đưa mẹ sang phòng đẻ khám luôn. Đau không chịu được! Phòng đẻ lúc đấy đông, không đủ cả giường nằm. Bác sĩ phải bảo một chị đang đợi đẻ xuống để mẹ leo lên khám. "Toàn phân su, nước ối đục! Kiểm tra tim em bé xem". Mẹ run, lo, sợ. "Gọi người nhà mau lên!" bác sĩ giục nhau, cứ gào: “Người nhà của Nhật Linh đâu?", rồi lại: "Suy thai, vỡ ối sớm, mổ cấp cứu!!!", nghe xong câu này mẹ hốt hoảng, không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo nữa.
Khung cảnh chân thực trong phòng chờ đẻ.
Vào thang máy lên tầng 8, người ta đặt mẹ lên bàn mổ, cửa đóng sầm lại như vào “lô cốt”. Mẹ bắt đầu run, các cơn gò vẫn tiếp tục, mẹ lẩm nhẩm: "Su ơi, con cố lên!" . Tiếng bác sĩ hối hả. Tiếng loảng xoảng chuẩn bị dụng cụ mổ. Đèn bật sáng. Mẹ bị che mặt lại, bị tiêm sau lưng, rồi lại khử trùng, gây tê. Người mẹ bắt đầu đơ không có cảm giác. Mũi dao đầu tiên cứa vào da. Mẹ cảm nhận được từng nhát dao, giật giật, lôi lôi, banh bụng, rồi nghe bảo: "Ôi toàn phân su!".
Mổ xong, mẹ chưa được thấy con vì con được bế ra luôn cho người nhà. Mẹ ở lại khâu, rồi được chuyền từ bàn đẻ xuống giường về phòng hồi sức. Nằm tại phòng hồi sức, mẹ tiếp tục được truyền. Người mẹ bắt đầu ngứa như điên, do tác dụng phụ của thuốc tê. Cứ gãi mặt rồi gãi tay, hai chân thì đơ ra vẫn còn thuốc nên chưa cảm nhận được. Cả phòng hồi sức chìm vào giấc ngủ. Còn mẹ thì không tài nào ngủ được. Cứ thế, 2h, 3h, 4h... mẹ vẫn chưa được về. Thay hết chai truyền này lại qua chai truyền khác.
Mẹ chợt nhớ điện thoại vẫn ở trong túi, liền nhắn tin hỏi bố xem con thế nào. Bố bảo: “Con ngoan lắm vợ ạ, không khóc đâu, nhìn xinh lắm ý! Vợ ở đấy có ai không, vợ có mệt và đau không? Vợ yên tâm, có cô Dung rồi. Thương vợ nhiều lắm! Cảm ơn trời cho mẹ tròn con vuông”, làm mẹ lại bật khóc.
Đói. Mệt. Buồn ngủ. Ngứa. Khát nước. Đau ê ẩm. Lạnh.... Hết nước trong chai truyền, bác sĩ thì đi đâu hết không còn ai ở đấy. Mẹ không biết làm thế nào, tay lại mò mò vào cái khoá truyền khóa lại, thì đột nhiên người mẹ nao nao buồn nôn, như sốc thuốc. Mẹ vội gọi điện cho bà ngoại gọi hộ bác sĩ. Bố sốt ruột cũng lao lên, ngó xem mẹ thế nào. Bác sĩ đến kiểm tra rồi đặt cái khay bên cạnh bảo mẹ nôn thì nôn vào đấy, rồi lại truyền tiếp chai nữa...
7h30, bác sĩ cho gọi người nhà lên đẩy các mẹ về. Về đến phòng, được chuyển qua giường, được nằm cạnh con mà mẹ cứ như trên mây, người lơ ngơ như chưa xuống đất vậy. Nhìn con mà mẹ như trống rỗng, không cảm xúc, mọi thứ cứ đơ ra, không biết phải nói gì với con cả. Đây là tình yêu đúng 9 tháng 10 ngày của mẹ sao?
Bé Su Su xinh xắn, chào đời mạnh khỏe, nặng 3,1kg.
Nhưng rồi mọi đau đớn dường như mới chỉ bắt đầu. Thuốc tê hết, mẹ được tháo thông tiểu và bác sĩ bảo nên đi lại, không sẽ bị dính ruột. Người đau như bị ai đó cầm dao cứa sống vào thịt vậy. Mỗi lần dậy đi vệ sinh là phải người đỡ, người dìu. Đêm ngủ nằm ngửa thì nhức hông, nằm nghiêng thì căng vết mổ, hai tay cứ bám lấy đầu giường mà dịch mông sang trái lại dịch mông sang phải cho hết đêm. Đã thế, sinh xong người mẹ yếu, nên dù đã khăn buộc cổ, chăn đắp người mà vẫn ho. Có những đêm mẹ phải ngủ ngồi, thức trắng, vì nằm thì lại càng ho, mà ho thì cơ bụng giật… Rồi mẹ lại cố gượng dậy, túm lấy đầu giường, gồng người tập đi. Đi bước nào muốn gào bước đấy, nhưng nhìn con, mẹ lại tự nhủ phải mạnh mẽ lên.
Ngày nào cũng tiêm truyền, thuốc men. Đã thế còn truyền bị vỡ ven nữa, mẹ đau phát khóc. Ngày bác sĩ bảo mai tháo chỉ được về là ngày mẹ thấy sướng nhất. Được về nhà, được rời khỏi đây, thật là thích biết bao nhiêu.
Ngay lúc này, nhìn con say giấc, mẹ không thể tin mọi điều đã qua là sự thật. Cảm ơn con đã đến bên cuộc đời của mẹ. Dù mẹ biết sẽ còn 1 quãng đường rất dài cùng với muôn vàn khó khăn, cơm áo gạo tiền, nhưng mẹ sẽ cố gắng hết sức vì con. Và dù có con, mẹ phải trả giá nhiều, phải đau đớn chịu đựng vất vả nhiều. Nhưng được ngắm nhìn con, thấy con cười, được bế, được ôm con, nhìn con thay đổi từng ngày là điều quá hạnh phúc với mẹ rồi.
Theo chị Nhật Linh chia sẻ, đến nay, bé Su Su đã được hơn 1 tháng tuổi, nhưng những cảm xúc, những chi tiết vào ngày chị đi sinh vẫn vẹn nguyên như ban đầu. Chị muốn kể lại câu chuyện của mình, như một hồi ức đẹp dành tặng cho con, cho mình và cho những bà mẹ sẽ sinh con sau này.
Khoảnh khắc sinh nở luôn để lại dấu ấn không thể nào quên trong kí ức mỗi người mẹ. Dù có phải đối mặt với những cơn đau đớn khủng khiếp thì trên tất cả, đó vẫn là những giây phút hạnh phúc đến tan chảy. Các mẹ hãy chia sẻ những CÂU CHUYỆN ĐI ĐẺ ĐẶC SẮC của bản thân bằng cách gửi về email mevabe@afamily.vn. Những câu chuyện hay sẽ được chọn đăng và có nhuận bút xứng đáng. |