Ở tuổi này cha mẹ nên cho con tiền tiêu vặt, tránh tình trạng trẻ có thể nảy sinh tính “trộm cắp”
Đến một độ tuổi nhất định, trẻ đã có sự hiểu biết phần nào về tiền, cha mẹ nên cho con tiền tiêu vặt.
Có một người mẹ ở Trung Quốc than thở với bạn thân rằng: "Hôm qua con trai mình trộm tiền để đi chơi với bạn bè. Nếu không phát hiện ví tiền bị xê dịch, chắc nó lừa mình mãi. Giận quá mình chẳng thiết tha ăn uống gì nữa".
Nghe cô bạn than thở, người bạn này an ủi vài câu rồi hỏi: "Lúc nhỏ cậu có bao giờ lấy trộm tiền của bố mẹ chưa?".
Người mẹ im lặng vài giây rồi phản bác: "Lúc nhỏ quả thật mình cũng từng ăn trộm tiền của mẹ, nhưng đó là do mẹ chẳng bao giờ mua đồ gì cho mình. Còn bây giờ con trai mình muốn gì được nấy. Mới có 10 tuổi mà đã biết trộm cắp rồi, lớn lên còn làm gì?".
Nhiều bậc cha mẹ khi phát hiện con mình lấy trộm tiền thường vội vàng kết luận con mình có tính trộm cắp, thậm chí gọi con là "kẻ trộm". Tuy nhiên, một khi gắn lên con cái nhãn "trộm"', trong lòng trẻ sẽ hình thành cảm giác xấu hổ, tội lỗi. Điều này vô cùng bất lợi cho quá trình trưởng thành của trẻ.
Cứ như có một bóng đen ám ảnh trẻ rằng mình đã từng trộm cắp, nó ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của chúng. Trẻ chỉ đơn thuần lấy trộm tiền, không có nghĩa là nhân phẩm của trẻ không tốt.
Mặc dù việc trẻ lấy trộm tiền khiến cha mẹ lo lắng và đau đầu, nhưng họ cần phải suy nghĩ xem tại sao trẻ lại có hành vi như vậy?
Nguyên nhân trẻ lấy trộm tiền và cách giải quyết
- Khao khát của bản thân và áp lực từ môi trường
Trẻ lấy tiền của cha mẹ có thể vì chúng khao khát sở hữu đồ vật mới hoặc muốn hòa nhập với bạn bè.
Ví dụ, trẻ luôn muốn có một món đồ chơi mà cha mẹ không mua cho, hoặc muốn đi chơi cùng bạn bè nhưng cha mẹ không cho phép.
Khi cha mẹ liên tục từ chối, những mong muốn nhỏ bé của trẻ không được đáp ứng, dần dần chúng sẽ nảy sinh ý định lấy trộm tiền.
Đối mặt với tình huống này, cha mẹ nên trò chuyện với trẻ, giải thích lý do tại sao không mua đồ hoặc không đồng ý, giúp trẻ hiểu rõ vấn đề.
Nếu lý do của trẻ hợp lý, cha mẹ cũng nên ủng hộ một phần. Mục đích chính là giúp trẻ hình thành giá trị quan và quan niệm đúng đắn về tiền bạc, hiểu rằng vật chất không phải tất cả.
- Thiếu giáo dục và môi trường gia đình
Việc trẻ trộm tiền cũng có thể do trẻ chưa được dạy về việc không được lấy trộm tiền hoặc thiếu sự quan tâm từ cha mẹ.
Lúc này, cha mẹ cần kịp thời nhìn lại cách giáo dục của bản thân, tăng cường giao tiếp với con mình, thấu hiểu và từ từ hướng dẫn trẻ.
Cha mẹ cần tạo cho trẻ một môi trường gia đình hạnh phúc, tích cực, giao tiếp nhiều hơn với trẻ, nuôi dưỡng tình cảm, chia sẻ ý nghĩa của việc kiếm tiền và kiến thức quản lý tài chính.
Khi mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái thân thiết, trẻ sẽ dám chia sẻ mọi chuyện với cha mẹ, từ đó có thể giảm thiểu khả năng trẻ mắc phải hành vi xấu.
- Ảnh hưởng của môi trường bạn bè xấu
"Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng", môi trường bạn bè cũng ảnh hưởng rất lớn đến hành vi của trẻ.
Nếu bạn bè của trẻ có những ảnh hưởng tiêu cực và hành vi xấu, trẻ rất dễ bị cám dỗ và ảnh hưởng.
Vì vậy, cha mẹ cũng cần quan tâm đến bạn bè của trẻ, cố gắng giúp trẻ lựa chọn những mối quan hệ tích cực và có lợi, để giảm thiểu khả năng trẻ hình thành hành vi xấu.
Mặc dù trẻ còn nhỏ, khả năng phân biệt đúng sai còn kém, nhưng trẻ cũng đang dần học cách trưởng thành. Vì vậy, ở độ tuổi và giai đoạn thích hợp, cha mẹ cũng nên cho trẻ tiếp xúc với tiền một cách hợp lý, giúp trẻ hình thành quan niệm đúng đắn về tiền bạc.
Khi nào nên bắt đầu cho con tiền tiêu vặt?
Mỗi trẻ có mong muốn về vật chất và quan hệ xã hội khác nhau, vì vậy, độ tuổi thích hợp để cho trẻ tiền tiêu vặt cần căn cứ vào tình hình cụ thể của từng trẻ.
Thông thường, khi vào tiểu học, trẻ đã tiếp xúc với phép cộng trừ và nhận biết về tiền, có một số khả năng nhận thức nhất định, cha mẹ có thể cân nhắc dần cho trẻ một khoản tiền tiêu vặt phù hợp.
Để trẻ tự mình tiêu tiền vừa giúp chúng hiểu rõ về giá cả, cách tính toán tiền bạc, vừa giúp chúng hiểu được chi tiêu trong gia đình, có trách nhiệm hơn với gia đình.
Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần kiểm soát số tiền cho trẻ, xem xét những thứ mà trẻ thường muốn mua. Có thể cho trẻ một ngày một lần với số tiền ít hoặc một tuần một lần với số tiền vừa phải.
Nếu trẻ tiêu quá nhiều, cha mẹ có thể trò chuyện để nhắc nhở về việc tiêu xài hợp lý. Nếu tiền tiêu vặt của trẻ luôn còn thừa, cha mẹ cũng có thể dạy trẻ cách quản lý tài chính và tiết kiệm.
Cách giúp trẻ hình thành quan niệm về tiền bạc
- Làm gương và giáo dục
Cha mẹ là tấm gương cho con cái noi theo, cha mẹ nên giáo dục con cái có quan niệm đúng đắn về tiền bạc, giúp trẻ hiểu rằng tiền bạc không dễ kiếm, rèn luyện ý thức tiêu xài hợp lý, đồng thời dạy trẻ cách lên kế hoạch, quản lý tiền của mình một cách hợp lý.
- Kết hợp giáo dục với thực hành
Trong quá trình hướng dẫn và giáo dục, cha mẹ có thể giao cho trẻ một số công việc nhỏ hoặc việc nhà, để trẻ kiếm được một phần tiền tiêu vặt.
Điều này giúp trẻ xây dựng niềm tự hào, nhận ra giá trị của công sức lao động của mình, học cách trân trọng và sử dụng hợp lý số tiền mình kiếm được. Việc trẻ chủ động hành động và tham gia sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc cha mẹ nói đi nói lại.
Tóm lại, việc trẻ trộm tiền là một vấn đề khá phổ biến trong quá trình trưởng thành của trẻ, điều này đòi hỏi cha mẹ phải quan tâm và xử lý một cách khéo léo.
Chỉ khi hiểu rõ nguyên nhân sâu xa khiến trẻ lấy trộm tiền, cha mẹ mới có thể đưa ra những hướng dẫn và giáo dục phù hợp, giúp trẻ hình thành thế giới quan đúng đắn, từ đó giúp trẻ phát triển toàn diện hơn.