Đừng để trẻ trầm cảm vì chính áp lực trong gia đình
Trẻ em nhạy cảm, dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài, trong đó có áp lực từ chính những người thân, gần gũi trong nhà.
Nguyên nhân từ gia đình
Theo chuyên gia, áp lực gia đình là những sự mệt mỏi, căng thẳng trong quá trình sinh sống với các thành viên khác trong nhà. Điều đó khiến nhiều người cảm thấy ngột ngạt và không thể gắng gượng được.
Cho dù áp lực này đến từ bất kì yếu tố nào thì cũng có thể gây ra ảnh hưởng nhất định đến tinh thần, cuộc sống hoặc thậm chí là làm rạn nứt các mối quan hệ, đặc biệt nghiêm trọng đến con cái. Đối với trẻ, nếu chịu áp lực từ gia đình trong thời gian dài rất dễ dẫn đến trầm cảm.
Theo ThS Nguyễn Thị Thanh - Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, một số yếu tố từ gia đình dễ gây cho trẻ trầm cảm như bố mẹ thường xuyên cãi nhau do áp lực tài chính, dẫn đến dễ cáu giận, lo sợ, mệt mỏi và tâm tính thất thường. Từ đó, tác động và lan tỏa những điều thiếu tích cực đến trẻ.
Ngoài ra, nhiều cha mẹ thường nói với con rằng chúng phải tự chịu trách nhiệm về học tập và cuộc sống của mình, quản lý tốt bản thân. Nhưng thực tế thì luôn quản lý chặt chẽ quá mức bài tập về nhà, hoạt động sau giờ học và những người bạn của con mình.
Theo thời gian, trẻ sẽ thấy rằng chúng không cần phải chịu trách nhiệm về việc của chính mình, bởi đã có bố mẹ lo. Trẻ sẽ xuất hiện tâm lý thiếu kiểm soát và cảm giác bất lực, nảy sinh vấn đề sức khỏe tâm thần. Ngoài ra, trong gia đình luôn tồn tại nhiều mâu thuẫn, tỷ lệ rối loạn tâm lý hay mắc bệnh trầm cảm ở trẻ cao hơn so với gia đình có sự hòa hợp.
Một áp lực nữa đó là chuyện học hành, thi cử. Bố mẹ đặt nhiều kỳ vọng vào con, song không theo sát mà chỉ quan tâm đến thành tích học tập khiến trẻ luôn sống trong lo lắng. Nhất là mỗi khi trải qua kỳ thi không được như mong muốn trẻ sẽ thất vọng, sợ hãi về việc bố mẹ mình không vui. Lâu dần những áp lực này nếu không được giải quyết hay được sự động viên kịp thời sẽ gây ra tình trạng trầm cảm và nhiều hậu quả nguy hiểm khác. Và những quyền lực, quy tắc, luật lệ gia đình cũng tạo ra căng thẳng cho các thành viên trẻ.
Học cách kiểm soát cảm xúc
Theo ThS Nguyễn Thị Thanh, hầu hết các bậc cha mẹ có con tuổi thanh thiếu niên đều cho rằng khía cạnh tồi tệ nhất trong những vấn đề gia đình là chúng thường cho rằng mình đang bị đối xử như những kẻ thù, chịu bất công; trong khi con cái không còn nhìn nhận cha mẹ là những người đáng yêu như trước nữa. Thế nên, việc nhận biết sớm dấu hiệu của những áp lực từ gia đình mà con đang phải chịu đựng rất quan trọng.
Cha mẹ cần khéo léo hỏi han, quan sát để tìm ra được nguyên do gây áp lực. Có thể ban đầu chúng ta thấy những lý do này không chính đáng, nhưng cần kiên nhẫn nghe con chia sẻ để thấu hiểu tại sao con bị áp lực. Từ đó, phụ huynh hãy tạo ra môi trường gia đình yên ấm và ổn định, yếu tố quan trọng để giúp trẻ vượt qua tâm lý bất ổn. Một không gian với tình yêu thương giữa cha mẹ và con cái giúp trẻ cảm thấy vui vẻ, an toàn.
Gia đình nên dành thời gian đi chơi, ăn uống để các thành viên gắn kết với nhau nhiều hơn. Cha mẹ cũng nên tạo điều kiện cho con có cơ hội chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của mình.
“Người lớn phải tự kiểm soát tốt cảm xúc của mình, không vì những áp lực cuộc sống mà cãi nhau trước mặt trẻ. Cha mẹ động viên nhau vượt qua khó khăn, tránh va chạm không cần thiết”, cô Thanh nói.
Theo ThS Thanh, cha mẹ cũng cần trợ giúp con thiết lập mối quan hệ tích cực từ môi trường gia đình cùng với bạn bè. Nếu phát hiện biểu hiện của tâm lý bất ổn ở con, nên tìm sự giúp đỡ từ các chuyên gia tâm lý uy tín hoặc nhà trường. Ngoài ra, khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động phục vụ cộng đồng để thấy được giá trị của cuộc sống, hoạt động nghệ thuật có thể giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng.
ThS Nguyễn Thị Thanh chia sẻ, trẻ em thường nhạy cảm với cảm xúc, giọng điệu, lời nói của người lớn. Khi căng thẳng hay thất vọng, cha mẹ cần tìm cách kiểm soát cảm xúc, nói chuyện với con một cách bình tĩnh, tránh quát mắng để con không bị sợ hãi, hiểu lầm ý cha mẹ.