Nuốt phải một vật nhỏ trong điều khiển ti vi, bé gái 17 tháng tuổi tử vong trong đau đớn
Mặc dù đã trải qua 3 ca phẫu thuật và các bác sĩ luôn nỗ lực cứu chữa, thế nhưng cuối cùng, cô bé vẫn ra đi.
Tháng 10/2020, con gái Reese (17 tháng tuổi) của chị Trista Hamsmith, sinh sống ở Texas (Mỹ), bỗng nhiên thở khò khè. Mặc dù cho rằng đó chắc chỉ là do cơn ho gây ra nhưng chị Trista vẫn đưa con gái đi khám bác sĩ. Tại đây, bác sĩ nói rằng đứa trẻ bình thường, có lẽ đây là dấu hiệu cảnh báo của một cơn cảm nặng.
Vài giờ sau khi trở về nhà, chị Trista nhận thấy pin trong điều khiển từ xa của tivi bị biến mất. Trái tim bà mẹ này bỗng ngừng đập. Ngay lập tức, chị đưa Reese vào bệnh viện cấp cứu. Kết quả chụp X-quang cho thấy có viên pin cúc áo đang nằm trong thực quản của bé gái.
Chị Trista chia sẻ: "Các bác sĩ thông báo họ cần phải thực hiện phẫu thuật khẩn cấp để lấy pin ra khỏi cổ họng của Reese. Vì pin đã phản ứng với nước bọt tạo ra chất xút "ăn" da thịt như axit. Sau khi ca phẫu thuật, con gái tôi được về nhà sau vài ngày nằm theo dõi ở bệnh viện. Tôi cứ tưởng nguy hiểm đã qua. Không ngờ, nó chỉ mới bắt đầu".
Vài ngày sau sau khi trở về nhà, tình trạng của Reese đột ngột trở nặng. Chị Trista lại tức tốc đưa con vào bệnh viện cấp cứu. "Lần này, bác sĩ phát hiện ra có một lỗ thủng trong cổ họng của Reese. Lỗ thủng ấy xuyên qua khí quản và thực quản. Nó khiến cho không khí không thể đến được nơi cần đến. Kể cả thức ăn, nước uống cũng bị "đi lạc". Bác sĩ đã phải đặt một ống thông dạ dày và một máy thở để hỗ trợ cho con tôi", bà mẹ 1 con nhớ lại.
Đến tháng 12/2020, bác sĩ nói với gia đình bệnh nhi rằng họ cần phải tiến hành phẫu thuật lần nữa để vá lỗ thủng và vài tuần sau đó, Reese đã cai được máy thở. Thế nhưng, chỉ vài ngày sau, Reese đã lại trở về tình trạng cũ. Bác sĩ nói rằng cô bé còn quá nhỏ nên không đủ lực để tự thở một mình. Họ quyết định phẫu thuật mở khí quản để đặt một ống thở vào trong đó giúp đứa trẻ thở được dễ dàng hơn.
Ba ngày sau ca phẫu thuật mở khí quản, một lần nữa Reese lại rơi vào tình trạng nguy cấp. Ngày 17/12/2020, Reese đã rời xa cha mẹ để ra đi mãi mãi.
Tuy rằng nỗi đau mất con chưa nguôi, nhưng chị Trista vẫn muốn chia sẻ câu chuyện của mình để cảnh báo đến các bậc cha mẹ khác về sự nguy hiểm của pin cúc áo. Và mong rằng không có đứa trẻ nào phải ra đi như con gái của chị và không có ông bố bà mẹ nào bị bào mòn bởi nỗi đau mà chị đang mang.
Tại sao pin cúc áo lại nguy hiểm đối với trẻ em?
Tiến sĩ Katie Parki - Bác sĩ nhi khoa gia đình ở North West và North Wales (Anh) cho biết trẻ em rất dễ lầm tưởng pin cúc áo là một viên kẹo do nó nhỏ và mỏng. Thế nhưng, với kích thước đó, pin cúc áo vẫn có thể nằm mắc kẹt bên trong cổ họng của trẻ. Khi pin bị kẹt, nó sẽ tạo ra dòng điện do tiếp xúc với niêm mạc họng, từ đó, các chất xút tích tụ lại và gây bỏng nghiêm trọng.
Mặc dù pin mới độc hại hơn nhưng ngay cả pin cũ đã qua sử dụng cũng nguy hiểm không kém vì bên trong nó có thể còn tích lại một ít điện và cũng có thể gây nguy hiểm đối với trẻ.
Do đó, để đề phòng con không nuốt phải pin, các cha mẹ cần:
- Luôn để các loại pin mới và cũ ở xa tầm với của trẻ em. Bởi cho dù pin đã qua sử dụng rồi nhưng bên trong nó vẫn có thể còn tích đủ điện để gây thương tích đối với cơ thể của con.
- Nếu mua đồ chơi, thiết bị gia dụng hoặc các mặt hàng có sử dụng pin, cha mẹ nên tìm các sản phẩm có thể sạc nếu hết pin. Và tốt nhất là không nên lựa chọn những sản phẩm sử dụng pin cúc áo.
- Kiểm tra sản phẩm và đảm bảo ngăn chứa pin cúc áo luôn được giữ chặt bằng ốc vít. Nếu ốc vít bị mất và không có ốc thay thế thì nên bỏ hẳn pin ra ngoài và không dùng đến pin nữa.
- Vứt bỏ pin cúc áo đã sử dụng ngay lập tức.
- Hãy nói với người khác về tác hại nguy hiểm của pin cúc áo nếu chẳng may trẻ nuốt phải để họ nâng cao nhận thức và giữ an toàn cho con của họ.