Nuôi con qua giai đoạn “lì” không chịu chào người lớn, mẹ trẻ thay đổi thái độ khi biết đây là tín hiệu tốt của não bộ

Minh Nguyệt,
Chia sẻ

Hơn 1 năm con trai “lười” chào người lớn khiến mẹ Hà thành vô cùng lo lắng...

Là bà mẹ lần đầu nuôi con nhỏ, chị Phan Thu Hiền (Hà Nội) không chỉ quan tâm đến sự phát triển thể chất của con mà còn đặc biệt chú ý đến việc dạy dỗ bé.

Con trai chị, bé Tô Tô, sắp bước sang tuổi lên 4 là một cậu bé vui vẻ, nhanh nhẹn và hòa đồng.

"Từ khi biết nói Tô Tô tỏ ra hăng hái nói khá nhiều, chào hỏi ông bà, bố mẹ. Nhưng Tô Tô không hẳn là cậu bé quá bạo dạn, khi gặp người lạ, việc đầu tiên là cháu nhìn, đến khi mẹ giới thiệu và tỏ thái độ thân quen, thì cháu mới chào hỏi và theo người đó", mẹ trẻ bật mí.

Nuôi con qua giai đoạn “lì” không chịu chào người lớn, mẹ trẻ thay đổi thái độ khi biết đây là tín hiệu tốt của não - Ảnh 1.

Giai đoạn "lì" của con kéo dài khoảng 1 năm, theo chị Hiền cha mẹ nên chờ đợi và kiên nhẫn với trẻ.

Chị Hiền cho biết thêm, trước 20 tháng tuổi bé nghe lời mẹ răm rắp. Khi gặp người lớn được mẹ nhắc nhở chào là cậu bé rướn cổ lên để chào cho lớn tiếng.

Thế rồi bẵng đi bỗng đến một ngày Tô Tô đột nhiên không chịu chào người lạ nữa. Mỗi lần gặp người lớn, chị vẫn đề nghị con chào nhưng bé chỉ trốn sau chân mẹ. Lúc đó, hàng loạt câu hỏi hiện ra trong đầu chị: "Liệu mình dạy con sai ở đâu?", "Con mình học ai mà không chào người lớn?", "Lớn lên con có như thế không?", "Hay là con mình phản ứng chậm?",...

Đến khi Tô 3 tuổi, con bỗng vui vẻ chào người lớn. Nhưng mừng rỡ chưa lâu, mẹ trẻ lại xuất hiện thắc mắc có lúc con chào rất chủ động, có lúc con không chào.

Để lý giải cách cư xử của con, chị Hiền đã tìm hiểu nhiều nguồn thông tin liên quan đến sự phát triển ngôn ngữ, não bộ của trẻ qua mỗi giai đoạn.

Chị Hiền cho hay: Não là nơi chi phối tất cả các hoạt động ngôn ngữ. Giai đoạn trước 2 tuổi, trẻ đang học nói cũng là lúc trẻ hào hứng và cảm thấy rất mới lạ với ngôn ngữ, âm thanh. Đó là lí do vì sao, giai đoạn này trẻ em bắt chước như vẹt. Bố mẹ nói điều gì trẻ sẽ nhanh nhảu nói theo ngay.

Tuy nhiên, khi bước sang giai đoạn 2-3 tuổi, não bộ của trẻ phát triển mạnh, các vùng thông tin trong não kết nối với nhau khiến trẻ nghe nhiều hơn, nạp thông tin nhiều hơn và cần để xử lí thông tin, điều chỉnh cảm xúc, hình thành thói quen và phản xạ. Ở tuổi này, trẻ học nhiều hơn, phân tích và độc lập nhiều hơn.

Qua 3 tuổi, trẻ sẽ nói và hỏi nhiều hơn, con biết giải thích và thể hiện nhu cầu, mong muốn. Lúc này bố mẹ thấy, trẻ như những ông cụ non, bà cụ non.

Nên làm gì trong từng giai đoạn phát triển ngôn ngữ, trí não của trẻ?

Nuôi con qua giai đoạn “lì” không chịu chào người lớn, mẹ trẻ thay đổi thái độ khi biết đây là tín hiệu tốt của não - Ảnh 2.

Bước lên 3, trẻ thích làm theo, học hỏi những gì người lớn làm.

Với kinh nghiệm của bản thân, chị Hiền bật mí cách để con phát triển ngôn ngữ qua từng giai đoạn phát triển.

Cụ thể, ngay từ khi mới sinh bé Tô Tô, mẹ Hà thành thường có thói quen đọc sách, kể chuyện cho con nghe hay ru con bằng những bài hát, bài thơ gần gũi, quen thuộc.

"Cách này theo mình vô cùng hiệu quả để giúp con học từ và các con bắt chước theo. Con trai mình từ hơn 1 tuổi đã đọc thuộc vuốt đuôi được hết mấy bài thơ mẹ hay ru", mẹ trẻ hào hứng khoe.

Giai đoạn con "lì" 2-3 tuổi, chị không ép con và cũng không phê bình con, hay chê con mỗi khi con không chào người lớn. Câu thần chú chị niệm là "chờ đợi", "kiên nhẫn". Tuy nhiên, chị vẫn nhắc nhở con chào người lớn.

Ở giai đoạn con 3 tuổi, nhận thấy con bắt chước và học theo tất cả những gì bố mẹ và những người thân thiết làm, chị luôn làm gương cho con.

Ngoài ra, chị không quên đọc những cuốn sách về chủ đề "chào hỏi" cho con nghe và luôn chú ý đến việc khen ngợi, nhắc nhở con.

Đặc điểm của bộ não trẻ nhỏ

Giai đoạn từ sơ sinh đến 8 tuổi và đặc biệt là từ khi sinh ra đến tuổi lên ba là thời điểm quan trọng trong sự phát triển não bộ của trẻ.

Từ lúc thụ thai, các tế bào thần kinh của não nhân nhanh hơn so với bất kỳ tế bào nào khác trong cơ thể của một em bé. Tốc độ phát triển não bộ nhanh chóng của bé tiếp tục suốt thời thơ ấu: lúc mới sinh, não nặng 25% trọng lượng trưởng thành của nó, lúc một tuổi đạt 50%, hai tuổi 75%, và ba tuổi 90%. Bộ não của một người trưởng thành có hơn 100 tỷ tế bào thần kinh, phần lớn trong số đó đã hình thành trong 5 tháng đầu tiên trong bụng mẹ.

Nuôi con qua giai đoạn “lì” không chịu chào người lớn, mẹ trẻ thay đổi thái độ khi biết đây là tín hiệu tốt của não bộ - Ảnh 3.

Chia sẻ