Nuôi con kiểu phim... Hàn Quốc

Minh Nguyễn,
Chia sẻ

Ngay từ nhỏ Xuxi được mọi người gọi là “em bé Hàn Quốc”. Không phải bởi Xuxi có bố mẹ là người Hàn Quốc, mà mọi người thường đùa rằng “Xuxi được nuôi theo công nghệ Hàn Quốc”.

Người “có công” tạo nên “em bé Hàn Quốc” lớn nhất phải kể đến mẹ của Xuxi. Mẹ Xuxi cũng không phải còn quá trẻ, nhưng vốn là “fan” của phim Hàn Quốc từ hồi còn đi học nên mẹ Xuxi cũng biến cuộc sống của mình theo kiểu… Hàn Quốc. Ngay cả cái tên Xuxi của con cũng xuất phát từ món ăn Hàn Quốc mà mẹ Xuxi thích ăn.

30 tuổi mới lấy chồng vì… các cô trong phim Hàn Quốc đều vậy, vẫn lấy được anh đẹp trai, con nhà giàu có đấy thôi. Lấy chồng rồi, 2 năm sau Xuxi mới ra đời vì mẹ Xuxi muốn kéo dài thời gian vợ chồng son.

Ngay từ khi mang bầu Xuxi, mẹ Xuxi đã ao ước sau này sẽ có những đứa trẻ thông minh, xinh xắn như trẻ con Hàn Quốc và gia đình Xuxi sẽ là một gia đình lý tưởng như mẹ Xuxi vẫn thấy trong phim. Bất kể thuốc gì, sữa gì mẹ Xuxi uống cũng phải là thuốc do Hàn Quốc sản xuất, quần áo sắm cho Xuxi cũng phải là quần áo Hàn Quốc, đi khám thai cũng phải là phòng khám nào liên quan Hàn Quốc. Thậm chí, nếu không vì mọi người ngăn cản thì mẹ Xuxi đã đáp máy bay sang Hàn để sinh con rồi.
 

Rồi khi Xuxi chào đời, biểu hiện đầu tiên của mẹ Xuxi khi nhìn thấy con cũng rất lạ: đó là mẹ cứ đứng nhìn Xuxi chằm chặp và mếu máo khóc chứ không vội vàng bế con như các bà mẹ khác cùng phòng. Câu đầu tiên mẹ Xuxi nói với con cũng là một câu tiếng Hàn mà tất cả những người xung quanh nghe xong đều không hiểu gì. Nếu ai không biết thì lại nghĩ mẹ Xuxi “chắc có vấn đề về thần kinh”.

Mẹ Xuxi cẩn thận lắm. Mẹ sắm nhiều quần áo cho con nhưng tất cả đều phải là quần áo Hàn Quốc mua ở các cửa hàng uy tín, có nguồn gốc xuất xứ đàng hoàng. Sữa cho Xuxi ăn cũng phải là sữa Hàn. Mặc cho nhiều người nói nên cho con ăn thử xem có hợp sữa không, mẹ Xuxi vẫn quyết định mua cả thùng sữa cho con với lý do… mua thế mới rẻ và để ăn dần. Mẹ Xuxi còn cạy cục nhờ vả cho bằng được để nhờ người mua sữa xách tay từ Hàn về cho con. Xuxi nếu có chẳng may bị ốm, buộc phải khám ở các bệnh viện chuyên khoa thì chớ, chứ thuốc thì thể nào mẹ Xuxi cũng phải mua thuốc của Hàn Quốc nếu có. Mọi người yêu quý nên thường cho Xuxi quà, nhưng cầu đầu tiên của mẹ Xuxi bao giờ cũng là: “Hàng này của nước nào thế, có phải của Hàn Quốc không? Em chỉ thích đồ Hàn Quốc hàn xẻng thôi…” Người tặng quà nhiều lần cũng ái ngại và giận mẹ Xuxi vô cùng.

Ngay cả việc dạy con mẹ Xuxi cũng cố học theo như trong các phim Hàn. Thấy trong phim mẹ sang ngủ cùng con, mẹ Xuxi cũng nịnh nọt bố Xuxi rằng cho Xuxi ngủ riêng phòng riêng giường và mẹ Xuxi sẽ sang ngủ cùng con cho dù lúc đó Xuxi mới được 8 tháng tuổi. Chỉ tội bố Xuxi cứ tròn mắt ngơ ngác không hiểu, cả cái nền nhà trải chăn làm giường ngủ như ý của mẹ Xuxi lúc mới cưới rộng như này mà không đủ chỗ cho cả 3 người ngủ sao mà phải để con sang phòng khác.

Bố Xuxi vốn tính hiền, lại yêu vợ con nên chiều theo mọi sở thích của vợ. Vậy là mẹ Xuxi được toàn quyền tạo ra một cô bé búp bê Hàn Quốc là Xuxi trong suốt bao năm qua.
 

Nhưng đến lần này thì bố Xuxi không chịu nổi nữa. Lần đầu tiên bố Xuxi to tiếng và mắng vợ là “có vấn đề trong suy nghĩ về cội nguồn và dân tộc”. Chẳng là, qua phim Hàn, mẹ Xuxi thấy trẻ em Hàn Quốc tự giác đến lớp và tự đi về, lại còn đi bộ nữa, mà mấy đứa trẻ cũng chỉ mới lớp 2, 3 thôi chứ mấy. Không hiểu nghĩ thế nào mà hôm trước, mẹ Xuxi đưa con đến lớp rồi dặn con tự đi bộ về. Đến chiều, cô bé cứ lơ ngơ ở cổng trường chờ mẹ đón nhưng chờ mãi không thấy nên lếch thếch tự đi về. Một cô bé lớp 2, lần đầu tiên tự đi một mình, lại không nhớ đường, vừa đi Xuxi vừa khóc, mãi mà chưa về đến nhà.

Đến khi bố Xuxi đi làm về không thấy con đâu, hỏi ra mới vỡ lẽ mẹ Xuxi đang muốn dạy con giống trẻ em Hàn. Hốt hoảng, bố Xuxi đi tìm con thì thấy con gái đang ngồi ở vệ đường mà khóc. May mà không bị kẻ xấu bắt đi. Bố Xuxi nhiều khi không hiểu mẹ Xuxi nghĩ gì mà lại “dạy” con kiểu vậy. Không giấu nổi giận, bố Xuxi đã mắng cho vợ một trận.

Không biết là sau lần đó, mẹ Xuxi có “tỉnh” ra không. Nuôi con quan trọng là chăm con khỏe mạnh và giáo dục nhân cách cho con chứ không phải là tạo cái “mẽ” bên ngoài. Phương pháp giáo dục nào cũng có những cái hay riêng nhưng nên biết cách áp dụng phù hợp với điều kiện gia đình và tùy theo sức khỏe, tâm tư, điều kiện của con cái mình. 
Chia sẻ