Nuôi con khoa học
Làm thế nào để “con hơn cha” là nguyện vọng chính đáng của mọi gia đình.Tuy nhiên không phải cha mẹ nào cũng biết cách để nuôi con mình một cách hoàn hảo nhất.
Từ sơ sinh đến 12 tháng
Đây là giai đoạn bé sống tự lập, não và hệ thần kinh phát triển nhanh. Chúng ta thường nghe “ba tháng biết lẫy (lật), bẩy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi” để thấy hệ thần kinh điều khiển cơ xương phát triển như thế nào.
Đây cũng là giai đoạn bé tăng trưởng cân nặng, chiều cao rất nhanh. Cụ thể: sau 6 tháng cân nặng tăng gấp đôi, sau 1 năm cân nặng tăng gấp 3 lần lúc mới sinh.
Bú mẹ 3 giờ sau khi ra đời là một biện pháp cần được xem trọng. Nhiều chị sợ ngực xấu nên buộc bé phải bú sữa bò. Các hãng sữa nhắm trúng đích đã quảng cáo theo kiểu “sữa mẹ là tốt nhất, nhưng nếu bé không bú mẹ thì sữa của hãng chúng tôi có thành phần giống như sữa mẹ lại được bổ sung DHA…”.
Con bò và người mẹ là hai loài động vật khác nhau, con bò nhai cỏ mà sữa bò lại tốt tương đương với sữa mẹ! Ấy vậy mà các bà mẹ cả thế giới đều nghe theo.
Trong 4 tháng đầu trẻ chỉ cần bú mẹ. Cuối tháng thứ tư là bắt đầu cho trẻ ăn dặm (sữa bò, dầu ăn để trẻ có đủ các acid béo như Omega 3, Omega 6, cho trẻ ăn bột với thịt hoặc cá xay nhuyễn với ít lá rau xanh, tập cho bé uống nước trái cây tươi…). Một số gia đình còn nấu một nồi cơm, gạn nước cơm để pha sữa cho bé trong giai đoạn ăn dặm rất tốt. Biểu đồ tăng trưởng của trẻ sẽ giúp các bà mẹ điều chỉnh chế độ ăn của bé.
Từ 1 - 6 tuổi
Ở giai đoạn này hệ thần kinh của bé tương đối hoàn chỉnh nhưng dây thần kinh chưa được bọc bởi myelin (chưa myelin hóa) nên động tác còn vụng về, tính tình trẻ thường bồng bột, nhõng nhẽo hay khóc nhè.
Từ 3 tuổi thường trẻ hết đái dầm, biết gọi mẹ hay cô giáo khi muốn đi “tè” vì hệ thần kinh đã điều khiển được cơ thắt ở cổ bàng quang. Trẻ tập nói, biết nói từng từ “mẹ, bà, bố…” tiếp đến là những câu đơn giản rồi học theo cách nói của người lớn.
Cho trẻ ăn như chế độ của người lớn và uống sữa mỗi ngày. Cần đảm bảo 1g chất đạm cho 1 kg cân nặng của trẻ (sữa, thịt, cá, trứng, tôm, cua, nghêu, sò, ốc, hến). Cần cho trẻ ăn tối thiểu 0,5g dầu hoặc mỡ/kg thể trọng. Đối với trẻ, vitamin và chất khoáng cũng rất cần. Mỗi ngày cho bé ăn 5-7 lá rau bằng bàn tay xòe của bé và 5 miếng trái cây đã gọt vỏ to bằng nắm tay của bé.
Giống như người lớn, trẻ cần được thay đổi món ăn thường xuyên và ăn ít nhất 5 loại rau, củ, quả khác nhau. Mỗi tuần nên cho bé ăn chè phổ tai, rau câu chừng 2 lần để tăng cường iode thiên nhiên. Những chuyện tưởng như “tầm thường” này lại quan trọng bởi tuyến giáp đủ Iode để tổng hợp hormone thyroxine sẽ làm trẻ thông minh hơn.
Từ 7 - 13 tuổi
Đây là giai đoạn học đường. Trẻ tiếp xúc với bạn bè, nhà trường và hình thành nhân cách. Trẻ cũng ở giai đoạn phát triển chiều cao tiền dậy thì. Chế độ ăn lúc này phải tương tự như người lớn. Nhiều gia đình thấy trẻ đi học rồi lại lơ là, không chú ý đến vấn đề dinh dưỡng mà chăm chăm vào chuyện học, trẻ thích gì ăn nấy.
Đây là giai đoạn chiều cao tăng trưởng nhanh. Nếu không cho ăn đủ các nhóm thực phẩm (chất đạm, tinh bột, chất béo, vitamine và các nguyên tố vi lượng như can-xi, ma- nhê, kẽm, sắt..) thì chiều cao sẽ chựng lại. Có gia đình thấy trẻ thích ăn ngọt, ăn béo lại thỏa mãn ý trẻ rồi lý luận rằng ăn rau sợ dư lượng thuốc trừ sâu. Kết quả là trẻ ăn nhiều, ăn lệch sẽ dẫn đến béo phì. Mới đây Tổ chức y tế thế giới gọi béo phì là “suy dinh dưỡng cộng” bởi chúng vẫn thiếu một số chất dinh dưỡng cần thiết.
Bổ thần kinh
Thật ra để các sợi thần kinh được myelin hóa tốt chỉ cần cho trẻ ăn đủ các nhóm thực phẩm là được. Những thực phẩm công nghiệp như sữa bột, bột dinh dưỡng có công thức cân bằng dưỡng chất nhưng thường được bổn hãng cường điệu hóa với những từ ngữ đánh trúng tâm lý của các bậc cha mẹ: “cao hơn”, “thông minh hơn” khiến cho ngay cả gia đình nghèo cũng kiếm tiền mua cho bằng được.
Thực ra trong thức ăn truyền thống mà các gia đình ở nông thôn đang nuôi con đều có đủ dưỡng chất. Trẻ nông thôn ăn tôm, cua, ốc, cá, đậu các loại và nhiều rau lấy từ vườn nhà, vậy mà trong các cuộc thi trẻ ở vùng nông thôn lại có điểm cao hơn trẻ ở thành thị.
Những kiện tướng cờ vua, những cầu thủ xuất sắc, những nhà khoa học đang làm việc cho các công ty đa quốc gia hầu hết đều sinh ra từ vùng nông thôn nghèo khó.
Vậy nuôi trẻ như thế nào?
Bạn đừng chạy theo quảng cáo để hy vọng con mình sẽ trở thành “thần đồng đất Việt”. Các bà mẹ nên tự trau dồi kiến thức dinh dưỡng để biết điều chỉnh chế độ ăn cho trẻ như thế nào.
Chẳng hạn: cho con ăn kẹo thường xuyên dễ bị sâu răng, đến bữa trẻ ngang dạ không chịu ăn cơm. Khi trẻ rơi vào hội chứng biếng ăn lại dùng những biện pháp thô bạo như đè ra đổ thức ăn vào miệng hay bịt mũi đổ sữa. Có bà mẹ còn để sẵn một cái roi để “khủng bố” tinh thần trẻ trong mỗi bữa ăn.
Tất cả sẽ làm trẻ bị ức chế tâm lý, men tiêu hóa không tiết ra, dần dần trẻ bị suy dinh dưỡng, đêm ngủ hay giật mình vì sợ.
Nuôi trẻ là một nghệ thuật cần kết hợp tình yêu thương, hiểu biết tâm lý và dinh dưỡng, có vậy mới mong trẻ phát triển tốt về cả thể chất lẫn tinh thần.