Nữ CEO tạm gác lại công việc để trở thành người mẹ full-time: Kinh doanh hay chăm con thì để thành công cũng phải "thành nhân" trước

San San,
Chia sẻ

Quyết định dừng lại vài năm sự nghiệp để ưu tiên cho gia đình, con cái, nhưng tâm sự của nữ doanh nhân 9x khiến cho nhiều người cảm thấy bất ngờ.

Ở thời điểm đặt nền móng cho sự nghiệp, khi đã có những bước đầu thành công trong lĩnh vực start-up, Bùi Thuỳ Linh (sinh năm 1993) quyết định lập gia đình và có con. Cũng như nhiều phụ nữ khác, bà mẹ 2 con đối diện với sự thay đổi về cơ thể, sức khoẻ cùng những bỡ ngỡ trong lần đầu làm mẹ. Và cuối cùng, Thuỳ Linh lựa chọn sẽ dành toàn bộ thời gian, ít nhất là 6 tháng đầu để tập trung vào việc chăm sóc và nuôi dạy các con của mình.

Nữ CEO đã làm cách nào để vượt qua những áp lực trong cuộc sống, để chu toàn vai trò người vợ, người mẹ nhưng vẫn không bị chững lại khi cuộc sống không ngừng thay đổi? Cùng lắng nghe một chút chia sẻ chân thành và gần gũi của nữ doanh nhân Thuỳ Linh nhé.

Nữ CEO tạm gác lại công việc để trở thành người mẹ full-time: Áp dụng triệt để tư duy kinh doanh vào nuôi dạy con, lúc nhỏ là thời gian tạo nền móng hình thành tính cách của bé - Ảnh 1.

Bùi Thuỳ Linh

Chức vụ: Founder/ CEO công ty Quả Trứng Vàng, thành viên danh dự của Hội đồng quản trị tập đoàn Anh Quân Strong.




Chăm con giúp các kĩ năng liên quan tới quản lý công việc và quản trị cảm xúc được hoàn thiện

- Là doanh nhân và đồng thời cũng là vợ, là mẹ, có điều gì Linh cảm thấy có thể áp dụng từ công việc của mình sang nuôi dạy và chăm sóc con cái?

Với một người có mindset kinh doanh như mình thì đây là một mối tương quan hai chiều: Mình áp dụng được từ công việc sang chăm con và từ việc chăm con sang công việc.

Kinh doanh giúp mình có bản lĩnh và tư duy thông suốt mạch lạc để áp dụng vào việc nuôi dạy con. Ngược lại, quá trình chăm con giúp các kĩ năng liên quan tới quản lý và điều khiển cảm xúc của mình được hoàn thiện hơn nhiều và mình có thêm nhiều góc nhìn đa chiều đối chiếu lại vào công việc.

Với bé đầu tiên, mình áp dụng Phương pháp EASY, luyện tự ngủ. Đây cũng như việc start up lần 1, vận hành một công ty trong thời bình, với quy trình đầy đủ. Có áp lực vì sự cứng nhắc, vì để quản lý được đúng quy trình thì đúng là phải cần một chút cứng nhắc thật. Ngoài ra còn phải có mục tiêu cực kì rõ ràng, sự theo dõi sát sao để đánh giá - vì bé đầu mình đặt nhiều kì vọng lắm, vẫn còn đang hừng hực khí thế lần đầu làm mẹ mà! Sự chuẩn bị cho cơ sở vật chất và nhân sự là phòng ốc, giúp việc... cũng sẵn sàng hết để bắt nhịp khi bé vừa sinh ra. Mình có hộ lý chăm bé 2 tháng đầu nên tuy sức khoẻ rất yếu khi mang bầu và đẻ mổ thì sau sinh mình có thời gian phục hồi. 2 tháng là mình chăm con một mình để luyện con vào nếp chuẩn chỉnh. Sau đó con 10 tháng mới chuyển giao cho cô bảo mẫu. Và trong thời gian 10 tháng đó là có đào tạo cô rồi.

Nữ CEO tạm gác lại công việc để trở thành người mẹ full-time: Áp dụng triệt để tư duy kinh doanh vào nuôi dạy con, lúc nhỏ là thời gian tạo nền móng hình thành tính cách của bé - Ảnh 2.

Bé thứ hai sinh vào thời gian Covid. Mọi nguồn lực đều bị hạn chế hơn lần đầu. Có thêm cô chị nên thời gian để mình toàn tâm toàn ý chăm bé em là không có. Chưa kể cũng không còn phòng riêng để luyện ngủ nữa. Bé chị không được đi lớp như dự định, cô bảo mẫu cũng không thể thuê thêm. Vậy nên mình chọn cho con ti trực tiếp, nuôi truyền thống không rèn vì biết có rèn cũng thất bại. Với kinh nghiệm của lần 1, lần 2 mình có tinh thần thép hơn, không bị bỡ ngỡ nhưng cũng có quá nhiều điều khác phải chú ý. Nó rèn luyện cho mình tính linh hoạt để thích nghi liên tục (một điều mình nghĩ chắc cũng rất cần thiết khi kinh doanh thời Covid), khả năng quản lý thời gian (tin mình đi 24/7 với 2 nhóc cũng mệt bã người không kém điều hành hai công ty 1 lúc, kĩ năng lãnh đạo - nắm bắt cảm xúc thúc đẩy nhân sự được thực hành khi bạn có cách để xử lý sao cho một đứa trẻ 3 tuổi không biết nhiều, ương bướng làm theo đúng mong muốn của bạn thì bạn đã thành công rồi đó).

Đặc biệt, dù kinh doanh hay chăm con thì muốn thành công phải "thành nhân" trước đã! Thời gian có con giúp mình "ngộ" ra được nhiều điều, hoàn thiện con người ngày một tiến bộ hơn.

Nữ CEO tạm gác lại công việc để trở thành người mẹ full-time: Áp dụng triệt để tư duy kinh doanh vào nuôi dạy con, lúc nhỏ là thời gian tạo nền móng hình thành tính cách của bé - Ảnh 1.

Thuỳ Linh vào thời điểm start-up cho sự nghiệp.

Tổ ấm nhỏ hạnh phúc của nữ CEO.

- Quan điểm nuôi dạy con của chị như thế nào? Để bé tự do phát triển hay đặt ra những quy tắc sắt đá ngay từ đầu? Theo chị, việc khó nhất trong hành trình chăm sóc con là gì?

Quan điểm của mình trong việc nuôi dạy con đó là Bố mẹ sẽ là mentor, là người có vai trò hướng dẫn, thúc đẩy, động viên con. Từ mentor này dịch ra là huấn luyện viên có lẽ sẽ hay hơn là người thầy dù chưa hẳn được sát nghĩa như mình muốn. Con sẽ là người quyết định cuộc đời của con, bố mẹ chỉ là người chuẩn bị hành trang và nền tảng, truyền lửa, truyền lực, truyền kinh nghiệm cho con để con tự tin, tự lập, tự tìm tòi ra hướng đi phát triển bản thân.

Mình đọc trong cuốn Quy luật của trí não, họ có nói trong 4 dạng cha mẹ thì dạng: Mục tiêu, kì vọng cao, kỉ luật tốt đi kèm với thái độ cảm thông, yêu thương sẽ giúp con trẻ thành công và hạnh phúc nhất. Mình cũng đồng ý với điều đó và vì vậy trong việc nuôi dạy con mình thiết lập tư duy/ chủ trương nuôi dạy con trước, sau đó đến các mục tiêu cho từng thời điểm lứa tuổi của con, các quy định sẽ theo sau đó. Ví dụ: Con được tự do làm và khám phá các việc không ảnh hưởng đến người khác và an toàn. Như chọn quần áo, chọn món con thích ăn, lượng con ăn… Nếu việc đó ảnh hưởng đến người khác thì phải xem xét và con phải có trách nhiệm. Như bày bừa thì con phải dọn sạch lại sau đó, lấy đồ ở đâu cất về chỗ cũ vv…

Bà mẹ 2 con luôn được ngưỡng mộ bởi nhan sắc trẻ trung và thần thái tự tin của mình.

Mình rất thích một câu đó là: Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình. Tiếng anh có một câu đó là Children see, children learn. Trẻ em như một miếng bọt biển vậy, xung quanh môi trường như thế nào con sẽ cực kì dễ hấp thu và ảnh hưởng, từ tư duy, thói quen, ngôn từ…vv. Vì vậy muốn con thế nào thì mình phải sửa mình đầu tiên để làm gương cho con. Ví dụ như: Mình không ngại xin lỗi và nhận sai với con, hoặc nhận mình không biết vấn đề gì đó khi con hỏi. Việc nhìn nhận ra bản thân cần phải sửa gì, và sau đó thay đổi nó là điều khó khăn nhất. Dù sao cũng là con người mình bao năm nay rồi mà, nhưng để tạo thói quen tốt cho con thì mình đã làm được - bằng cách đặt mình vào con để cảm thông và tự hỏi xem mình nên làm gì để cả mình và con trở nên tiến bộ hơn mỗi ngày.

Khi con còn nhỏ là thời gian tạo nền móng quan hệ gia đình vững chắc, hình thành tư duy tính cách của con

- Lý do nào khiến chị quyết định tạm gác lại công việc để ưu tiên gia đình? Chị nghĩ gì về quan điểm “hi sinh”?

Mình khởi nghiệp công ty được một thời gian thì có bầu lần đầu tiên. Sau đó 8 tuần thì thai lưu. Thời gian đó mình start up nên rất bận, cực kì stress mà còn không nhận ra mình stress, sức khoẻ cũng bị kém. Sau lần đó 3 tháng thì mình có bầu bé Tiny bây giờ và quyết định dừng toàn bộ công việc để ưu tiên cho việc mang bầu vì lí do sức khoẻ. Cũng quyết định làm mẹ toàn thời gian luôn vì thời gian mang bầu mình đọc thấy rằng thời gian con còn nhỏ là thời gian xây dựng nền móng vững chắc về mối quan hệ tình cảm gia đình, cũng như hình thành tư duy tính cách của con. Điều này trái với suy nghĩ trước đây rằng thời gian bé thì không biết gì, chờ lớn rồi dậy. Thực tế cho thấy tuổi thơ hình thành những vấn đề in sâu vào “tiềm thức” ảnh hưởng đến mãi sau này mà có đôi khi chúng ta không nhận ra.

Thời gian trước đó mình cứ nghĩ mình sẽ làm việc đến tận khi đẻ và vừa chăm con vừa làm cơ. Sau mới biết mình đúng là tấm chiếu chưa từng trải. Thời ngày xưa đúng là ai cũng như thế thật nên có lẽ với các bà các mẹ và rất nhiều phụ nữ siêu nhân bây giờ vẫn làm tốt cả hai vai trò. Tuy nhiên, lựa chọn làm mẹ, làm việc, hay chọn cả hai phụ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi người. Chúng ta chỉ cần dùng sự cảm thông và không phán xét áp đặt hoàn cảnh của mình vào người khác. Bởi lựa chọn như thế nào thì cũng có cái hay và cái dở, có cái được và cái mất mát (hay còn gọi là hi sinh).

Nữ CEO tạm gác lại công việc để trở thành người mẹ full-time: Áp dụng triệt để tư duy kinh doanh vào nuôi dạy con, lúc nhỏ là thời gian tạo nền móng hình thành tính cách của bé - Ảnh 6.

- Phụ nữ thường hi sinh mọi thứ mà quên đi việc làm mới, làm đẹp bản thân mình. Chị dành thời gian để trau dồi, luyện tập sức khoẻ và chăm sóc bản thân ra sao với lịch trình bận rộn của mình?

Từ lúc bầu đến khi con khoảng 1 tuổi mình mới dưỡng da trở lại, mới cảm thấy đủ yên tâm và thảnh thơi để đi đâu đấy ra ngoài từ sáng tới tối. Thế nên làm gì thì cũng phải ưu tiên chữ Tiện đầu tiên. Khoảng thời gian mới sinh xong hai bé luôn là lúc cảm thấy khủng hoảng nhất với mình vì khi ấy mệt mỏi, nhìn gương thì thấy một bà bỉm bú dù với cái bụng to phèo chảy xệ, thiếu ngủ…

Mình thường hay lấy lại năng lượng bằng cách chui vào nhà tắm tắm rửa, chọn một bài nhạc hay, chọn sữa tắm thật thơm với mùi hương sảng khoái để bắt đầu một ngày mới. Mình mua những bộ đồ ngủ thật xinh, che khuyết điểm để ngay cả ở nhà trông cũng không bô nhếch. Sau sinh mình nối mi vì nối xong mắt và mặt nhìn tươi tỉnh hơn hẳn và ra ngoài cũng đỡ phải mất công make up, chọn những sản phẩm dạng xịt dưỡng và balm màu cho má môi để công cuộc làm đẹp được đơn giản, nhanh chóng. 

Hồi đẻ bé đầu chưa bị Covid thì mình làm các gói matxa chăm sóc sau sinh, đi gội đầu thư giãn. Sau sinh phụ nữ hay bị trầm cảm, chỉ cần bạn nhận biết và thừa nhận được mình đang bị thì đã giải quyết được 50% rồi. Ngoài ra mình cũng tìm đến cộng đồng mẹ bỉm để chia sẻ những gì mình biết, chia sẻ cảm xúc của mình, hỏi mọi người và tiếp nhận sự giúp đỡ của mọi người để không thấy bản thân bị cô lập quanh bốn bức tường chỉ mỗi mình và con.

Khoảnh khắc bên gia đình bận rộn nhưng cũng vô cùng hạnh phúc.

Thời đại nữ quyền rồi, phụ nữ cũng có thể làm bất cứ điều gì họ muốn

- Có quan điểm cho rằng phụ nữ không cần thành công quá kẻo mà đàn ông sợ. Chị nghĩ sao? Theo chị, điều quan trọng nhất để giữ gìn hạnh phúc của một gia đình là gì?

Theo mình những người đàn ông sợ người vợ giỏi và thành đạt là những người đàn ông tự ti, gia trưởng và có cái tôi lớn. Bây giờ là thời đại nữ quyền rồi, phụ nữ cũng có thể làm bất cứ điều gì họ muốn. Đàn ông cũng có thể là hậu phương của vợ, hoặc cả hai cùng có thể đều giỏi thì kinh tế càng tốt chứ sao.

Quan điểm của mình là để giữ gìn hạnh phúc gia đình có hai thứ: tôn trọng sự khác biệt và có thể thống nhất được các vấn đề quan trọng để cùng nhau thực hiện nó.

Mỗi chúng ta đều là một cá thể khác nhau với những quan điểm, lối sống, cảm nhận khác nhau. Tôn trọng được sự khác biệt cần rất nhiều sự cởi mở, cảm thông, bao dung. Tuy nhiên các vấn đề quan trọng như: văn hoá, trách nhiệm, kinh tế… là các vấn đề lớn nên cần bàn bạc kĩ, sau đó đi đến thống nhất để gia đình cùng thực hiện.

Khác với hình ảnh CEO ở công ty, khi ở nhà, Thuỳ Linh ''xả vai'' trở thành một bà mẹ bỉm sữa thực thụ. 

- Chị và ông xã có rạch ròi trong việc phân chia công việc trong gia đình không?

Lúc trước nhìn hình ảnh của mình thì không ai nghĩ mình ở nhà chăm con đâu. Tuy nhiên như đã chia sẻ trước đây, mình đã thống nhất với chồng về tầm quan trọng của việc chăm sóc con trong những năm đầu đời, nên chồng mình làm kinh tế - mình lo việc nhà, chăm con. Mình sống chung cùng ba mẹ chồng nên được ông bà hỗ trợ cho phần ăn uống. Còn việc nhà thông thường thì có hai cô giúp việc. Công việc nhà mình khá nhiều và yêu cầu cũng cao nên đối với việc quản lý mình có đưa vào quy trình và đào tạo hết. Việc chăm con cũng ngốn đủ thời gian của mình cả ngày lẫn đêm rồi.

Không hiểu các mẹ siêu nhân vừa tự làm việc nhà vừa chăm con lấy thời gian đâu cho bản thân nhỉ. Chứ mình là chịu rùi đó. Tự nhận luôn là mình không giỏi trong việc kham hết mọi thứ. Và mình cũng quan điểm ai giỏi cái gì ưu tiên làm cái đó. Khi mình ở nhà chăm con thì chồng mình cũng có áp lực kinh tế nhiều hơn bình thường rồi, nhưng để chồng hay giúp việc chăm con thì không thể tốt như mình được.

Nữ CEO tạm gác lại công việc để trở thành người mẹ full-time: Áp dụng triệt để tư duy kinh doanh vào nuôi dạy con, lúc nhỏ là thời gian tạo nền móng hình thành tính cách của bé - Ảnh 9.

- Nhiều người trẻ ngại kết hôn và sinh con vì không muốn hy sinh sự nghiệp, nhan sắc lẫn sức khoẻ, hoặc có những người chỉ kết hôn nhưng không muốn sinh con, chị nghĩ sao về quan điểm này?

Ai cũng có quyền lựa chọn cách sống của riêng mình miễn là không ảnh hưởng đến người khác. Việc của chúng ta là tôn trọng họ. Chúng ta không trải qua những gì họ đã trải qua và kể cả có trải qua thì cách hành xử hay sức chịu đựng của mỗi người là khác nhau nên cũng không thể lấy cảm nhận của mình làm đo lường chuẩn để đánh giá người khác được. Đi cùng một đôi giày mà trải nghiệm của chân bạn với chân người khác còn khác nhau cơ mà! Với bản thân mình thì việc kết hôn và có con là một trải nghiệm tuyệt vời và mình làm nó khi đã sẵn sàng về mặt pháp luật, hiểu biết, tinh thần, sức khoẻ. Mình không hối hận về điều đó và khi đã lựa chọn thì mình sẽ cố gắng hết sức mình để giúp điều mình lựa chọn trở nên tốt đẹp hơn.

Hiện tại mình là full-time mom. Dự định của mình là sẽ làm full-time mom cho đến khi hai con đi học mẫu giáo thì quay trở lại công việc. Trong 3 tháng cuối thai kì và 6 tháng đầu đời sinh hai bạn thì mình làm full-time mom hoàn toàn chỉ tập trung vào con, sau đó thì tham gia vào công việc quản lý của tập đoàn của gia đình trong các công việc liên quan tới truyền thông, ngoại giao. Ngoài ra mình dành nhiều thời gian để nâng cao thêm hiểu biết thông qua các khoá học onl, off và sách; cũng như kết nối, giữ các mối quan hệ tốt cho công việc của mình sau này để khi quay lại bắt nhịp không bị bỡ ngỡ.

- Cảm ơn chị về những chia sẻ thẳng thắn và thú vị này!

Nữ CEO tạm gác lại công việc để trở thành người mẹ full-time: Kinh doanh hay chăm con thì để thành công cũng phải "thành nhân" trước - Ảnh 10.

Chia sẻ