NSƯT Chí Trung: Không can thiệp chuyện riêng của con

Theo MYB,
Chia sẻ

NSƯT Chí Trung hài lòng vì vợ chồng anh chưa bao giờ áp đặt để tránh tạo cho con cảm giác bị tù đày trong chính ngôi nhà của mình…

Chưa bao giờ các con làm khổ vợ chồng tôi vì những sự vòi vĩnh. Không tiền bạc nào có thể mua được điều đó.

Cô con gái lớn 27 tuổi đã lập gia đình và đi công tác nước ngoài liên tục. Cậu con trai nhỏ 21 tuổi học đại học tại TP. HCM và đã có bạn gái.
 
Trong suốt quá trình trưởng thành của con cái, điều NSƯT Chí Trung hài lòng nhất là vợ chồng anh không bao giờ áp đặt để tránh tạo cho con cảm giác như đang bị tù đày trong chính ngôi nhà của mình…
 
- Trong suốt quá trình trưởng thành của con cái, anh có thường xuyên là người gần gũi, định hướng để chia sẻ cùng các con trong cuộc sống?
 
Gia đình tôi có truyền thống bố và con rất ít tâm sự với nhau. Truyền thống này có từ đời tôi với bố tôi. Chúng tôi luôn hướng về nhau, luôn theo dõi nhau từ bước tiến, cử chỉ, hành vi, phát ngôn… và đều hiểu được nhau nhưng hai bố con rất ít tâm sự với nhau dù ai cũng nói tôi là bản sao của bố.
 
Với các con, tôi cũng vậy. Tất cả những gì các con làm tôi đều biết nhưng rất ít khi góp ý, chỉ khi nào có sự cố hoặc có nguy cơ, tiềm ẩn những kết quả không tốt, tôi mới cảnh báo trước với các con.
 
Chính vì đã có vợ lo lắng rồi nên tôi chỉ lo “chiến đấu với đời”, lo kiếm tiền còn việc học hành, chăm sóc, đưa đón các con là tất cả những nỗ lực của vợ tôi.
 
Nhà tôi có một phân định rất rạch ròi: trong nhà, tất cả máy móc, xe cộ, nhà cửa do tôi lo. Còn phần nội thất, trang trí thế nào, con cái ăn gì, quần áo tôi mặc thế nào… là do vợ tôi đảm nhận.

- Vậy đã có những quyết định hay việc làm nào của các con mà anh phải tỏ thái độ không đồng ý?
 
Cho đến giờ phút này, tôi rất mừng vì các cháu đều có những quyết định đúng. Tuy cậu con trai hơi lười làm việc nhà hoặc nếu có làm thì cũng quấy quá, qua loa nhưng cũng phải thừa nhận là thế hệ chúng tôi và các con bây giờ khác nhau hoàn toàn về tư duy gia đình.
 
Thế hệ bọn trẻ giờ sống giữa gia đình nhưng cứ như ở thế giới mạng là chính. Về nhà là chúng vồ lấy cái máy tính, cười ha hả, khanh khách, có khi khóc rưng rức chứ chúng không quan tâm nhiều lắm đến gia đình. Đấy là một thực tế giữa thế hệ trẻ và thế hệ già mà tôi vẫn nhắc nhở trong mỗi cuộc họp ở cơ quan.
 
- Anh đã “hóa giải” sự mâu thuẫn này như thế nào đối với các con mình?
 
Rõ ràng giữa hai thế hệ đang có những bất đồng về cách sống, quan điểm sống, khát vọng sống… và mâu thuẫn đó luôn tồn tại. Vấn đề là mình phải biết cải biến, điều chỉnh để hòa hợp với nó. Thậm chí đôi khi phải chấp nhận và học hỏi theo. Ví dụ bây giờ tôi cũng tập xem phim phụ đề…
 
Nhiều gia đình bạn bè của vợ chồng tôi có mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái thật khủng khiếp. Có những gia đình trí thức có điều kiện kinh tế khá hơn gia đình tôi hàng nghìn lần nhưng con cái trong nhà vẫn mắng chửi cả bố mẹ vì nhiều khi chúng không chịu được sự áp bức trong suy nghĩ, trong tư duy ở gia đình mình. Nó gần như một thứ bạo lực về tinh thần áp đặt lên con cái.
 
Ngày xưa cứ nghĩ cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, nhưng giờ thì không như vậy được mà bố mẹ và các con đều phải hiểu biết lẫn nhau. Mình sinh con ra mình có trách nhiệm với nó, nhưng mình cũng phải tôn trọng tự do của nó.

Tôi để con tự có trách nhiệm với mọi việc trong cuộc sống của nó chứ không tạo cho con cảm giác đang bị giam cầm trong chính ngôi nhà của mình.
 
Vợ chồng tôi thường phân tích cho con hiểu rằng bố mẹ cũng nghèo, nếu giàu có thì cuộc sống đã tốt hơn, có thể ở một căn nhà đẹp hơn chứ không phải ở tập thể thế này…

Thật may khi các con tôi đều cảm nhận và chia sẻ được cùng bố mẹ những khó khăn trong cuộc sống. Chưa bao giờ các con làm khổ vợ chồng tôi vì những sự vòi vĩnh. Không tiền bạc nào có thể mua được điều đó.

 
- Vợ chồng anh đều là những nghệ sĩ nổi tiếng nhưng cả hai con đều không theo nghệ thuật, anh có cảm thấy buồn vì điều này?
 
Với nhiều bạn trẻ đến xin vào đoàn, lúc nào tôi cũng chia sẻ thật lòng: “Nếu các em có bất cứ nghề nào khác rồi thì nên theo nghề đó”.
 
Không phải tôi nói xấu nghề nghiệp của mình nhưng trong thời điểm này, nếu chấp nhận làm nghề, theo nghề là phải chấp nhận sống với nghèo khó. Tôi may mắn thành công trong nghề, được công chúng biết đến và sống được với nghề nhưng các em bây giờ không chắc chắn sẽ may mắn như thế.
 
Có lẽ các con tôi nhìn thấy được sự vất vả của bố mẹ nên mặc dù có khả năng thẩm định nghệ thuật rất tốt nhưng các cháu lại đi theo con đường khác và vợ chồng tôi hài lòng vì chuyện này. Bởi như thế các cháu sẽ có một cuộc sống đảm bảo hơn.
 
- Anh có bao giờ can thiệp vào chuyện riêng tư của con cái?
 
Không. Chúng tôi luôn tôn trọng những quyết định của con cái một cách tuyệt đối vì bản thân chúng sẽ phải chịu trách nhiệm trước những quyết định đó chứ mình không thể sống thay chúng được.
 
- Cả hai con anh đều sống và làm việc không gần bố mẹ. Anh có muốn chúng thay đổi nơi làm việc và học tập để sống gần bố mẹ hơn?
 
Tôi thấy ở đâu cũng được… miễn là các con có cơ hội để phát triển. Cơ hội đến mà mình cứ trói nó lại thì không được. Nếu chọn nơi để sống, thú thật tôi thích sống ở Đà Nẵng và làm ăn thì ở Sài Gòn hơn…
 
Xin cảm ơn anh!
Chia sẻ