Những xung đột tâm lý khi con tuổi teen với cha mẹ: Giải quyết ra sao?
Các con tôi khá ngoan ngoãn và học hành chỉn chu. Đó là điều mà tôi tự hào với gia đình và bạn bè. Thế nhưng, khi chúng vào tuổi teen, tình thế có vẻ như đã thay đổi.
Tôi từng thống nhất với con những nguyên tắc như không được tự động mở ví/túi của bố mẹ; Đi chơi phải thông báo về thời gian về, không được muộn sau 11 giờ; làm bạn với ai cũng được nhưng phải để bố mẹ biết họ là ai; con thích ăn mặc thế nào cũng được miễn là tiền quần áo đó không vượt quá số tiền bố mẹ định mức chi cho con; Dù bận thế nào thì hàng tuần phải về thăm ông bà… Bố mẹ và các con đã đồng ý và điều ấy được thực hiện khá nghiêm túc.
Thế mà, vẫn có những xung đột không thể ngờ đã xảy ra giữa tôi và các con. Tôi và chồng cùng du học, tốt nghiệp ở một trường danh giá ở châu Âu. Năm xưa cũng tự thi được học bổng và từ đó, sự nghiệp gặt hái được thành công nhất định. Chính vì thế, gia đình tôi có một số tích lũy dẫu không nhiều cho các con và mong muốn tạo dựng chút tương lai ban đầu cho các con.
Thế nhưng, đứa con trai lớn của tôi lại không nghĩ vậy. Nó tham gia vào các lớp gia sư dạy thêm và tự lấy tiền để làm những việc mình thích. Đi học thời nay không đơn giản như hồi xưa, có nhiều bài tập và nhiều môn ngoại khóa, thời gian rất kín, vì thế tôi không nhất trí cho con đi dạy thêm, đặc biệt là hoàn cảnh gia đình không thiếu thốn gì.
Mỗi khi thấy con mệt lả đi về khuya khoắt, tôi thắt tim. Xót xa con vô hạn. Vì thế, tôi ra sức thuyết phục con không làm gia sư nữa. Nói con nên tập trung vào việc học là đủ rồi, mọi việc có bố mẹ lo. Con không nghe, nó nói “con muốn tự lập. Con muốn làm điều mình thích”.
“Thì con cứ làm điều mình thích, chỉ có điều đừng để mẹ lo lắng như thế”.
Thấy con gầy yếu, tôi càng lo hơn. Nói con không được, tôi nhờ cậy một số người trong họ hàng mà có ảnh hưởng xã hội nhưng con vẫn không từ bỏ ý định của mình. Một hôm, có đám bạn con đến chơi, tôi đem chuyện nhờ các bạn nói thêm, rằng bố mẹ không muốn con vất vả làm gia sư. Tưởng rằng đó là điều tốt cho con, nào ngờ buổi tối hôm đó, con giận dữ với tôi, nói lớn “sao mẹ lại đi nói với bạn của con, rằng con từ bỏ làm gia sư. Con có phải trẻ con lên 3 nữa đâu. Mẹ để cho con làm người lớn đi. Con ghét kiểu mẹ cứ xem con như con nít…”
Lần đầu tiên con to tiếng với tôi, và lại còn nói ngay lúc có khách. Tôi thấy xấu hổ và thất vọng. Sau khi khách về, tôi kìm lòng phân tích cho con nhưng con vẫn khăng khăng “mẹ đừng nói rằng mẹ thương con. Mẹ áp đặt thì có. Mẹ sỹ diện thì có …”
Tôi giận sôi người. Trời ơi, hóa ra tôi thương nó mà nó bảo tôi như thế. Tôi thật sự lo lắng khi con cứ chăm chăm vào việc dạy thêm và bỏ bê việc học của mình. Con chưa đủ chín chắn để nhận ra đâu ra điều tốt điều dở nếu con cứ tiếp tục như vậy.
Những tháng ngày sống trong thời gian đó làm tôi gầy sộc vì mất ăn mất ngủ. Ơn trời cũng qua đi, giờ thì mọi việc đã khá hơn nhưng tôi lại đang lâm vào cảnh xung đột với cậu con trai thứ hai. Thằng em lại là kiểu khác xa với anh trai của mình. Nó không muốn học hành gì cả, chỉ muốn chơi game và loay hoay với việc ngao du với đám bạn nghiện game ngoài kia.
Nhiều lần tôi khuyên nhủ nhưng nó cãi “con vẫn học đủ để không đúp lớp là được chứ mẹ. Con có vi phạm điều gì đâu”. Đành rằng không vi phạm điều cấm kỵ nhưng 2 cặp mắt đã lên tới độ cận 8 đi-ốp vì game. Đành rằng không sai trái nhưng với sức học của con, con đã có thể đạt tới top 3 của lớp mà giờ thì lúc nào cũng vào diện trung bình của lớp. Đi học không có quyển vở nào đầy đủ ghi chép. Bút thậm chí còn không có. Quần áo lúc nào cũng lôi thôi. Đầu tóc để dài như mấy thằng bụi đời. Họ hàng ai cũng ái ngại, còn tôi thì kiệt sức vì thất vọng. Xưa nó học cấp 1 thì đứng đầu trường, ai cũng khen ngoan ngoãn, học giỏi lại khôi ngô.
Mất một thời gian tôi đã tham khảo nhiều ý kiến chuyên gia, đọc sách báo và tham gia khóa học “rút ngắn khoảng cách xung đột giữa các thế hệ”. Từ đó, rút ra nhiều bài học quý báu. Tôi đã thành công trong việc chủ động san lấp khoảng cách về tâm lý giữa mẹ và các con. Không còn gay gắt trong tranh luận với con, góp ý con nhẹ nhàng hơn, cùng với con tham gia hoạt động ngoại khóa. Đặc biệt không còn quan niệm việc các con phải nhất định học giỏi để vào đại học như trước đây nữa. Tôi đã tiếp thu và điều chỉnh theo sự đổi mới của cuộc sống. Nhận ra rằng, nếu con thực sự đam mê sáng tạo game thì cũng có thể làm lập trình, nếu con xem đó là việc làm đúng đắn và con biết tự chịu trách nhiệm với việc mình làm thì ok.
Tôi dành nhiều thời gian hơn để nói chuyện, nắm bắt những thay đổi, tâm tư nguyện vọng, sở thích của con. Một mặt tôn trọng sở thích của con, đồng thời kiên quyết nêu rõ quan điểm, rằng con phải tự chịu trách nhiệm về hành động của mình. Con có thể chơi game nhưng không được làm ảnh hưởng đến việc học hành, không được làm điều gì ảnh hưởng đến gia đình. Bên cạnh đó, tôi có liên hệ chặt chẽ với nhà trường, với ban phụ huynh để hướng con vào những hoạt động tích cực, tạo ra sự gắn kết bên ngoài giúp con khi cần. Tôi đã nhận ra sự phát triển của cơ thể, tâm sinh lý của con ở tuổi dậy thì và có ứng xử phù hợp nên không còn căng thẳng rầu rĩ như trước đây nữa.