Những sai lầm hay gặp khi đắp mặt nạ chăm sóc da
Đắp mặt nạ được xem là cách detox cho làn da, giúp tẩy tế bào chết làm sạch da, giữ ẩm cho da. Tuy nhiên, đắp mặt nạ sai có thể đi ngược với tác dụng bạn mong muốn.
Ngoài can thiệp thẩm mỹ, việc chăm sóc da qua các bước cũng được nhiều chị em áp dụng trong đó đắp mặt nạ chăm sóc da là một trong những “phương tiện” dưỡng da không thể thiếu của nhiều người. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách sử dụng đúng.
BSCKI Trần Ngọc Phương – khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, cho biết đắp mặt nạ là cách chăm sóc da dễ thực hiện nhất. Đắp mặt nạ có công dụng giúp da giữ được độ ẩm cần thiết. Các nguyên liệu làm mặt nạ từ đất sét, tảo biển, mặt nạ giấy, hoa quả, trứng,… đều cung cấp nước cho lớp sừng của da hoặc giúp giảm mất nước khi đang đắp mặt nạ. Một số loại mặt nạ giúp tẩy đi các tế bào chết và bụi bẩn trên da.
Tuy nhiên, BS Phương cho biết hàng ngày bà cũng gặp nhiều bệnh nhân tới khám gặp các trục trặc do đắp mặt nạ sai cách.
Thứ nhất đắp mặt nạ lâu, nhiều người sử dụng mặt nạ giấy và nghĩ rằng càng đắp lâu càng tốt. Thực tế, mặt nạ giấy giúp cấp nước và mang lại vẻ tươi sáng tức thì cho làn da của bạn. Không giống như các loại mặt nạ thông thường, chúng không cần phải lột hoặc tẩy trang bằng nước.
Điều này thực sự có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến làn da của bạn. Hầu hết các loại mặt nạ giấy đều có hướng dẫn sử dụng, trong đó chỉ dẫn thời gian sử dụng. Khoảng thời gian của hầu hết mọi loại mặt nạ là từ 15 đến 20 phút.
Đắp mặt nạ lâu có thể gây ra tác dụng ngược, vì mặt nạ sẽ bắt đầu thấm ngược lại vào nước và tinh chất từ da. Một khi bạn cảm thấy mặt nạ bị khô thì đó là thời điểm tốt nhất để lấy nó ra.
Sau khi loại bỏ mặt nạ, bạn không cần phải rửa mặt vì bạn sẽ loại bỏ tất cả các tinh chất. Chỉ cần vỗ nhẹ vào da để tinh chất còn lại sẽ ngấm vào trong da. Nếu tinh chất lưu lại trên da quá dính, bạn chỉ cần dùng khăn giấy thấm nhẹ lên.
Sai lầm thứ hai, không sử dụng đúng mặt nạ cho loại da của mình. Mỗi người có 1 đặc điểm da như da dầu, da hỗn hợp, da khô, da nhạy cảm. Vì vậy, khi sử dụng mặt nạ, bác sĩ Phương cho rằng người dùng phải cẩn thận khi chọn các sản phẩm rửa mặt hay dưỡng ẩm đúng loại cho da của mình.
Sai lầm thứ ba, bỏ qua bước rửa mặt. Bỏ qua bước rửa mặt là bạn đã quên mất một bước cực kỳ quan trọng trước khi đắp mặt nạ. Trước khi đắp mặt nạn, bác sĩ Phương nhận mạnh phải rửa mặt với sữa rửa mặt phù hợp sau đó mới đắp mặt nạ.
Không chỉ rửa sạch mặt, bạn hãy nhớ rửa tay sạch sẽ trước khi đăp mặt nạ. Nếu đôi tay bẩn, vi khuẩn từ tay bạn sẽ di chuyển sang gương mặt.
Sai lầm thứ tư, đắp quá nhiều. Khi bạn đắp một lớp mặt nạ dày sẽ không làm nó hiệu quả hơn. Vì vậy, bạn chỉ nên sử dụng một lớp thật mỏng mặt nạ trên làn da sạch sẽ và khô ráo.
Sai lầm thứ năm, đừng dùng mặt nạ sai kích thước với gương mặt của mình. Hãy cầm kéo lên và cắt bớt phần dư thừa trước khi đắp mặt nạ nào.
Sai lầm thứ sáu, quên không dưỡng ẩm sau đắp mặt nạ. Nhiều người chỉ đắp mặt nạ coi như xong nhưng thực chất khi đắp mặt nạ xong, bạn vẫn cần thoa một lớp dưỡng ẩm thích hợp để khóa các dưỡng chất trong mặt nạ vào làn da.
Sai lầm thứ bẩy, đắp mặt nạn hàng ngày: bạn không nên sử dụng mặt nạ để dưỡng da mỗi ngày. Trên thực tế, làn da rất mong manh, đắp mặt nạ thường xuyên sẽ làm mất đi lớp dầu tự nhiên bảo vệ trên bề mặt da, khiến da mất khả năng chống lại những tác động của môi trường và dễ bị tổn thương.