Những lời khuyên trong việc nuôi dạy con cái cha mẹ nên lưu ý
"Làm bạn với con" - điều tưởng đơn giản nhưng lại là cả một quá trình thay đổi của bố mẹ.
Làm bạn với con là cách hay nhất để dạy dỗ và hướng dẫn trẻ. Khi làm bạn, bạn mới cho trẻ cảm giác an toàn để chia sẻ. Con cái thời hiện đại rất dễ sống xa cha mẹ dù gia đình ngày nay đã thu nhỏ lại và thường chỉ cha mẹ và con cái cùng sống trong một mái nhà, nhưng chưa chắc bạn biết con cái mình làm gì, chơi với ai và suy nghĩ gì. Rất nguy hiểm nếu chúng ta không biết gì về các con và cũng không thể hiểu các con khi nào cần giúp đỡ. Mỗi con người chỉ có một cuộc đời để sống, mỗi đứa trẻ chỉ có một tuổi thơ để nhớ. Nếu hời hợt qua loa dù sống cùng nhau dưới một mái nhà, thì kết quả cũng chỉ là người "xa lạ".
Với trẻ, yêu thương con không phải là cho trẻ quà bánh, tiền, đồ chơi mà là cách chúng ta xây dựng và thiết lập mối quan hệ với con mỗi ngày từ những điều nhỏ nhất. Dưới đây là những lời khuyên trong việc nuôi dạy con cái cha mẹ nên lưu ý áp dụng trong cuộc sống nhé.
1. Dành thời gian chơi với trẻ
Những trò chơi đơn giản nhưng chắc chắn sẽ vui và hạnh phúc khi cả bố mẹ và con cái đều tham gia chơi. Các bé cần khoảng thời gian chất lượng ở bên bố mẹ, chỉ cần những trò chơi nhỏ, đơn giản cùng giúp mối quan hệ của các thành viên trong gia đình gần gũi hơn.
2. Đọc sách cho trẻ mỗi tối
Ai cũng biết vai trò quan trọng của sách đối với trẻ nhỏ. Đọc sách không chỉ giúp trẻ có thêm kiến thức, sự hiểu biết mà còn giúp làm tăng tình cảm giữa bố mẹ và con cái.
3. Hãy tôn trọng con
Bày tỏ sự tôn trọng trẻ khi giao tiếp và xem trẻ như người bạn để chia sẻ, thậm chí cần sự cảm thông như gọi tên trẻ, bày tỏ xin lỗi nếu điều đó gây ảnh hưởng đến trẻ, cho trẻ sự lựa chọn... Khi bạn biết tôn trọng trẻ thì trẻ sẽ học được cách tôn trọng lại bạn và cả người khác. Đó là khoản gửi tiết kiệm rất quan trọng và nên làm từ độ tuổi nhỏ.
4. Dành thời gian làm điều nhỏ bé nhưng ý nghĩa
Tận dụng những khoảng thời gian trong ngày để cho trẻ biết bạn quan tâm trẻ như ôm hôn con, chúc con ngủ ngon, cùng con làm bài tập, cùng trẻ di dạo, làm cái gì đó cùng nhau như làm con diều chẳng hạn...
5. Chia sẻ nỗi khó khăn với con
Nếu có lúc nào đó trong ngày, tâm trạng con bạn cứ như cọng bún thiu, mệt mỏi và chán nản. Đây chắc chắn là thời điểm tốt mà bạn nên gửi khoản tiết kiệm của mình, hãy cho trẻ biết bạn là người trung thành nhất của trẻ. Khi đó, nắm tay trẻ và nói: "Hôm nay là một ngày khó khăn và mẹ cũng vậy! Mình đi ăn món con thích và kể mẹ nghe có chuyện gì nào?".
6. Yêu thương con
Khi đứa trẻ chạy đến ôm bạn và nói: "Con nhớ mẹ quá!", và bạn sẽ làm gì? Đừng bàng quang không nghe thấy hay trả lời cho xong. Có một số trẻ thích thể hiện yêu thương hay nhớ nhung, cũng có trẻ ít thể hiện hơn, nhưng dù trẻ thuộc tính cách nào điểm chung là lúc đó trẻ đang cần một đáp ứng tích cực từ cha mẹ. Để có khoản gửi tiết kiệm tốt, bạn nên ngồi xuống hay bế trẻ lên để ngang tầm mắt bạn và nói "Mẹ cũng nhớ con lắm!".
7. Dạy con tự lập từ nhỏ
- Trở thành tấm gương tốt cho con: Mọi người vẫn thường được nghe câu "Con cái chính là tấm gương phản chiếu của cha mẹ", nhìn hành động và tính cách của con, có thể thấy được phương pháp giáo dục của phụ huynh là đúng hay sai.
- Khen đúng lúc đúng việc: Khen ngợi bé cũng cần có phương pháp, thay vì những câu nói chung chung như "con giỏi quá, con làm tốt lắm", thì cha mẹ nên đi thẳng vào vấn đề như "con giải toán đúng rồi", "con quét nhà rất sạch". Hãy khen bé khi bé làm được một việc tốt để con có động lực phát huy và duy trì tinh thần đó.
- Chấp nhận một số điều chưa hoàn hảo từ con: Dù là người lớn hay trẻ con thì đều có những lúc làm sai. Đây hoàn toàn là điều bình thường. Cha mẹ tốt là người chấp nhận điều chưa tốt và cho con cơ hội để sửa sai. Nếu như lúc nào bạn cũng đòi hỏi bé phải làm tốt dẫn đến việc con sẽ đánh mất các kĩ năng cần thiết như khó chấp nhận thất bại, sợ bố mẹ mắng...
- Cho trẻ sự tự do: Việc áp đặt hay ép buộc không phải lúc nào cũng tốt, đặc biệt là trong giáo dục con cái. Khi con được tự do làm điều con thích, tự do thể hiện cá tính thì chắc chắn đó sẽ là một đứa trẻ hạnh phúc. Bạn hãy cho bé không gian tự do hoạt động, đừng theo dõi và quát mắng bé như "Đừng trèo lên đó" hay "Đừng động vào đó"...
- Tôn trọng ý kiến của trẻ: Khi trẻ đưa ra yêu cầu, hãy lắng nghe và đánh giá xem liệu làm như vậy có những ưu/ nhược điểm gì. Cho dù bạn không đồng ý, hãy giải thích và cho trẻ lý do chính đáng. Để con được tham gia và thảo luận mọi chuyện trong gia đình cũng sẽ khiến bé cảm thấy con được yêu thương và tôn trọng. Việc bố mẹ cứ bắt ép trẻ phải làm theo ý kiến của người lớn là không nên, khiến bé không có sự sáng tạo, không tự vận động suy nghĩ, làm cho bé ngày càng trở nên thụ động vì mọi việc chỉ làm theo sự sắp xếp của bố mẹ.