Phương pháp dạy con phát triển toàn diện của 6 nhà giáo dục nổi tiếng thế giới
Những quan điểm giáo dục của các nhà giáo dục nổi tiếng này đã được công nhận là hiệu quả trong việc dạy trẻ.
1. Phương pháp giáo dục Montessori - Maria Montessori
Đây là phương pháp với tiến trình giáo dục đặc biệt dựa vào việc học qua cảm giác. Trong giai đoạn này bà Maria đã quan sát thấy rằng trẻ em hoàn toàn bị cuốn hút bởi các vật dụng và chất liệu được thiết kế để trợ giúp sự cảm nhận của giác quan. Tiến sĩ Montessori tiếp tục phát triển những sự trợ giúp dạy học chuyên biệt được dùng cho những trẻ trong môi trường thích hợp và tôn trọng những đặc tính riêng biệt của trẻ.
Phương pháp Montessori chấp nhận sự duy nhất của mỗi trẻ và cho phép trẻ phát triển tùy theo những khả năng và thời gian riêng của mình. Do đó việc tổ chức các lớp học theo mô hình Montessorri phải đảm bảo sự tôn trọng tính riêng biệt của mỗi trẻ và phải bố trí phòng học và bài học phù hợp những nhu cầu và mục đích của mỗi em.
Phương pháp chủ yếu được áp dụng cho trẻ nhỏ từ 2-6 tuổi. Đặc điểm nổi trội ở phương pháp Montessori là nhấn mạnh đến vai trò của tính tự lập, tự do (trong khuôn khổ cho phép) trong việc hình thành nhân cách trẻ. Ngoài ra, phương pháp này rất tôn trọng sự phát triển tâm sinh lý tự nhiên của trẻ, cũng như trang bị đầy đủ cho học sinh các kiến thức khoa học công nghệ tiến bộ và hiện đại.
2. Phương pháp giáo dục Reggio - Loris Malaguzzi
Reggio Emilia là phương pháp giáo dục xuất phát từ thành phố cùng tên của Ý, được phát triển bởi nhà Tâm lý học Loris Malaguzzi (1920 – 1994). Phương pháp này đặt trẻ làm trung tâm và tin rằng trẻ em có khả năng thể hiện suy nghĩ, óc sáng tạo của mình theo nhiều cách khác nhau thông qua hơn Một trăm ngôn ngữ.
Có 3 nguyên tắc cốt lõi chính của phương pháp giáo dục Reggio Emilia: Trẻ em, Môi trường và Giáo viên:
- Trẻ em: Triết lý Reggio Emilia coi trẻ em là trung tâm trong quá trình học tập của chính các em, có thể theo đuổi sở thích và xây dựng ý tưởng theo tốc độ của riêng mình, không phải là một chiếc bình rỗng chờ được lấp đầy kiến thức. Phương pháp này thừa nhận rằng trẻ em có nhiều cách suy nghĩ, hành động, giao tiếp và khuyến khích trẻ sử dụng các vật liệu sẵn có để thể hiện bản thân.
- Môi trường: Thường được ví là "người thầy thứ ba", phương pháp giáo dục Reggio Emilia hướng tới việc xây dựng một môi trường học tập mở và tự do. Tại môi trường đó, trẻ em được phép khám phá, chơi và học không bị gián đoạn, không giới hạn không gian.
- Giáo viên: Vai trò của giáo viên là khéo léo đưa trẻ đến những lĩnh vực mà các em quan tâm, cho trẻ được phép thử nghiệm theo cách riêng, mắc lỗi và tìm ra giải pháp mới. Theo triết lý Reggio Emilia, giáo viên được kỳ vọng sẽ là những người hướng dẫn trải nghiệm, khám phá mở và giải quyết vấn đề. Mục tiêu chính của giáo viên là lắng nghe, đặt câu hỏi và quan sát trẻ để có cơ hội khám phá thêm về năng lực thật sự của các em.
3. Phương pháp giáo dục Waldorf - Rudolf Steiner
Khác biệt cơ bản của phương pháp Steiner với giáo dục phổ quát:
- Đề cao tư duy cá nhân hơn đặt nặng kiến thức: Nếu giáo dục phổ quát chú trọng vào việc truyền đạt kiến thức, tư duy logic thì giáo dục Steiner nhấn mạnh vào tầm quan trọng của 3 yếu tố: Suy nghĩ, cảm xúc và ý chí cá nhân.
- Không dùng yếu tố hơn thua làm động lực học: Nếu giáo dục phổ quát dùng hình thức cạnh tranh, thi đua, thưởng – phạt để thúc đẩy việc học của học sinh, thì giáo dục Steiner đi theo phương châm "không cạnh tranh, không thưởng, không phạt". Động lực học tập của phương pháp này dựa vào giá trị phát triển bản thân, kiến thức của mỗi học sinh được truyền cảm hứng và động viên mà hình thành.
- Không đánh giá kết quả theo khuôn mẫu xã hội: Giáo dục phổ quát nhắm đến đào tạo con người đạt được các kết quả mà xã hội kì vọng và người khác công nhận, như thành công trong sự nghiệp, thành danh và có được uy quyền chính trị hay kinh tế. Trong khi đó, giáo dục Steiner hướng đến tạo dựng những cá nhân không sợ hãi với nội tâm mạnh mẽ, có động lực phát triển đến từ đam mê bên trong, chứ không phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài.
- Vai trò đặc biệt của giáo viên: Trong những ngôi trường Steiner, giáo viên chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn để học sinh được học hỏi, khám phá bằng tất cả sự vui thích. Hoàn toàn không sử dụng đến uy quyền, hay áp đặt, phán xét. Các môn học ở Steiner cũng đa dạng, phong phú, không chỉ tập trung vào các môn vẫn được xem là "môn chính" như khoa học, ngôn ngữ, toán học mà còn có kịch nghệ, thủ công, hội họa, điêu khắc...
4. Hệ thống giáo dục Summerhill - Alexander Neill
Quan điểm giáo dục của Alexander Neill:
- Khi ta nói không với một đưa trẻ, đứa trẻ bắt đầu nói không với cuộc sống.
- Một đứa trẻ cứng đầu thường là những đứa không thể hòa hợp với bản thân cũng như thế giới bên ngoài.
- Cha mẹ của những "đứa trẻ cứng đầu" nên ngồi xuống một vài phút và thành thật trả lời những câu hỏi: "Mình đã hỗ trợ con hay chưa?", "Mình có tin tưởng con không?".
- Phải để trẻ có cuộc sống của chính mình, không phải cuộc sống do cha mẹ hay thầy cô đã lập trình sẵn.
- Trẻ không cần thích nghi với trường học, nhưng trường học nên điều chỉnh để phù hợp với trẻ.
- Cha mẹ thường cố dọa trẻ bằng những hậu quả đáng sợ nếu mắc phải sai lầm. Nhưng tốt hơn hết, hãy dạy trẻ đừng sợ điều gì cả.
5. Phương pháp giáo dục Instrumentalism - John Dewey
Tại Mỹ, Dewey được coi như là cha đẻ của nền giáo dục cải tiến. Dewey tin rằng mục đích của trường học là giáo dục đứa trẻ tìm ra lối thoát trong bất cứ tình huống nào bằng cách học thích nghi với môi trường. Đó chính là cách trẻ được dạy những thứ hữu ích thay vì cung cấp những kiến thức trừu tượng từ sách vở.
Quan điểm của Dewey:
- Trẻ con nên chủ động làm thay vì được dạy điều gì đó. Hành động sẽ dẫn đến kết quả.
- Đừng khiến đứa trẻ phải xấu hổ vì thất bại của chúng. Thất bại sẽ giúp chúng ta trở nên tốt hơn.
- Tất cả khám phá khoa học vĩ đại đều được thực hiện bởi những người không e ngại sử dụng trí tưởng tượng của mình.
6. Phương pháp giáo dục Célestin Freinet
Freinet mở trường học riêng khi đang ở tuổi 24 nhằm giúp những đứa trẻ chậm phát triển. Trường học của ông không có bất cứ sách vở hay bài tập về nhà nhưng vẫn khiến học trò đạt được những thành công vang dội.
Quan điểm của Freinet:
- Những hoạt động dễ chịu nhất cũng có thể trở thành cực hình nếu trẻ bắt buộc phải làm.
- Trẻ càng sớm làm việc nhà, chúng càng trở nên tự tin hơn trong tương lai.
- Thay vì ngăn cấm và đưa ra những hình phạt vô lý, cha mẹ nên thỏa thuận với trẻ.