Những lời khuyên đắt giá về dinh dưỡng mùa hè cho bé
Theo bác sỹ Mai Thị Lê Tịch: "Mùa hè là thời điểm có nhiều vấn đề nan giải về dinh dưỡng cho con. Do đó, các bà mẹ cần đặc biệt quan tâm tới thực đơn dinh dưỡng của con mình trong thời điểm này”.
- Chào bác sĩ! Cũng giống như người lớn, vào mùa hè thời tiết nóng nực nên rất nhiều bé lâm vào tình trạng chán ăn. Là một bác sĩ dinh dưỡng, chị có giải pháp gì cho các mẹ để cải thiện tình hình này?
Các bà mẹ thân mến! Chúng ta không nên quá sốt ruột trước tình trạng con mình chán ăn vào mùa hè, bởi đó là tình trạng chung của nhiều bé, kể cả các bé lớn. Các mẹ cần bình tĩnh để đến bác sĩ dinh dưỡng giúp tìm ra nguyên nhân gây chán ăn ở trẻ: nếu đã loại trừ các tình trạng bệnh lý, thì có thể các bé thiếu vi chất dinh dưỡng, cần phải được hướng dẫn sử dụng các các nguồn thực phẩm thích hợp hoặc các sản phẩm bổ sung hợp lý.
Các bác sĩ dinh dưỡng sẽ hướng dẫn cho bạn cách chế biến hợp lý tùy theo độ tuổi và tùy theo điều kiện kinh tế của từng gia đình hay vùng miền mà bạn và con mình đang sống.
Bác sĩ Mai Thị Lê Tịch (Phòng khám Dinh dưỡng 70 Nguyễn Chí Thanh)
Tuy nhiên dưới đây là những lưu ý chung về dinh dưỡng mùa hè cho trẻ:
- Các mẹ nên chế biến đồ ăn hợp khẩu vị của bé, đa dạng và phong phú các thành phần thực phẩm. Thay đổi thực đơn, thay đổi màu sắc bát bột,. cháo (với trẻ nhỏ), trang trí món ăn đẹp mắt (với trẻ lớn), để tạo sự hấp dẫn, cảm giác ngon miệng, kích thích thèm ăn, ý thích khám phá của bé.
- Khi chế biến thức ăn vào mùa hè cho con không nên cho quá nhiều chất béo làm trẻ dễ ngậy, gây chán. Nên chế biến mềm, lỏng hơn, vừa miệng hoặc nhạt hơn bình thường. Tăng thêm lượng đạm từ hải sản, đạm thực vật. Thức ăn nấu ra cần cho bé ăn khi còn ấm, nóng, không để quá lâu trên 2 giờ ở ngoài vì vi khuẩn dễ xâm nhập.
- Tăng sinh tố từ nhiều loại quả cho bé, bổ sung đủ nước, đặc biệt là các trẻ hiếu động ra nhiều mồ hôi, có thể dùng những loại nước lá tươi, có tính chất thanh nhiệt như diếp cá, rau má, atiso… để cho bé uống thêm.
- Không cho trẻ uống nước đá, ăn nhiều kem, nước có ga, các chất kích thích, gia vị cay, nóng.
- Không lấy sữa, nước uống, thức ăn từ tủ lạnh ra cho bé ăn ngay, nên để vài phút cho tan giá.
- Thời gian ăn không kéo dài quá 20 phút/ bữa. Không cố ép trẻ ăn đủ khẩu phần. Nếu ăn ít trong một bữa thì sẽ tăng số lần ăn; trẻ lớn đã ăn bột, ăn cháo nếu ăn quá ít thì bổ sung thêm những bữa phụ bằng sữa, sữa chua, phomai, váng sữa, trẻ nhỏ cho bú thêm các bữa sữa mẹ không kể thời gian.
Nếu trẻ đã biết ngồi cần tập cho bé ngồi ăn một chỗ, không được đi rong.
- Không nên tạo sức ép và gây căng thẳng cho bé trong bữa ăn, làm cho bé sợ, gây tình trạng chán ăn kéo dài.
- Tiêu chảy là một căn bệnh bé rất dễ mắc phải vào mùa hè. Các mẹ phải chăm con ăn như thế nào để phòng tránh tình trạng này và khi bé bị tiêu chảy, chế độ ăn cho bé phải thế nào là phù hợp nhất?
Mùa hè có rất nhiều loại vi khuẩn hoạt động, nếu chúng ta không cẩn thận thì rất dễ gây tiêu chảy, đặc biệt là các bé khi sức đề kháng giảm. Các mẹ cần lưu ý một số điểm sau:
Về dinh dưỡng: Khi lựa chọn thực phẩm phải tươi ngon, cần sơ chế cẩn thận và nên nấu ngay, tuy nhiên nếu phải để thực phẩm tươi vào tủ lạnh thì cũng phải sơ chế trước và không được để quá nhiều ngày, chỉ nên để 2 - 3 ngày.
Thức ăn nấu ra cần cho bé ăn khi còn ấm, nóng, không để quá 2 giờ ở ngoài vì vi khuẩn dễ xâm nhập.
Khi xay sinh tố quả tươi cần cho các bé ăn ngay, nếu phải để tủ lạnh chỉ nên trong ngày.
Nước đun sôi để nguội cho bé cũng chỉ dùng trong ngày.
Pha sữa cho bé cần đun nước sôi cẩn thận 10 phút, rồi làm nguội và pha sữa cho bé uống, không được pha nước nguội sẵn có với nước nóng mới đun cho đủ nhiệt độ pha sữa.
Cần ăn chín uống sôi, không nên vì vội, bận mà chế biến sơ sài cho bé.
Các bé bú mẹ, mẹ cần chế độ ăn đảm bảo ATVSTP, đủ chất dinh dưỡng, đa dạng các thành phần thực phẩm: Từ thịt, cá, trứng, tôm, cua…, uống thêm sữa, uống sinh tố quả tươi từ nhiều loại quả, uống đủ nước để duy trì chất và lượng sữa cho bé 18 – 24 tháng.
Về vệ sinh chung:
Trước khi cho bé bú mẹ: Mẹ cần có khăn ướt mềm, sạch, tốt nhất là khăn có thấm nước muối ấm, loãng lau sạch đầu vú (nên lau rộng ra cả quầng vú).
Cần phải rửa tay sạch sẽ khi chế biến thực phẩm hay pha sữa, làm sinh tố cho bé.
Cần phải rửa ngay những dụng cụ đựng đồ ăn, uống của bé ngay sau khi ăn, uống. Cần thường xuyên luộc bát đũa, thìa dĩa, chai lọ, cốc chén… của bé.
Các đồ dùng của bé cần thay rửa, giặt giũ, phơi nắng, hoặc là.
Đồ chơi các bé rất hay ngậm phải rửa xà phòng sạch, lau khô thường xuyên.
Khi bé đã bị tiêu chảy: Các mẹ cần quan sát xem tính chất phân của con thế nào, số lượng, số lần, cặp nhiệt độ cho con, gặp bác sĩ để được tư vấn cách bù điện giải hợp lý cho con hay phải xét nghiệm phân để tìm vi khuẩn gây bệnh và dùng thuốc hợp lý theo chỉ dẫn của bác sĩ, không được tự mua và dùng thuốc theo mách bảo.
Chế độ ăn: Các mẹ vẫn cho các bé ăn bình thường, chia nhỏ bữa ăn cho bé, cần đảm bảo chất dinh dưỡng cho bé, tránh kiêng khem thái quá mà bé dễ bị suy dinh dưỡng sau lần tiêu chảy. Chỉ giảm chất quá tanh, giảm mỡ, đường ở giai đoạn cấp. Bù nước hợp lý.
Các mẹ đưa con tới khám dinh dưỡng.
- Mùa hè, chế độ dinh dưỡng của trẻ cần đáp ứng được nhu cầu giải nhiệt cho cơ thể, bác sĩ có thể cho các mẹ một danh sách những loại rau, củ, hoa quả có trong mùa hè (thực phẩm đúng mùa) có tính mát mà các mẹ nên cho bé ăn nhiều cũng như một số thực phẩm có tính nóng mẹ nên hạn chế cho bé ăn?
Mỗi loại rau, củ, quả có một vitamin khác nhau, loại nào cũng cần cho trẻ, bởi việc bổ sung các vitamin tự nhiên là rất cần thiết cho sự phát triển của bé.
Các loại rau, củ, quả có tính bình hoặc mát: rau dền, rau ngót, rau muống, mồng tơi, bí đao, bầu, bí ngô, dưa chuột, giá đỗ, đậu xanh, củ đậu, rau diếp cá, rau má…. Các loại quả: Thanh long, mãng cầu, dưa hấu, xoài, bơ, nho, lê, quả dứa, quả chanh…
Một số loại rau, củ, quả có tính chất nóng các bé cần hạn chế ăn: Các loại gia vị, các loại rau thơm có tinh dầu… Các loại quả: Mít, vải, đào, mận…
Tuy nhiên việc bổ sung hợp lý, cân đối các loại rau, quả đa dạng cho bé vẫn là cần thiết, không nên sử dụng quá nhiều các loại quả nóng mà thôi. Điều quan trọng là dù các loại rau, củ quả được cho là mát, tốt thì việc sử dụng tràn lan các loại thuốc bảo vệ thực vật như hiện nay, hoặc thời tiết quá nóng bức thì dù tốt cũng có thể biến thành không tốt. Vì vậy việc các mẹ lựa chọn thực phẩm, xử lý, bảo quản thực phẩm đúng cách rất cần thiết.
- Ở trên nhiều diễn đàn, các bà mẹ vẫn rỉ tai nhau rằng: nên cho bé ăn nhiều cam vì cam mát, hạn chế cho bé ăn quả quýt vì quýt có tính nóng. Là một bác sĩ dinh dưỡng, quan điểm của chị về vấn đề này như thế nào?
Đã từng có rất nhiều bà mẹ khi đưa con đến khám ở Phòng khám dinh dưỡng 70 Nguyễn Chí Thanh cũng đặt ra câu hỏi này. Tuy nhiên, các mẹ cần biết một điều: cam, quýt có thành phần tương tự nhau, và chủ yếu có nhiều vitamin C giúp giải nhiệt tốt, tăng khả năng chống lão hóa, tăng miễn dịch cho cơ thể…
Và như trên tôi đã nói: Với các bé, vì là tuổi đang trên đà phát triển thì đa dạng thực phẩm là cần thiết, chứ không nên thiên về một loại thực phẩm nào, nên tập cho bé ăn được tất cả các loại một cách cân đối và hài hòa, chỉ nên theo dõi và có thể tạm dừng những thức ăn mà trẻ bị dị ứng mà thôi.
- Bác sĩ khuyên các mẹ nên bổ sung nước cho bé như thế nào là hợp lý nhất trong mùa hè?
Cũng như chế độ ăn, chế độ nước cũng phụ thuộc vào tuổi của bé, bé trai, bé gái, bé nghịch ngợm, hiếu động ra nhiều mồ hôi, bé ít vận động. Hoặc có những bé hay bị táo bón, hoặc có trẻ đang uống kháng sinh… Ngoài ra còn phụ thuộc nhiệt độ từng ngày.
Tuy nhiên các mẹ cũng cần lưu ý: Không nên cho bé uống nước ngay trước bữa ăn, trong bữa ăn, mà chỉ nên cho trẻ uống sau ăn, và nên bổ sung rải rác trong ngày, đừng chờ đến khi bé quá khát khóc đòi, hoặc vật vã (trẻ nhỏ) rồi uống quá nhiều để đến bữa không thể ăn nổi.
Nếu cho con uống sinh tố quả tươi nên cho uống sau ăn 1h, hoặc thành bữa phụ giữa 2 bữa ăn là tốt nhất.
- Các bác sĩ dinh dưỡng vẫn có lời khuyên rằng các mẹ nên hạn chế các món xào rán cho bé vào mùa hè. Vậy đối với những bé đang ở độ tuổi phát triển từ 0 - 3 tuổi vẫn rất cần mỡ/ dầu ăn trong chế độ ăn để phát triển. Vậy các mẹ nên cân đối thế nào cho hợp lý?
Tùy thuộc vào độ tuổi, vào sự hấp thụ, chuyển hóa, tùy thể trạng to béo, hay gầy yếu của các bé mà các mẹ bổ sung dầu/ mỡ ăn cho hợp lý. Những ngày trời nóng nực, nên bổ sung lượng mỡ, dầu ít hơn mùa đông, chứ không phải bỏ hẳn.
Với những bàn tay khéo léo của các bà mẹ thì cách chế biến để vừa đảm bảo đủ lượng lipid cần thiết cho phát triển của bé mà không làm bé chóng chán vì ngậy trong những ngày mùa hè nóng bức thì có thể cũng không khó lắm.
Ví dụ một bát canh có thịt, hoặc trứng, hoặc cá nấu với quả chua, rau chua, bổ sung thêm tí mỡ cho các bé lớn. Bát bột, cháo cho các bé nhỏ tuổi hơn nên bổ sung mỡ buổi sáng, và nhiều hơn một chút so với 1 -2 bữa còn lại, dầu nên bổ sung vào bữa trưa và bữa chiều….
Bình thường nhu cầu của các bé là 2/3 mỡ động vật, 1/3 dầu thực vật, mùa hè các mẹ nên có thể tạm đổi lại 1/3 mỡ động vật, 2/3 dầu thực vật cũng được.
Nếu trẻ hấp thu tốt, hoặc gầy không đạt chuẩn cân nặng mà không sợ ngậy thì cố gắng giữ nguyên theo quy định. Khi ăn thịt nạc bò, nạc gà, cua, tôm, cá biển thì nên bổ sung mỡ, khi ăn thịt lợn, trứng thì nên bổ sung dầu…
Phòng khám Dinh dưỡng đặt tại tầng 1, tòa nhà 5 tầng, số 70 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội là nơi hội tụ của những bác sỹ, chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu Việt Nam với lòng yêu nghề và y đức thiêng liêng. Với các dịch vụ: Tư vấn & Xây dựng chế độ ăn cho mọi lứa tuổi, theo tình trạng bệnh lý (Biếng ăn, chậm lớn, suy dinh dưỡng; Thiếu vi chất dinh dưỡng; Kém hấp thu, phân sống; thừa cân, béo phì; Nôn trớ, táo bón; Tiêu chảy cấp, tiêu chảy kéo dài…); Hướng dẫn thực hành dinh dưỡng, Xây dựng thực đơn cho từng đối tượng, Đào tạo & Tập huấn kỹ năng chăm sóc trẻ nhỏ… Phòng khám Dinh dưỡng đã và đang hoàn thành sứ mệnh chăm sóc nhân dân.
Vị thế thuận lợi, cơ sở vật chất khang trang, rộng rãi và dịch vụ tận tình, lịch sự chúng tôi sẽ chăm sóc bạn và những người thân yêu một cách toàn diện nhất! |