Những hạn chế và ích lợi khi nuôi con không có ông bà hỗ trợ bên cạnh không phải gia đình nào cũng biết
Chăm sóc và nuôi dạy con là việc đòi hỏi nhiều thời gian và công sức, do vậy nếu được ông bà hỗ trợ phần nào thì quả là may mắn. Tuy nhiên cũng có mẹ cho rằng ông bà rất hay làm hư cháu, dẫn đến xung đột trong cuộc sống gia đình.
Nhiều người lớn lên với những kí ức tươi đẹp của tuổi thơ có ông bà bên cạnh. Ông bà thường có thể sống cùng nhà hoặc đến thăm vào cuối tuần, dẫn cháu đi chơi và cho nhiều quà. Có người thì chỉ dịp lễ tết mới được gặp ông bà mà thôi. Thậm chí có người còn chẳng gặp ông bà bao giờ. Dù bạn rơi vào trường hợp nào thì nuôi dạy trẻ mà không có ông bà đỡ đần là chuyện không hiếm gặp trong cuộc sống hiện đại ngày nay, có thể do ông bà ở xa hay là đã mất.
Thậm chí với các gia đình thường xuyên gặp nhau thì cũng không thể so với việc ông bà ở gần và can thiệp quá nhiều vào chuyện nuôi dạy con của hai vợ chồng. Nhưng dù có những phiền phức, bất cập đến đâu thì cũng không thể phủ nhận rằng có ông bà bên cạnh lợi cho cả con và ba mẹ.
Đây là những điều sẽ xảy ra nếu bạn nuôi con mà không có ông bà bên cạnh:
1. Bạn phải thuê người trông con mỗi khi hai vợ chồng muốn đi chơi riêng
Nếu không sống cùng ông bà thì mỗi lần ông bà đến chơi sẽ là một lần cả nhà vui vẻ vì được dành thời gian cùng nhau
Ông bà lúc nào cũng quấn quýt và muốn chơi với cháu, đây là điều dĩ nhiên. Do vậy, nếu ông bà sống ở gần thì chỉ cần gọi nhờ ông bà là đã có người trông con để hai vợ chồng có chút không gian riêng tư rồi. Ngược lại nếu ông bà ở xa thì bạn sẽ phải thuê người trông con và phải lên kế hoạch từ trước, chứ không phải hứng lên muốn đi chơi mà được.
Tuy vậy, nếu ông bà ở xa thì mỗi lần ông bà đến chơi hoặc cả nhà về thăm ông bà thì sẽ rất vui vì hiếm có cơ hội để ông bà chơi với cháu.
2. Ông bà sẽ bỏ lỡ những sự kiện quan trọng trong cuộc sống của con cháu
Tưởng tượng thế này, khi con chập chững đi những bước đầu tiên hoặc bắt đầu bi bô tập nói, khó mà tập hợp được tất cả mọi người một chỗ để chứng kiến và chia sẻ niềm vui. Nghĩ đến cảnh ông bà không thể đến xem buổi diễn văn nghệ của cháu ở trường chỉ vì ông bà xa mà thấy buồn. Nhờ có điện thoại và công nghệ hiện đại, ông bà có thể theo dõi qua màn hình nhưng dù sao cũng không thể so với việc đến trực tiếp được.
Ngược lại, có thể bạn cũng sẽ bỏ lỡ những sự kiện trọng đại của bạn bè như sinh nhật, cưới hỏi bởi vì không tìm được người trông con.
3. Tự tạo nên các truyền thống gia đình
Khi bạn và chồng sống xa ông bà nội ngoại thì hai vợ chồng sẽ có cơ hội để hình thành những truyền thống riêng của gia đình bạn. Các con cũng sẽ rất vui khi gia đình có những truyền thống đặc biệt mà chỉ riêng nhà mình mới có. Ví dụ như mở quà Giáng sinh vào buổi sáng thay vì nửa đêm bởi khi đó trẻ hay cáu kỉnh vì còn buồn ngủ. Hoặc cả nhà cùng dậy sớm chuẩn bị đồ ăn vào ngày mùng 1 tết chẳng hạn.
Bạn và chồng có thể tự do đưa ra quyết định mà không phải ngại ý kiến các cụ và theo thời gian gia đình càng gắn kết, càng có thêm nhiều truyền thống mới.
4. Con bạn sẽ biết trân trọng ông bà hơn
Các con sẽ trân trọng mỗi lần được gặp ông bà nếu một năm chỉ được gặp ông bà vài lần
Nếu ông bà ở xa thì trẻ sẽ trân trọng mỗi lần được dành thời gian ở bên ông bà hơn. Ông bà muốn được chơi cùng cháu càng nhiều càng tốt, nên sẽ tận dụng đến từng phút giây bên con cháu. Và như vậy trẻ cũng háo hức hơn khi được gặp ông bà mỗi dịp tết đến xuân về, gia đình cũng sẽ trân trọng ông bà hơn.
Nếu không thể về thăm ông bà thường xuyên thì những người bạn thân, họ hàng ở gần, hoặc hội mẹ bỉm sữa thân thiết sẽ là những người giúp bạn ít nhiều trong hành trình nuôi dạy con. Có những người tử tế sẵn sàng giúp bạn mỗi khi bạn cần. Khi bạn nuôi con, bạn sẽ hiểu được ai là người mà bạn có thể tin tưởng khi cần giúp đỡ.
5. Con sẽ ít bị chiều hư
Có một thực tế là ông bà rất dễ chiều hư các cháu. Có thể do thời ông bà khó khăn không thể cho các con những gì tốt nhất nên ông bà muốn bù đắp cho cháu nhưng đây có thể là nguyên nhân khiến trẻ hư đốn, hay đòi hỏi, vòi vĩnh. Thế nên nếu ông bà không ở cạnh thì có thể là trẻ sẽ ít bị chiều hư hơn.
Nguồn: Parent