Những “đặc quyền” đáng mơ ước của trẻ em ở Phần Lan

Thùy Dương,
Chia sẻ

Ở Phần Lan, trẻ em được vui chơi và khám phá chứ không bị bó buộc trong 4 bức tường của lớp học suốt cả ngày.

Những năm gần đây, Phần Lan nổi lên là một quốc gia có nền giáo dục tốt nhất thế giới, thậm chí vượt qua cả Mỹ và các nước phương Tây phát triển nhất. 

Trẻ em nơi đây được hưởng những đặc quyền mà trẻ em ở nhiều nơi trên thế giới mơ ước.

1. Học ít, chơi nhiều

Ở Phần Lan, trẻ em lên 7 mới bắt đầu học tiểu học thay vì 6 như bình thường. Trẻ con mầm non thì hầu như chưa phải học chữ. Nói cách khác, trẻ em được quyền là trẻ em, vui chơi và khám phá chứ không bị bó buộc trong 4 bức tường của lớp học. 

Theo ông Kari Louhivuori - một giáo viên kì cựu và một cựu hiệu trưởng: “Chúng tôi không hề vội, trẻ sẽ học tốt hơn khi chúng sẵn sàng, vì sao chúng ta phải tạo áp lực cho chúng?”.

Số giờ học ở trường của trẻ em Phần Lan cũng ít hơn nhiều so với các nước khác. Thông thường, buổi học sẽ bắt đầu vào 9 giờ hoặc 9 giờ 45, và kết thúc vào khoảng 2 đến 2 giờ 45. Giờ giấc và thời khóa biểu có thể thay đổi nhưng không vượt quá 3 hay 4 tiết học một ngày, mỗi tiết kéo dài 75 phút và nghỉ 10-20 phút giữa các tiết. Trong mỗi tiết học như vậy lại có vài giờ ra chơi 15 đến 20 phút xen kẽ nhau, đó là khoảng thời gian để cả cô và trò nghỉ ngơi, thư giãn cơ thể, giải tỏa đầu óc và sẵn sàng cho những bài học tiếp theo.


Trẻ cũng rất ít có bài tập về nhà và chuyện đi học thêm là không có. Theo ông Katja Tuori chuyên trách công tác tư vấn tại trường Kallahti, nơi học tập của các trẻ em dưới 16 tuổi, nói: “Mỗi ngày làm bài tập ở nhà một tiếng đồng hồ là đủ để trở thành học sinh giỏi. Lũ trẻ còn có cuộc sống của chúng chứ”. 

So với các nước châu Á như Hàn Quốc hay Singapore, những nước có thể cạnh tranh với Phần Lan về chất lượng giáo dục, điều này là niềm mơ ước đối với bọn trẻ. Ngoài ra, trong mỗi giờ học, trẻ cũng không bị gò bó về không gian mà thường xuyên được học tập ngoài trời hay đi dã ngoại.
 
Chơi nhiều không có nghĩa là trẻ sẽ học kém đi. Bằng chứng là Phần Lan xếp thứ 2 trong cuộc thi đánh giá học sinh quốc tế  (PISA) năm 2009, tỉ lệ biết chữ vào loại cao nhất thế giới 94%, và vô số những giải thưởng quốc tế khác.
 
2. Không thi cử

Ở Phần Lan không hề có cuộc kiểm tra học sinh cấp quốc gia nào và giảm hết mức các cuộc kiểm tra đánh giá học sinh. Giáo sư Pasi Sahlberg - công tác tại Bộ giáo dục và văn hóa Phần Lan cho biết:

“Chúng tôi dạy trẻ học cách học, chứ không phải học cách thi. Chúng tôi không tin vào thi cử, không tin rằng có một kỳ thi thống nhất là việc tốt. 12 năm học đầu tiên trong đời học sinh chỉ có một kỳ thi duy nhất vào lúc các em đã ở độ tuổi 18-19, đó là kỳ thi trước khi vào đại học. Nhờ thế thầy và trò có nhiều thời gian để dạy và học những gì họ ưa thích. Các thầy cô của chúng tôi tuyệt đối không giảng dạy vì thi cử, học sinh cũng tuyệt đối không học vì thi cử. Trường học của chúng tôi là nơi học tập vui thích 100%.”

Trẻ em Phần Lan học ít chơi nhiều
Trẻ em ở Phần Lan học ít chơi nhiều.

Chính vì vậy, trẻ có quyền học những điều mình thích, được khuyến khích tìm tòi, khám phá và phát triển kĩ năng sống. Trẻ được học về cách bắt đầu một dự án, làm thế nào để đạt được mục tiêu, cách giải quyết vấn đề, cách làm theo chỉ dẫn, học các kĩ năng thực tế như may vá, nấu ăn, dọn vệ sinh… Nhờ vậy, thay vì bị nhồi nhét kiến thức cho một kì thi, trẻ lại học được nhiều điều cần thiết cho cuộc sống hơn.
 
3. Bình đẳng về mọi mặt, không áp lực cạnh tranh

Trẻ em đi học là hoàn toàn miễn phí, và trong giáo dục thì không có sự phân biệt giàu nghèo. Toàn thể học sinh phổ thông trong cả nước phải được hưởng nền giáo dục như nhau, không thể để con nhà giàu được học tốt hơn con nhà nghèo, con em người da trắng được học tốt hơn con em người da màu di cư từ châu Phi châu Á đến. Ở trường của ông Kari Louhivuori hơn một nửa trong số 150 học sinh tiểu học là dân nhập cư từ Somalia, Iraq, Nga, Bangladesh, Estonia, Ethiopia, và các quốc gia khác.

Chính vì không có thi cử, trẻ cũng không có áp lực cạnh tranh về xếp loại hay thứ hạng đẳng cấp. 

Theo Reijo Laukkanen -cố vấn Ủy ban Giáo dục Nhà nước: “Phần Lan là một xã hội công bằng, còn Nhật và Hàn Quốc là những xã hội cạnh tranh rất mạnh — nếu bạn không học tốt hơn hàng xóm thì cha mẹ bạn sẽ bỏ tiền cho bạn đi học thêm. Người Phần Lan không quá coi trọng việc mình phải có biểu hiện xuất sắc hơn người hàng xóm. Ở đây mỗi người đều đạt được trình độ trung bình, nhưng trình độ trung bình ấy rất cao”. Nguyên tắc đó đã giúp cho Phần Lan gặt hái được thành công lớn về giáo dục".

Những “đặc quyền” đáng mơ ước của trẻ em Phần Lan
Ở Phần Lan không có áp lực cạnh tranh về xếp loại hay thứ hạng đẳng cấp. 

4. Được học những giáo viên tốt nhất

Giáo  viên là một nghề đáng mơ ước nhất ở Phần Lan. Mỗi giáo viên buộc phải có bằng thạc sĩ và nó là một bằng theo đúng nghĩa của nó - nơi người ta không chỉ học mấy khóa học về lịch sử và học thuyết giáo dục. Họ học những khóa học với nội dung giúp họ chuẩn bị tới một mức độ cao về mặt tri thức trong lớp học. Một số liệu năm 2008 cho thấy, chỉ 9,8% trong số 1258 sinh viên tốt nghiệp được tham gia khóa học thạc sĩ kéo dài 5 năm này.

Ngoài ra, họ dành cho giáo viên thời gian trong trường học hàng ngày và hàng tuần để làm việc cùng nhau, để nâng cấp chương trình học và các bài giảng. Giáo viên trở thành tiêu chuẩn mẫu mực của xã hội. Họ cũng có những phương pháp khác để giáo viên có thể phát huy hết khả năng giảng dạy của mình, ví dụ như để 1 giáo viên tiếp quản 1 số lượng học sinh nhất định trong suốt 6 năm, nhờ đó biết được học sinh của mình có khả năng gì, sở thích gì để có cách dạy hợp lí nhất.

(Nguồn: Smithsonianmag, Finnishingschool, Fillingmymap)
Chia sẻ