Những câu nói của bố mẹ có tác động mạnh mẽ đến trẻ
10 câu nói dưới đây sẽ giúp các bố mẹ khích lệ con hay đơn giản là cách bạn gần gũi hơn với những đứa trẻ của mình.
Trung tâm nghiên cứu Pew của Mỹ gần đây đã chỉ ra cho các bậc cha mẹ danh sách 10 kĩ năng cần thiết để trả lời cho câu hỏi “Những kỹ năng gì là quan trọng nhất với một đứa trẻ để có thể có tương lai tốt đẹp thời đại này?”
Và câu trả lời không quá khó để nhận ra, đó là kỹ năng giao tiếp. Kỹ năng này được chọn là kỹ năng quan trọng nhất, thậm chí còn quan trọng hơn cả những kĩ năng truyền thống như đọc, viết, làm việc nhóm hay logic. Điều này không hề gây ngạc nhiên trong thế giới của thời đại kết nối toàn cầu và mọi thứ luôn có sẵn.
Nhưng hầu hết các bố mẹ lại không nhận ra tầm quan trọng trong việc nuôi dưỡng kỹ năng giao tiếp với con.
Trong cuốn sách “10 câu nói tác động mạnh mẽ nhất đến trẻ: Tạo lập mối quan hệ bạn muốn với những người quan trọng nhất trong cuộc đời bạn”, tác giả đã nhấn mạnh rằng tầm quan trọng của những cuộc đối thoại hiệu quả đó là điều bạn nói, cách bạn thể hiện và thời điểm nói – là một trong những công cụ hữu ích để bố mẹ tạo lập những mối quan hệ bền chặt và ý nghĩa đối với con.
Những lời nói tiêu cực có thể dẫn cuộc nói chuyện đến những hậu quả mà đôi khi chúng ta không hề nhận ra được. Tất cả những cuộc đối thoại kể cả nhỏ nhất xung quanh trẻ đều có thể ghi dấu vào đầu óc trẻ dù cho bạn nói với chúng trực tiếp hay nói với người khác khi chúng đang có mặt ở đó.
Đó là lí do bạn cần thay đổi và hãy bắt đầu bằng cách sử dụng 10 câu nói tác động mạnh mẽ nhất đến trẻ được liệt kê dưới đây:
1. “Bố (mẹ) thích con”
Ảnh minh họa.
Câu này có đôi chút khác biệt với “Bố (mẹ) yêu con” vì nó nên được hiểu là: “Bố (mẹ) thích con khi con là chính bản thân con ”. Chúng ta nên sử dụng cả hai câu nói này.
2. “Con học nhanh thật đấy!”
Việc học thực ra rất tự nhiên. Những đứa trẻ sẽ thấy hứng thú với việc học vì học cũng như chơi với chúng khi được bố mẹ khích lệ. Những gì bạn nói với chúng sẽ ảnh hưởng đến những gì mà chúng học được trong cuộc đời sau này, kể cả khi nó có thể khó khăn hơn hay bị nản lòng.
3. “Cảm ơn con!”
Phép lịch sự đơn giản nhất cũng góp phần thể hiện sự tôn trọng. Câu nói này cho thấy trẻ được tôn trọng, được bố mẹ tin tưởng và trẻ đã làm tốt. Nó giống như lời động viên khích lệ trẻ.
4. “Chúng ta có nên đồng ý là… ”
Đây là cách thiết lập sự chấp thuận tạo tiền đề gia đình bạn làm việc cùng nhau hiệu quả nhất. Cùng nhau tán thành sẽ giúp tránh những vấn đề rắc rối thông thường và tạo nên một khuôn khổ những thứ có thể dùng để giải quyết những vấn đề nảy sinh. Điều này cũng cho thấy vai trò của trẻ trong mọi quyết định với các thành viên khác trong gia đình là bình đẳng.
5. “Nói cho bố (mẹ) nghe nào!”
Đây là cách giúp trẻ thoải mái chia sẻ suy nghĩ, tình cảm và ý kiến của chúng với bạn. Đó cũng là một cách để bạn có thể học cách lắng nghe, và cũng là lúc con nói ra những điều mà bạn quan tâm.
6. “Hãy cùng đọc nào!”
Đọc sách cho con luôn mang lại rất nhiều lợi ích vì nó sẽ giúp những đứa trẻ tạo lập những kĩ năng cần thiết cho sự thành công trong cuộc sống. Nó còn giúp làm giàu thêm những mối quan hệ và tiếp nối niềm đam mê học tập. Sách luôn giúp trẻ mở rộng tầm hiểu biết ra thế giới – về con người, địa danh và ý tưởng.
7. “Tất cả chúng ta đều mắc sai lầm”
Mọi vấn đề đều có thể xảy ra và không ai là người hoàn hảo cả. Đối mặt với vấn đề và rút ra bài học từ những sai lầm là một điều không thể thiếu trong cuộc sống. Khi bạn nói với con câu này có nghĩa là bạn đã để thể hiện cho những đứa trẻ cách tự chịu trách nhiệm với lỗi lầm của mình và đứng dậy tiếp tục đi. Những đứa trẻ có thể thất vọng với bản thân khi không thực hiện được những gì chúng mong muốn hoặc mọi thứ không được hoàn hảo. Nhưng sau đó chúng sẽ nỗ lực để có được những điều tốt hơn từ những sai lầm đó.
8. “Bố (mẹ) xin lỗi!”
Đây là một câu nói bạn có thể học. Tốt hơn hết, hãy học cách nắm bắt được bản thân mình trước khi nói ra điều có thể khiến bạn hối tiếc sau này.
9. “Con nghĩ sao?”
Hãy tận dụng những thời điểm dành cho con bạn cơ hội tham gia vào những cuộc đối thoại của gia đình để chúng có thể học được cách vận dụng kĩ năng ra quyết định và bắt đầu biết chịu trách nhiệm với sự lựa chọn của mình. Chia sẻ cả những gì bạn nghĩ và hỏi chúng những câu hỏi để tạo lập nên những kĩ năng cơ bản sẽ giúp ích nhiều cho cuộc sống của chúng sau này.
10. “Được”
Khi bạn nói "được" có nghĩa là bạn đã cho con thêm một cơ hội để thử thách và trải nghiệm những điều mới mẻ. Tất nhiên, bạn cần cân nhắc về những cơ hội, thử thách này trước khi nói "được" với con.
(Nguồn: Parenting)