Những bệnh nguy hiểm này luôn 'rình rập' trẻ vào dịp Tết Nguyên đán
Vào dịp Tết Nguyên đán, thời tiết cũng như chế độ sinh hoạt, ăn uống có nhiều thay đổi dễ khiến trẻ bị mắc bệnh nguy hiểm.
Theo thông tin đăng tải trên báo Giao Thông, GS.TS. Phạm Nhật An, Nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội , nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, Tết là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột kèm theo mưa, ẩm, chênh lệch nhiệt độ ngày - đêm lớn.
Bên cạnh đó, lịch sinh hoạt vào dịp Tết hay thay đổi. Do đó, trẻ em thường mắc các bệnh về đường hô hấp do vi khuẩn, virus gây ra như: Bệnh sởi, cúm, ho gà... bệnh về da nếu không được chăm sóc tốt. Hay bệnh viêm kết mạc thường mắc vào mùa xuân do dị ứng phấn hoa, dị ứng thời tiết...
Sự thay đổi thời tiết, thói quen sinh hoạt trong những ngày Tết Nguyên đán dễ khiến trẻ mắc bênh. Ảnh minh họa
PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia bổ sung, do ăn uống không hợp lý nên trong dịp Tết trẻ cũng dễ mắc các bệnh liên quan tới đường tiêu hóa, nhất là tiêu chảy. Nếu trẻ bị rối loạn tiêu chảy ở mức thông thường, ở mức cấp (đi ngoài trên ba lần, phân tóe) thì có thể điều trị tại nhà bằng cách cho con uống nước điện giải Oresol.
Nếu trong ba ngày con không đỡ thì cha mẹ phải đưa con tới bệnh viện . “Chế độ ăn cần đảm bảo vệ sinh thực phẩm, chế biến dễ ăn cho con, hỗ trợ đường tiêu hóa tốt”, TS. Nguyễn Thị Lâm nói. Ví dụ, cha mẹ có thể cho trẻ ăn thêm cà rốt ở dạng cháo súp, bổ sung thêm men tiêu hóa giúp đường ruột khỏe mạnh. “Khi đường ruột khỏe mạnh, thì tình trạng rối loạn tiêu hóa cũng giảm đi”, bà Lâm cho hay.
Nhiều người lo lắng dịch bệnh dễ lây lan ở những nơi công cộng, đông người, vậy làm thế nào để bảo vệ sức khỏe khi đưa trẻ đi chơi trong những ngày Tết?
Trao đổi trên báo Kinh tế và Đô thị, PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy - Trưởng Bộ môn Nhi, trường Đại học Y Hà Nội đã chia sẻ, ở Việt Nam, điểm vui chơi không nhiều, những ngày nghỉ lễ hội, gia đình thường cho trẻ đến các điểm công cộng và trung tâm thương mại. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, nếu bé nào quá mẫn cảm thì không nên cho trẻ đến chỗ quá đông người.
Nếu trẻ có nhu cầu vui chơi thì phụ huynh cần phải mặc áo ấm, đeo khẩu trang, vệ sinh tay chân. Virus, vi khuẩn lây qua giọt bắn nước bọt; vì vậy, cần vệ sinh mặt mũi, rửa mũi trước khi đi để tránh nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó nên cho trẻ tiêm các loại vaccine như vaccine phòng cúm, phế cầu. Ngoài ra, phụ huynh nên chú ý đến từng bữa ăn cũng như bổ sung, cân đối dinh dưỡng cho trẻ. Thực tế đã chứng minh trẻ ăn đủ chất, dinh dưỡng hợp lý sẽ tăng cường sức đề kháng, phòng tránh được các nguy cơ nhiễm khuẩn.