Nhiều mẹ hiểu sai bảng cân nặng của WHO rồi than “con còi xương” mà không biết là phải xem thế này mới đúng
Hầu hết các bố mẹ đã hiểu sai về bảng cân nặng của WHO và từ đó tự tạo căng thẳng, áp lực cho chính mình và cho cả con.
Chuyện con nặng hay nhẹ, thừa cân - thiếu cân, thấp hay cao luôn là vấn đề các mẹ quan tâm hàng đầu. Những từ khóa như “cân nặng chuẩn của trẻ sơ sinh”, “bảng cân nặng WHO”... đều luôn được tìm kiếm khá nhiều. Cân, đo con và sau đó là đối chiếu với những hình ảnh được cho là bảng cân nặng chuẩn theo WHO rồi than thở sao con mình còi thế, thấp bé thế.
Thế nhưng, hầu hết các bố mẹ đã hiểu sai về bảng cân nặng của WHO và từ đó tự tạo căng thẳng, áp lực cho chính mình và cho cả con. Thực ra, biểu đồ tăng trưởng chiều cao, cân nặng của trẻ em theo WHO được tính trên đơn vị Bách phân vị (percentile) - tức là con số cho thấy con bạn nặng hơn hay cao hơn bao nhiêu bé khác trong 100 bé cùng lứa tuổi và giới tính.
Bảng cân nặng của bé trai theo WHO. (Ảnh: WHO)
Bảng chiều cao của bé trai theo WHO. (Ảnh: WHO)
Bảng cân nặng của bé gái theo WHO. (Ảnh: WHO)
Bảng chiều cao của bé gái theo WHO. (Ảnh: WHO)
Chỉ cần cân nặng/chiều cao của bé nằm trong vùng bách phân vị thứ 97 tới bách phân vị thứ 3, tức trong 4 vùng trong các biểu đồ dưới đây là được. Nếu trên bách phân vị thứ 97 là cân nặng hoặc chiều cao của bé cao hơn so với tuổi, phía dưới bách phân vị thứ 3 là thấp hơn so với tuổi.
Ví dụ thế này nhé:
- Cân nặng con bạn ở mức bách phân vị thứ 25 (dưới trung bình bách phân vị thứ 50), và chiều cao bé cũng tầm ở bách phân vị 20-25 (dưới trung bình bình bách phân vị thứ 50), điều này là bình thường vì chênh lệch chiều cao.
- Nếu cân nặng và chiều cao chênh lệch lớn (trên bách phân vị thứ 45) thì chỉ nói lên rằng hàm lượng thức ăn của bé cần thay đổi. Ở điểm này bố mẹ cần phải nhờ chuyên gia dinh dưỡng tư vấn về thành phần chất dinh dưỡng trong thức ăn mà bé ăn mỗi bữa. Chẳng hạn bé có cân nặng ở bách phân vị thứ 9, trong khi đó chiều cao ở bách phân vị 75, chứng tỏ bé thiếu năng lượng trong bữa ăn.
- Nếu cân nặng hoặc chiều cao đang ở mức bình thường, nhưng giảm đột ngột trong 2 tháng (giảm hơn 45), có nghĩa là bé đang gặp 1 vài vấn đề trong hấp thụ, nên nhờ sự tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng để đánh giá hấp thu ở bé.
Bố mẹ nên nhờ chuyên gia dinh dưỡng tư vấn về thành phần chất dinh dưỡng trong thức ăn mà bé ăn mỗi bữa. (Ảnh: Internet)
Thế nhưng, bố mẹ phải hiểu rằng để xác định được tốc độ tăng trưởng của con thì phải theo dõi cả một quá trình. Nếu trong những lần khám sức khỏe định kỳ, bé vẫn tăng trưởng ở 1 kênh bách phân vị (có thể xê dịch đôi chút), nhưng vẫn đi lên theo kênh bách phân vị đó, nghĩa là con vẫn tăng trưởng hoàn toàn bình thường.
Nhưng trong trường hợp con liên tục thay đổi bách phân vị, trồi sụt thất thường thì có thể con gặp vấn đề về tăng cân. Tuy nhiên, theo Giáo sư, bác sĩ Rana ở bệnh viện Trẻ em Hoàng gia Luân Đôn, Anh, chiều cao và cân nặng chỉ là 1 trong 6 yếu tố đánh giá để đưa ra kết luận bé có kém tăng trưởng, chậm phát triển não bộ hay không. 6 yếu tố đó là:
- Cân nặng, chiều cao
- Phản xạ ngôn ngữ
- Vận động thô
- Vận động tinh
- Giải quyết vấn đề
- Giao tiếp xã hội
Thế nên bố mẹ đừng quá đặt nặng, quan tâm đến chiều cao, cân nặng của bé mà căng thẳng áp lực trong việc chăm sóc con nữa nhé.
(Nguồn: Tổng hợp)