Nhật Bản cấm phụ huynh đặt tên con khác lạ
Cho rằng những đứa trẻ với cái tên khác thường sẽ gặp khó khăn trong cuộc sống, Nhật Bản đã ban hành quy định chặt chẽ hơn quyền đặt tên con của cha mẹ. Điều này đã gây nên những tranh cãi trong xã hội.
Xu hướng đặt tên con khác lạ gia tăng
Tại Nhật Bản, những cái tên đặc biệt hoặc khó phát âm sẽ được gọi là "kira-kira", nghĩa là "lấp lánh". Ngày càng nhiều các bậc cha mẹ tại quốc gia này đang chọn những cái tên "kira-kira" không theo khuôn mẫu, thường với hy vọng sẽ giúp con cái trở nên nổi bật hơn trong xã hội.
Anh Yuni Matsumoto, 24 tuổi, là một người có cái tên như vậy. Lớn lên, anh chỉ muốn hòa nhập. Tuy nhiên, cái tên của anh đã khiến điều đó trở nên khó khăn: bạn bè cấp hai đã chế nhạo anh, tới mức cuối cùng anh phải bỏ học. Đối với Matsumoto, tên của anh là một gánh nặng.
Mùa xuân năm nay, anh đã đến tòa án gia đình và đổi tên Matsumoto thành một cái tên phổ biến, Yuuki, được viết theo cách mà bất kỳ ai cũng có thể đọc được. "Tôi cảm thấy cuối cùng mình đã được giải thoát," anh nói.
Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất có xu hướng đặt tên lạ ngày càng tăng. Tuy nhiên, trẻ em tại đây có tên không theo truyền thống phải đối mặt với những thách thức đặc biệt đến từ sự độc đáo của tiếng Nhật.
Ở Nhật Bản, hầu hết các tên truyền thống đều bao gồm các kanji – các ký tự chữ Hán được dùng để viết tiếng Nhật. Ý nghĩa của những ký tự này thể hiện mong muốn của cha mẹ về đứa trẻ khi lớn lên. Ví dụ, Hikari, tên một bé gái, được viết bằng một kanji có nghĩa là "ánh sáng".
Tuy nhiên, hầu hết các kanji đều có thêm các cách phát âm bổ sung. Điều này cho phép cha mẹ tạo ra một cách đọc khác thường cho tên của đứa trẻ, dẫn đến việc không ai biết được cách đọc tên đúng chỉ bằng cách nhìn vào các ký tự. Đây cũng là vấn đề xảy ra với tên của anh Matsumoto nêu trên.
Thuật ngữ kira-kira xuất hiện lần đầu tiên vào những năm 1990, và thường được dùng với sắc thái tiêu cực hoặc chế giễu. Từ này đã được dùng để chỉ những cái tên gây chú ý như Oujisama ("Hoàng tử") và Akuma ("Ác quỷ"). Những cái tên khác thường này chủ yếu được lấy từ anime (một thể loại phim hoạt hình đến từ Nhật Bản), như Pikachu, hoặc từ các từ ngữ phương Tây.
Nhà ngôn ngữ học Hiroyuki Sasahara tại Đại học Waseda, Nhật Bản, lấy một ví dụ để minh hoạ cho xu hướng này. Theo đó, có khoảng 1.000 phụ nữ và trẻ em gái ở Nhật Bản có tên được viết bằng kanji nghĩa là "mặt trăng", vốn thường được phát âm là "tsuki", nhưng thay vào đó lại được đọc là "Luna" (một từ gốc Latin có nghĩa là mặt trăng).
Những cái tên gây tranh cãi
Seiko Hashimoto, một chính trị gia và cũng là vận động viên đạt huy chương Olympic môn trượt băng tốc độ, đã đặt tên cho hai con út của cô bằng tên các địa điểm kỷ niệm của mình: Girisha (Hy Lạp) và Torino (Thành phố Turin, Italy). Cô tạo ra các cách đọc này bằng việc mượn phát âm bổ sung của các kanji, khiến cho việc đọc những cái tên này rất khó khăn.
Theo nghiên cứu của Yuji Ogihara, Phó Giáo sư Tâm lý học tại Đại học Aoyama Gakuin, việc sử dụng tên tiếng Nhật với cách đọc phi chính thống đã tăng lên trong bốn thập kỷ qua.
Ông Ogihara cho biết: "Sự gia tăng tính độc đáo trong tên của trẻ em" là một dấu hiệu cho thấy chủ nghĩa cộng đồng truyền thống của quốc gia này đang dần mất đi vị thế của mình. Ông nói thêm rằng tỷ lệ sinh giảm cũng có thể là một yếu tố, khi nhiều cha mẹ chỉ có một cơ hội để đặt cho con mình một cái tên đặc biệt".
Tuy nhiên, không phải ai có một cái tên kỳ lạ cũng ghét nó. Urara Takaseki, 25 tuổi, người sáng lập nhiều công ty khởi nghiệp và là nghiên cứu sinh tiến sĩ về kỹ thuật tại Đại học Tokyo, có một cái tên độc đáo với ý nghĩa là "vẻ đẹp mùa xuân". Cô cho biết tên này đã giúp cô nổi bật khi cô làm việc cũng như khi cô giao tiếp ngoài xã hội.
Cô Takaseki nói: "Đó là một cách tuyệt vời để bắt đầu cuộc trò chuyện" và "nó khiến người khác dễ nhớ bạn hơn".
Luật hóa việc đặt tên con
Không quá khó để tìm những trường hợp không hài lòng với cái tên kỳ lạ của mình. Vào năm 2019, sau khi một bài đăng trên mạng xã hội của người có tên "Hoàng tử" nói trên lan truyền, chàng trai 18 tuổi này đã bày tỏ sự xấu hổ và tủi nhục mà anh phải chịu đựng trong một cuộc phỏng vấn với báo chí.
Theo một cuộc khảo sát của đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK, mỗi năm có 4.000 người đổi tên với các lý do ngoài hôn nhân (các phụ nữ Nhật thường đổi tên họ của mình thành họ của chồng sau khi kết hôn). Một cuộc khảo sát gần đây do Bengo4.com (một trang web tư vấn pháp lý) thực hiện, cũng cho thấy 80% số người được hỏi tin rằng việc phát âm tên nên được giới hạn bởi luật pháp.
Viện dẫn những rắc rối trên, Chính phủ Nhật Bản hiện đang có động thái hạn chế xu hướng đặt tên con theo cách khác lạ này. Theo luật hiện hành, cha mẹ chỉ có thể chọn trong số 2.999 kanji và ghép chúng lại để tạo thành tên, với mỗi Hán tự này có một cách phát âm thông dụng.
Tuy nhiên, chính phủ cũng nhấn mạnh rằng họ vẫn cho các bậc cha mẹ quyền được sáng tạo khi đặt tên cho con của mình. Trong vòng hai năm tới, luật quản lý giấy đăng ký hộ tịch, một loại giấy tờ bắt buộc cho mọi công dân Nhật Bản, sẽ có hiệu lực. Các sửa đổi này sẽ cấm cha mẹ đặt cho con cái những cái tên với cách đọc quá khác biệt và yêu cầu phiên âm của các kanji được dùng trong tên đặt cho con. Đây là lần đầu tiên việc đặt tên con được luật hóa như vậy.
Quy định đặt tên con có hạn chế sự sáng tạo của cha mẹ?
Sự thay đổi trong Luật Sổ đăng ký hộ tịch sẽ giới hạn cách phát âm của các kanji trong tên trẻ ở những cách đọc "được xã hội công nhận rộng rãi".
Sổ đăng ký hộ tịch, hay koseki, được lưu giữ tại các toà nhà hành chính ở mỗi địa phương và bao gồm các hồ sơ quan trọng như danh tính và các mối quan hệ gia đình của một cá nhân, giờ đây cũng sẽ ghi rõ cách phát âm tên người. Atsumi Kubota, người đứng đầu tiểu ban lập pháp chịu trách nhiệm xem xét luật này cho biết: "Tên của chúng ta trong cuộc sống thường ngày được ghi nhận thông qua âm thanh, chứ không phải thị giác, nhưng luật pháp chưa bao giờ dự tính đến điều đó".
Theo quy định mới, tên "Takashi", được viết bằng một kanji có nghĩa là "cao", sẽ không được phát âm bằng từ tiếng Nhật có nghĩa là "thấp". Ngoài ra, những cái tên gây nhầm lẫn vì cách đọc của chúng gần giống nhưng hơi khác so với cách đọc thông thường cũng không được cho phép.
Theo ông Kubota, những cái tên được chấp nhận sẽ bao gồm tên liên quan đến các từ nước ngoài mà có cùng nghĩa với các kanji được sử dụng, tên có cách đọc liên quan đến nghĩa của các kanji được sử dụng hoặc tên có cách đọc phi truyền thống nhưng có tiền lệ nổi tiếng. Trong một số trường hợp, các bậc cha mẹ sẽ cần có sự chấp thuận chính thức từ nhà nước.
Ông cho rằng các sửa đổi vẫn sẽ tạo ra không gian cho sự sáng tạo, thậm chí sẽ giúp cải thiện khả năng người khác hiểu được những cái tên khác lạ này. Nhưng Giáo sư Ogihara từ Đại học Aoyama Gakuin lo ngại những thay đổi này sẽ "hạn chế sự sáng tạo của cha mẹ trong việc đặt tên cho con cái khi trao cho chúng món quà đầu tiên".
Còn đối với chàng trai Matsumoto, anh cho biết anh muốn các bậc cha mẹ suy nghĩ kỹ trước khi đặt cho con mình những cái tên không theo khuôn mẫu. Trước khi đổi tên thành Yuuki, anh nói rằng anh đã từng muốn một ngày nào đó sẽ đặt cho con trai mình cái tên này, được viết bằng hai kanji có nghĩa là "lòng tốt" và "hy vọng".
Anh Matsumoto nói: "Nếu bạn có một cái tên kira-kira, người khác sẽ nhìn bạn và nghĩ rằng cha mẹ bạn không giỏi giao tiếp xã hội hoặc không thông minh. Một cái tên có thể thay đổi quỹ đạo của cuộc đời".
Nguồn: New York Times