Nhận biết dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ
Sốt xuất huyết là căn bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao. Việc nhận biết sớm nhất dấu hiệu của căn bệnh này ở trẻ giúp dự phòng được những biến chứng có thể xảy ra đối với bé.
Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ
Bệnh sốt xuất huyết do siêu vi trùng Dengue gây ra, là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính và lây lan chủ yếu do muỗi vằn hút máu từ người mắc bệnh truyền sang người lành. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất và có thể tạo thành dịch.
Muỗi vằn thường ở trong nhà và trú ngụ trong các góc tối tăm, những nơi ẩm thấp, hoạt động cả ban ngày và ban đêm.
Sốt xuất huyết ở trẻ em có biểu hiện lâm sàng khá đa dạng và tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Vì vậy, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Dấu hiệu sốt xuất huyết
Khi bị sốt xuất huyết, trẻ nhỏ thường khởi phát bệnh một cách đột ngột và có một số biểu hiện như sốt cao liên tục , sốt đột ngột và sốt từ 38 – 39 độ, thời gian sốt kéo dài từ 2 – 7 ngày.
Bệnh hiện các dấu hiệu như đỏ bừng mặt, da xung huyết, đau nhức cơ, đau khớp, đau đầu... Một số trường hợp trẻ có thể kèm theo các biểu hiện như đau họng, viêm kết mạc mắt, mệt mỏi, buồn nôn và nôn. Đối với trẻ sơ sinh khi bị sốt xuất huyết có thể kèm theo các dấu hiệu như ho, sổ mũi hay tiêu chảy.
Đối với trẻ nhỏ, trẻ sẽ sốt cao, sốt đột ngột từ 38 – 39 độ nhưng sẽ không đi kèm triệu chứng ho, sổ mũi. Cho trẻ uống thuốc hạ sốt chỉ có tác dụng trong vài giờ.
Những trẻ lớn hơn thì có biểu hiện sốt nhưng là sốt nhẹ, đau đầu, nhức mắt, mỏi toàn thân và cũng có dấu hiệu xuất huyết.
Ở những ngày đầu tiên, các dấu hiệu của bệnh thường không đặc hiệu và khó phân biệt với nhiễm các loại virut khác.
Ở những ngày tiếp theo, trẻ có thể xuất hiện các biểu hiện như xuất hiện các chấm đỏ hay còn gọi là chấm xuất huyết ở cẳng tay, cẳng chân, nách, ngực, thắt lưng… Sốt xuất huyết trên da còn có thể kèm theo chảy máu cam, nôn mửa, đau bụng dữ dội, đau ở vùng dưới sườn phải.
Ngoài ra, trẻ có thể có triệu chứng sốt xuất huyết niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu răng, chảy máu chân răng, thậm chí là đi cầu ra máu.
Các triệu chứng khác có thể nhận thấy như trẻ có dấu hiệu lừ đừ, mệt mỏi, ói nhiều, đau bụng, xuất huyết niêm mạc, gan to hoặc một số trẻ còn có biểu hiện sốc sốt xuất huyết tay chân lạnh, mạch.
Trẻ em trong độ tuổi từ 3 - 10 tuổi là đối tượng dễ mắc nhất.
Điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em như thế nào?
Khi bị sốt xuất huyết trẻ dễ bị mất nước, mệt mỏi, kém ăn khiến cho trẻ thiếu nước thêm. Do đó cần phải cho trẻ uống nhiều nước. Với trẻ dưới 5 tuổi thì lượng nước uống khoảng 500-1.500ml / ngày. Trẻ trên 5 tuổi uống 2.000 đến 2.500ml/ ngày.
Ngoài nước lọc, có thể cho bé uống nước cam, nước chanh. Không nên cho trẻ uống những loại nước màu đỏ, nâu, đen và có ga như nước trái cây sậm màu, nước củ dền, dưa hấu bởi khi trẻ nôn sẽ khó nhận biết chảy máu bao tử hay là màu của nước trái cây. Cần cho trẻ ăn đồ ăn lỏng, dễ tiêu như cơm nhão, cháo và súp.
Sốt xuất huyết là căn bệnh chuyên khoa chưa có thuốc đặc trị và vaccine phòng ngừa. Để điều trị sốt xuất huyết có thuốc hạ sốt và thuốc bổ tăng sức đề kháng cho trẻ.
Nhận biết sớm triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ để có cách điều trị thích hợp nhất, tránh biến chứng nguy hiểm khi để lâu, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sau này.