Nguyên tắc thiết kế phòng riêng cho con

Tùng Bách,
Chia sẻ

Tạo không gian riêng bằng cách cho con ngủ một mình giúp trẻ có tâm lý vững vàng hơn và tự tin thể hiện bản thân mình.

Nguyên tắc thiết kế phòng riêng cho con - Ảnh 1.

Phòng riêng cho trẻ bên cạnh thiết kế đẹp mắt và dễ thương, quan trọng nhất là bảo đảm an toàn. Ảnh minh họa: INT.

Cha mẹ cần sẵn sàng

Theo giảng viên Phan Hồ Điệp - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, người lớn đừng nghĩ rằng trẻ không cần không gian riêng. Điều này là hoàn toàn sai lầm.

Ngay cả đứa trẻ nhỏ nhất cũng sẽ có những suy nghĩ riêng. Chúng ta không chỉ tôn trọng mà còn phải bảo vệ con một cách đúng đắn. Cha mẹ có thể yên tâm rằng, việc cho con không gian và sự tự do sẽ giúp con phát triển tính cách tự lập và tự tin hơn.

Tạo không gian cho trẻ từ nhỏ bằng cách ngủ riêng cũng là cách bố mẹ rèn luyện cho con tự lập, không quá phụ thuộc vào người lớn, giúp chúng có trách nhiệm hơn với những việc mình làm, như gấp chăn, kê gối hay đắp chăn khi đi ngủ…

Việc tập cho trẻ ngủ riêng ngay khi còn nhỏ đã được các nhà khoa học chứng minh rằng sẽ đem lại những lợi ích cho sức khỏe và cả tư duy. Ở nhiều nước trên thế giới, cha mẹ sẽ cho con ngủ trong nôi riêng từ khi mới sinh, vì họ luôn muốn tạo cho con của mình một không gian riêng tư, an toàn và sáng tạo để chúng phát triển.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Nhựt - Kỹ sư R&D cao cấp, hiện sinh sống và làm việc tại Copenhagen (Đan Mạch) chia sẻ: “Tập cho con ngủ riêng sẽ giúp cả bố mẹ và bé có được giấc ngủ sâu hơn, giúp con hình thành tính cách tự lập ngay từ khi còn nhỏ, không dựa dẫm vào bố mẹ, không mè nheo quấy khóc. Đồng thời, người mẹ cũng có sức khỏe để làm tốt nhiều công việc khác. Cả nhà không stress và từ đó, cuộc sống vui vẻ hơn”.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thành Nhựt, xét về yếu tố văn hóa, có sự khác biệt lớn giữa Việt Nam và các nước phương Tây. Ở nhiều nước, phụ huynh thường cho con ngủ riêng ngay từ khi mới chào đời với quan niệm để con tự lập. Ở nước ta điều này rất hiếm, nhiều ý kiến phản đối việc cho trẻ ngủ riêng sớm, bởi cha mẹ nhận định rằng điều này có thể khiến cho chúng bị lo lắng, sợ hãi. Vì vậy, không có con số chính xác là mấy tuổi trẻ cần không gian riêng hay ngủ riêng, quan trọng là phụ huynh đã sẵn sàng hay chưa!

Theo nhiều kết quả nghiên cứu, ở Việt Nam, tỷ lệ trẻ em ngủ chung với bố mẹ khá lớn. Thậm chí, có nhiều trường hợp gia đình cho con ngủ cùng đến khi 6 - 9 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu là theo quan niệm của nhiều người, trẻ nhỏ cần gần bố mẹ để được yêu thương, chăm sóc trẻ tốt hơn và gắn kết tình mẫu tử thiêng liêng.

Việc lựa chọn thời điểm cho trẻ ngủ một mình cũng tùy thuộc rất nhiều vào tính cách của từng trẻ, có thể bắt đầu sớm hơn nếu trẻ biết hợp tác với bố mẹ. Nhiều chuyên gia khuyên rằng, không nên cho trẻ ngủ một mình quá muộn sau 3 tuổi, vì lúc này trẻ đã bắt đầu có khả năng phân biệt giới tính.

Nguyên tắc thiết kế phòng riêng cho con - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: INT.

Những lưu ý khi trẻ ngủ riêng

Theo TS Nguyễn Thành Nhựt, không nên ép buộc trẻ ngủ riêng khi bé chưa thực sự sẵn sàng, thay vào đó nên thường xuyên thuyết phục trẻ và tạo hứng thú về việc ngủ riêng để chúng cảm thấy thích thú với không gian riêng hơn. Nếu khi gia đình có thêm con nhỏ và trẻ phải ngủ riêng thì cha mẹ cần nhẹ nhàng hơn với con, đừng để trẻ cảm thấy bị bỏ rơi sẽ ảnh hưởng nhiều đến tâm lý đang dần được hình thành. Vì lý do đó, trẻ có thể sẽ không thích em của mình và gần gũi với chúng, đôi khi có những hành vi bạo lực.

Trong một số trường hợp không nên cho trẻ ngủ riêng như tình trạng sức khỏe của bé không cho phép. Đối với những trẻ sinh ra có thể trạng không bình thường, có thể sẽ mắc phải một số bệnh nguy hiểm, cần được cha mẹ chăm sóc đầy đủ; Trẻ chưa sẵn sàng để có thể ngủ một mình. Điều kiện không gian sống của gia đình không phù hợp cho việc ngủ riêng như không tạo được môi trường thoải mái, an toàn cho trẻ thì không nên ép trẻ ngủ riêng.

Cũng theo TS Nhựt, khi thiết kế không gian riêng cho bé cần đảm bảo bốn chức năng chính là: Nghỉ ngơi, vui chơi, học tập và lưu trữ.

Với chức năng nghỉ ngơi, nên bố trí phòng của trẻ ở vị trí yên tĩnh trong nhà. Con thường phải đi ngủ sớm hơn và bé sẽ rất khó ngủ nếu như vẫn có thể nghe được tiếng người lớn cười đùa vọng vào từ phòng khách. Tránh chọn những căn phòng kín, tối, không có cửa sổ để làm phòng cho trẻ vì quá trình trưởng thành của bé rất cần không khí trong lành và ánh sáng tự nhiên.

Tuy nhiên, cũng không nên chọn phòng có cửa sổ quá rộng, ngay hướng nắng gắt, không tốt cho thị giác và tâm trạng của bé. Cửa sổ phòng của trẻ nên lắp rèm chất liệu tốt, dễ dàng điều chỉnh để nguồn ánh sáng phù hợp với không gian.

Một yêu cầu cơ bản cần lưu ý là phòng của trẻ không được có cửa mở ra ban công. Nếu có, cần đảm bảo ban công có chấn song đủ cao, đủ kín, trẻ không nhoài người qua được.

Bên cạnh đó, trong phòng không nên trưng bày hoặc trang trí bằng những vật sắc nhọn, dễ vỡ để tránh trường hợp trẻ bị tai nạn khi chạy nhảy, nô đùa.

Nếu đã mua đồ nội thất từ trước hoặc tận dụng lại bàn ghế cũ, gia chủ có thể sử dụng các loại chắn bọc bảo vệ bằng cao su, đệm bông, lót sàn bằng mút nỉ để tránh tình trạng bé bị va đập, chấn thương do té ngã.

Trong quá trình sắp xếp đồ nội thất trong không gian riêng của trẻ, cần hết sức thận trọng với các tủ giường, bàn ghế có gắn bánh xe. Tuy chúng tiện lợi khi di chuyển và sử dụng, nhưng lại rất dễ gây tai nạn với trẻ. Trường hợp dùng đồ nội thất có gắn bánh xe, nên mua loại có khóa định vị, tránh để trẻ tự ý di chuyển, xê dịch đồ.

Khoa học đã chứng minh, nếu trẻ càng thoải mái, tự do trong suy nghĩ và hành động thì trẻ sẽ càng sáng tạo và thông minh hơn hẳn. Một căn phòng được chăm chút cẩn thận, tỉ mỉ theo sở thích của con trẻ cũng là cách biểu hiện yêu thương của cha mẹ đối với con, dành cho con những thứ tốt đẹp nhất. Khi cảm nhận được điều này, trẻ cũng sẽ có xu hướng ngoan, nghe lời và hứng thú hơn trong quá trình học tập.

Chia sẻ