Ngưng miệt thị và phán xét bất kì người mẹ nào, vì chúng ta cùng là phụ nữ!

San San,
Chia sẻ

90% lời nói làm tổn thương những người mẹ lại xuất phát từ những người phụ nữ khác.

Sau khi có con, rất nhiều điều đã thay đổi

Chúng ta nhận ra rằng trong mắt xã hội các bà mẹ không thể

- Phàn nàn (Ai bảo bạn có con? Đã có rồi thì nên chấp nhận)

- Khóc (Tại sao bạn lại khóc? Những người khác vẫn làm mẹ tốt mà)

- Mệt mỏi vì cái gì? (Trông con có phải là công việc gì quá nặng nề đâu)

- Ngủ (Bạn lười biếng)

- Nghỉ ngơi (Bạn sẽ có rất nhiều thời gian cho điều đó sau khi các bé lớn lên)

- Lại có bầu rồi (Bạn muốn bao nhiêu đứa trẻ nữa? Liệu có nuôi nổi không)

- Nghỉ việc (Bạn sẽ hỗ trợ con như thế nào? Tiền đâu mà nuôi nó)

- Công việc (Ai sẽ trông con? Con không có mẹ chăm sóc sẽ rất tội nghiệp)

- Để ở nhà trẻ (Đừng để người khác nuôi)

- Làm nội trợ (Chồng nghèo, đi làm vất vả quá còn vợ ở nhà)

- Độc thân (Người phụ nữ không chịu kết hôn hay sinh con là rất ích kỉ)

- Đi chơi (sao bỏ con ở nhà để đi chơi vậy)

Theo Above & Beyond Doula Services, điều tồi tệ nhất đó là 90% các cụm từ này được nói bởi những người phụ nữ khác.

Ngưng miệt thị và phán xét bất kì người mẹ nào, vì chúng ta cùng là phụ nữ! - Ảnh 1.

90 % những lời miệt thị, phán xét việc làm mẹ được nói bởi những người phụ nữ khác. Ảnh minh hoạ.

Hành trình thiêng liêng nhưng cũng rất khắc nghiệt

Những ai đã trở thành mẹ rồi đều có chung một cảm xúc rằng, đó là một thiên chức cao quý, thiêng liêng và đầy hạnh phúc. Được thực hiện vai trò và nghĩa vụ của một người mẹ, được ngắm con bé bỏng từng ngày lớn lên, đó là niềm vui không một từ ngữ nào có thể diễn tả được. 

Thế nhưng, đó cũng là thách thức cho những người mẹ khi phải làm quen với một cuộc sống mới, sự thay đổi của cơ thể cũng như cảm xúc của bản thân. Những người phụ nữ đều phải trải qua cảm giác đó, nhưng tại sao chúng ta lại không thông cảm cho nhau thay vì phán xét hay miệt thị cách làm mẹ của một ai đó?

Những lời nói xấu xuất phát từ sự ganh ghét, đố kị hay đơn giản chỉ là muốn người mẹ cảm thấy tồi tệ hơn đều nên ngưng lại!

Chị Thanh Hà (33 tuổi, sống tại Sài Gòn) chia sẻ về cảm xúc làm mẹ lần đầu tiên: ''Trong khi các bạn đồng trang lứa đã có 2, thậm chí là 3 con thì mình mới bắt đầu được trải nghiệm cảm giác này. Sự bỡ ngỡ đến từ bản thân là điều không thể tránh khỏi. Thế nhưng, một số bạn bè đến nhà mình chơi đều bắt đầu với những câu như ''ôi sao cậu không biết trông con à'', ''từng đó tuổi rồi mà dỗ con còn vụng về thế kia''. 

Mình đã không biết rằng số tuổi cần phải tỉ lệ thuận với sự khéo léo trong vai trò làm mẹ. Đó là một hành trình mới, kiến thức mới và mình cho phép bản thân được có thêm thời gian và cơ hội để thay đổi. Trong khi một người mẹ đang không ngừng cố gắng thì tất cả những lời nói khó chịu kia có ý nghĩa gì''.

Hay chị Hà Thu (29 tuổi, sống tại Hà Nội) từng bị vài cô hàng xóm chê trách: ''Sau sinh mà luộm thuộm thế kia là chồng chán rồi bỏ đấy. Anh ý nhìn phong độ, bảnh bao thế cơ mà, cẩn thận không khéo là mất chồng. Cứ ở nhà không đi làm rồi sớm thì muộn chỉ là người ăn bám thôi.

Khi mình bảo bản thân mệt mỏi vì trông con ngày đêm thì một số người lại nói chỉ là vì mình quá lười biếng, chơi quen rồi. Con khóc có chút cũng than thở. Những điều đó khiến mình nghĩ bản thân là một người tồi tệ, không có tư cách trở thành mẹ''.

Một báo cáo năm 2017 từ Bệnh viện nhi C.S. Mott ở Michigan tại Mỹ cho thấy gần 2/3 các bà mẹ đã có chút hối hận vì các quyết định nuôi dạy con cái của họ sau khi nhận quá nhiều chỉ trích từ mọi người. 

Eichmann, một nhà báo sống ở Brooklyn, chuyên gia làm cha mẹ và là tác giả của cuốn sách sắp xuất bản, cho biết: ''Cha mẹ phải lao động thật sự, thật vất vả để nuôi dạy con cái nên người. Đối với một số người, trải nghiệm này quả thực vất vả và họ thật sự cảm thông cho những bậc phụ huynh. Nhưng đối với những người khác, có cảm giác rằng ai cũng làm được thì bạn cũng phải như thế''.

Chị Hà Nhi (25 tuổi, sống tại Kiên Giang) đưa ra nhận xét: ''Mình là một người mẹ đơn thân và gánh trên vai rất nhiều trách nhiệm. Mỗi khi nghe một lời phán xét từ người khác khiến bản thân mình trở nên rất căng thẳng, thậm chí là tự trách và đổ lỗi cho bản thân vì không cho con một gia đình có đầy đủ bố mẹ. Dù mình đã cố gắng hết sức để yêu thương và lo cho con cuộc sống đầy đủ nhưng với người ngoài, không bao giờ là đủ''.

Trên thực tế, đã có rất nhiều bà mẹ thừa nhận rằng cảm xúc của họ ngày một tồi tệ hơn không phải do bản thân mà phần nhiều tới từ những lời nhận xét của người ngoài. Đã có một số người vì thế mà trở nên tự ti, quay lưng với xã hội. Thay vì cứ chỉ trích, miệt thị thì tại sao chúng ta không cố gắng cảm thông và nhận ra những mặt tích cực từ nhau? 

Chia sẻ