Ngày càng nhiều chàng trai 9x Trung Quốc quan tâm đến làm đẹp: khi diện mạo cũng quan trọng không kém khả năng kiếm tiền
Các chàng trai trẻ, đặc biệt là thế hệ 9x đang trở thành nguồn thu nhập lớn cho ngành công nghiệp mỹ phẩm Trung Quốc, và xu hướng này ngày càng rõ rệt hơn trong những năm gần đây.
David Zhang, chuyên viên PR 31 tuổi đến từ Bắc Kinh là một người đàn ông điển hình: không bao giờ quan tâm đến chăm sóc da chứ chưa nói đến chuyện makeup. Tuy nhiên anh đã tiêu tốn 764 USD (khoảng 16,8 triệu VNĐ) vào các sản phẩm làm đẹp trong năm ngoái. Anh vứt chai dầu gội đầu cỡ lớn, mua loại cao cấp của thương hiệu Schwarzkopf sau khi nghe theo lời khuyên của đồng nghiệp nữ. Ngoài ra anh cũng bắt đầu đắp mặt nạ.
"Tôi được hướng dẫn rằng mặt nạ có nhiều công dụng khác nhau như dưỡng ẩm, làm trắng hay chống lão hóa da. Gần đây tôi đã mua 6 gói mặt nạ Utena của Nhật Bản có tác dụng cấp ẩm, cân bằng nước và dầu trên da mặt" - David Zhang chia sẻ.
Theo quan niệm của nhiều người, mỹ phẩm được mặc định là dành riêng cho phụ nữ. Thế nhưng Lễ hội Mua sắm Độc thân gần đây tại Trung Quốc cho thấy lượng tìm kiếm từ khóa "mỹ phẩm nam" tăng lên 157%, cùng với đó doanh số mỹ phẩm nam cũng tăng vọt. Không khó để thấy rằng nam giới Trung Quốc đang ngày càng chăm chỉ hơn trong việc chăm chút cho nhan sắc của mình.
"Trung Quốc đã bước vào kỉ nguyên mà chuyện nam giới làm đẹp là rất quan trọng"
Hễ liên quan đến chăm sóc da và làm đẹp thì Liu Changfeng, 25 tuổi, sẽ không từ chối bất cứ phương pháp nào. Anh cạo lông mày mỗi ngày và sử dụng đến 3 loại kem/phấn nền. Trong dịp Black Friday và Cyber Monday tháng 12 vừa qua, với hàng loạt chương trình giảm giá trên các trang mua sắm nước ngoài, anh đã kịp mua rất nhiều mỹ phẩm như chì kẻ lông mày, kem chống nắng, son môi, đồ dưỡng ẩm và dầu rửa mặt. "Tôi nghĩ mình là người đàn ông nhạy cảm, tinh tế và theo tôi đó là chuyện tốt", anh chia sẻ.
Không tìm đến lời tư vấn của những đồng nghiệp nữ giống như Zhang, Liu tự nghiên cứu các thông tin về dưỡng da và chăm sóc cơ thể. Anh biết nhiều hơn cả các cô bạn của mình, đến mức họ còn phải tìm đến anh để nhờ tư vấn mua mỹ phẩm.
Theo lời của Koukou, một chuyên gia trang điểm và làm móng tại Bắc Kinh thì các chàng trai trẻ, đặc biệt là thế hệ 9X, đang trở thành nguồn thu nhập lớn cho ngành công nghiệp mỹ phẩm Trung Quốc. Và xu hướng ngày càng rõ rệt hơn trong những năm gần đây.
"Khoảng 3 năm trước, nếu thấy tôi đánh phấn nền, kẻ lông mày và tô son thì lập tức người ta sẽ nghĩ tôi là gay. Nhưng bây giờ chẳng còn ai thấy lạ nữa. Tôi nghĩ Trung Quốc đã bước vào kỉ nguyên mà chuyện nam giới làm đẹp là rất quan trọng" - Koukou nói.
Đối với đàn ông Trung Quốc hiện đại, diện mạo đẹp cũng quan trọng không kém khả năng kiếm tiền
Liu Feng, 27 tuổi, dân IT chính hiệu, được bạn gái tặng quà Giáng sinh là một set dưỡng da của Biotherm Men. Đây đã là lần thứ 2 anh được bạn gái tặng mỹ phẩm làm quà cuối năm.
"Năm ngoái cô ấy mua cho tôi một máy rửa mặt của Nhật Bản, sau khi mở quà ra tôi vẫn chẳng biết đó là gì hay phải sử dụng như thế nào. Nhưng chỉ sau 3 ngày tôi đã yêu ngay chiếc máy bé tí tẹo ấy, nó thay đổi gương mặt tôi hoàn toàn" - Liu Feng hồ hởi cho biết.
Liu Feng cũng nói rằng bạn gái đã giúp anh làm quen và hiểu về chăm sóc da cũng như trang điểm. Trước đây anh chỉ thỉnh thoảng rửa mặt với xà phòng và gặp vấn đề nghiêm trọng về mụn. Liu cứ luôn nghĩ rằng chỉ có phụ nữ mới dùng mỹ phẩm. Cho đến một ngày anh bị người yêu kéo đến hiệu làm đẹp, cô bảo rằng sẽ làm anh trở nên thật đẹp trai.
"Tôi nghĩ có sự phân biệt giới tính trong vai trò xã hội: đàn ông thì không được coi trọng ngoại hình và phải dành mọi tâm tư, sức lực chỉ để kiếm tiền và gây dựng gia đình. Tôi cũng từng nghĩ vậy đấy, nhưng giờ thì người ta không còn tư tưởng phân biệt như thế nữa. Tất cả những người tầm tuổi tôi đều cho rằng diện mạo thì quan trọng hơn khả năng kiếm tiền" - Liu Feng chia sẻ.
Bạn gái anh, Huang Mingming, nói rằng cô rất vui vì đã thay đổi được suy nghĩ của người yêu mình. Cô cũng cho rằng cả nam và nữ đều nên quan tâm đến ngoại hình của họ: "Tôi đã theo dõi rất nhiều tài khoản chuyên về chăm sóc da và thời trang nam giới trên WeChat và Weibo, và tôi thấy rằng ngay cả người đàn ông nam tính nhất cũng có thể được "cứu rỗi". Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là khiến họ nhận ra họ có thể đẹp đến thế nào khi ăn vận sành điệu, có làn da đẹp và đôi lông mày sắc nét".
Một xu hướng mang tính toàn cầu
Cũng theo lời Koukou, xu hướng "genderless kei" (các chàng trai phi giới tính) của Nhật Bản đang dần trở nên phổ biến tại khắp nơi trên thế giới, và những anh chàng Trung Quốc sành điệu cũng không nằm ngoài xu hướng này. Koukou thậm chí còn có kênh online riêng phát trực tiếp quy trình trang điểm của mình, khán giả của anh bao gồm cả nam lẫn nữ.
"Nam giới hoàn toàn có thể nhuộm tóc, đeo kính áp tròng nhiều màu, làm móng và trang điểm. Với đàn ông, điều đầu tiên cần làm là sử dụng kem nền và định hình khung lông mày" - Koukou nói.
Anh nói rằng chỉ cần tìm trên Instagram và YouTube, dễ dàng nhận thấy xu hướng toàn cầu là nam giới ngày càng chăm chút cho vẻ ngoài của mình. "Tôi nghĩ chăm sóc da thường xuyên là phương pháp thư giãn hữu hiệu cho người đàn ông bận rộn, nhất là ở những thành phố lớn như Bắc Kinh".
Koukou cũng cho rằng ngành công nghiệp mỹ phẩm nam tại Trung Quốc vẫn còn nhiều điều phải cải thiện: "Theo như tôi biết, về mặt quy mô thì sản phẩm làm đẹp cho nam vẫn bị giới hạn, chỉ xoay quanh phục vụ cạo râu và chăm sóc tóc. Trong khi đó sản phẩm chăm sóc da và mỹ phẩm vẫn chưa được chấp nhận một cách rộng rãi". Anh gợi ý rằng Trung Quốc nên có một hình mẫu quý ông trung niên, hoặc thậm chí lớn tuổi hơn thế, để quảng bá hình ảnh người đàn ông thời trang và bảnh bao dù ở bất cứ độ tuổi nào.
"Tôi cho rằng Tom Ford là một ví dụ tuyệt vời, không chỉ vì style của ông ấy mà còn vì cách ông ấy quảng bá thương hiệu, khiến tất cả mọi người đều muốn được như vậy; cũng để nói rằng nam giới tự chăm sóc chính bản thân mình, có văn hóa và có gu là chuyện tốt. Đó là lý do khiến các dòng sản phẩm của ông ấy nổi tiếng khắp thế giới. Trung Quốc cần những quý ông và những dòng sản phẩm như vậy".
Nhà thiết kế người Mỹ Tom Ford.
Nguồn: Global Times China