Nếu trẻ có 9 đặc điểm này, xin chúc mừng cha mẹ vì điều đó chứng tỏ bé sẽ rất tài năng trong tương lai
Có những đặc điểm tưởng chừng lạ lùng ở trẻ sơ sinh nhưng lại chứng tỏ sau này bé là người có tài.
Đến tuổi nào thì một đứa trẻ mới thể hiện đặc điểm và dấu hiệu thông minh? Nhiều phụ huynh và giáo viên tin rằng, một đứa trẻ được xác nhận là tài năng khi kết quả các bài kiểm tra ở trường cho thấy điều đó. Và những bài kiểm tra này, nếu có, lại không được tiến hành cho tới khi trẻ học lớp 3 hoặc 4. Đặc điểm thiên tài có thể xuất hiện ở trẻ mới biết đi (tầm 1-2 tuổi) và một số đặc điểm thậm chí được biểu hiện ngay ở trẻ sơ sinh.
Danh sách dưới đây cung cấp các đặc điểm giúp xác định một em bé tầm 1-2 tuổi có dấu hiệu tài năng hay không. Hãy nhớ rằng, để được xác nhận là sở hữu yếu tố tài năng/thiên tài, một đứa trẻ không nhất thiết phải có mọi đặc điểm được đề cập tới.
Dấu hiệu thông minh ở trẻ nhỏ:
1. Ngay từ lúc sơ sinh, trẻ có thể quấy khóc nếu phải nhìn vào một hướng quá lâu.
2. Ngay từ lúc sơ sinh, trẻ đã biểu lộ sự lanh lợi, hoạt bát.
3. Trẻ ngủ ít hơn, ngay cả ở giai đoạn sơ sinh.
4. Trẻ thường xuyên đạt được các "cột mốc" phát triển cơ bản như biết đi, biết nói những từ đầu tiên sớm hơn so với mức trung bình.
5. Trẻ có thể chậm nói, nhưng sau đó sẽ nói những câu hoàn chỉnh.
6. Trẻ khao khát một cách mạnh mẽ được khám phá, tìm hiểu và làm chủ môi trường (mở tủ, tháo rời mọi thứ…).
7. Thành thạo khi chơi các loại đồ chơi và trò chơi từ sớm, sau đó không bận tâm đến những thứ đã thành thạo nữa.
8. Trẻ hoạt động rất nhiều (nhưng thực hiện các hoạt động có mục đích, không nên bị nhầm lẫn với rối loạn tăng động giảm chú ý ADHD).
9. Có thể phân biệt giữa thực tế và tưởng tượng (trẻ có thể đặt câu hỏi về ông già Noel hoặc bà tiên răng từ rất sớm).
Trẻ mới biết đi có dấu hiệu thiên tài cũng có thể thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến các con số hoặc chữ cái. Đây thường là những đứa trẻ bắt đầu làm các phép toán đơn giản hoặc tự học đọc trước khi lên 3. Tuy nhiên, một đứa trẻ không đọc hoặc làm toán sớm vẫn có thể là trẻ tài năng. Trẻ em đọc hoặc làm toán sớm hầu như chắc chắn thuộc nhóm có năng khiếu, nhưng không phải tất cả những đứa trẻ có năng khiếu đều bộc lộ những việc đó sớm.
Bạn nên làm gì nếu con bạn có biểu hiện thiên tài?
Câu trả lời ngắn cho câu hỏi này là "không làm gì cả", ngoài những việc thông thường mà bố mẹ nào cũng làm cho con:
- Nếu bạn thấy con có vẻ hứng thú với chữ cái và sách, hãy mua cho con những đồ chơi chứa chữ cái, chẳng hạn như bảng chữ cái nam châm hay chữ cái bằng bọt biển (một loại đồ chơi phòng tắm). Và tất nhiên đừng quên tặng con sách. Tương tự, nếu con bạn thích số, hãy mua đồ chơi có số.
- Giúp con bạn luôn được đối mặt với các thử thách. Bạn rất có thể đã làm điều này rồi bởi một đứa trẻ có năng khiếu có thể biểu lộ sự cáu kỉnh khi buồn chán. Chỉ cần đi theo các dấu hiệu chỉ dẫn của con. Khi bạn thấy con không còn hứng thú với một hoạt động nữa, hãy dừng lại. Ví dụ, những đứa trẻ có năng khiếu thường thích các loại thẻ flashcard. Người ngoài nhìn vào thường nghĩ bạn đang ép con học, nhưng thực tế, đó có thể là một hoạt động mà con bạn rất thích. Tuy nhiên, nếu con bạn đã chán flashcard, đừng khăng khăng bắt con tiếp tục hoạt động với thẻ chỉ vì bạn nghĩ con thông minh và cần học hỏi.
Nhiều cha mẹ tin rằng con họ có thể có năng khiếu và muốn tìm hiểu về các hình thức kiểm tra khả năng của con. Vấn đề là: "Tại sao bạn muốn cho kiểm tra con mình?". Trong hầu hết các trường hợp, cha mẹ thường trả lời rằng họ muốn biết để có ý tưởng tốt hơn về những việc cần làm cho con. Nhưng thực tế không có nhiều thứ bạn có thể làm hoặc nên làm cho đứa con thiên tài của mình, bởi gần như bạn đã làm phần lớn những việc đó rồi. Bạn sẽ không yêu con nhiều hơn hay ít đi, và bạn thực sự không nên đối xử với con bạn khác đi.
Đôi khi cha mẹ có thể cảm thấy nếu con mình tài năng, mình có nghĩa vụ phải dạy con để không bỏ phí tài năng đó. Nhưng trừ khi mong muốn học hỏi đến từ con bạn thì nó mới duy trì và phát triển được. Nếu mong muốn học hỏi xuất phát từ bản thân trẻ, rất có thể đó chính là kết quả từ những nỗ lực giúp con học của bạn. Sẽ có lúc bạn có thể cần cho con đi kiểm tra, nhưng đó không phải là trong những năm tháng bé còn chập chững.
Nguồn: Family