5 vấn đề bố mẹ đừng bao giờ chia sẻ với con, để những đứa trẻ luôn giữ được tâm hồn trong sáng, vô tư
Vô tư trong sáng vốn là đặc điểm đáng yêu nhất của trẻ con. Nhưng nhiều bố mẹ lại vô tình khiến trẻ chẳng còn là trẻ con nữa với những chia sẻ của mình.
Chia sẻ với con cái là một trong những điều mà bất cứ bố mẹ cũng mong muốn. Tuy nhiên trẻ tuyệt đối không phải là người bạn tri kỷ, người trút bầu tâm sự của bố mẹ. Vì có những câu chuyện có thể khiến trẻ cảm thấy âu lo và suy nghĩ nhiều hơn bố mẹ tưởng. Vậy nên, đây là 5 vấn đề mà bố mẹ nên cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định chia sẻ với con.
1. Những khó khăn trong cuộc sống
Có không ít bố mẹ cho rằng nói với con những khó khăn mà mình đang gặp trong công việc hay trong bất kỳ một lĩnh vực nào đó là chuyện bình thường. Thậm chí, nhiều bà mẹ còn làm điều này ngay từ khi còn mang thai. Bố mẹ nghĩ rằng đây đơn giản chỉ là một cuộc nói chuyện hoặc tâm sự hàng ngày. Và bố mẹ cũng nghĩ rằng trẻ sẽ quên nhanh chóng những chuyện này.
Nhưng không, thực tế cho thấy rằng trẻ suy nghĩ rất nhiều về khó khăn của bố mẹ. Chẳng hạn, vì đang gặp khó khăn về tài chính nên bố mẹ lo lắng về các chi phí cho con như tiền học, tiền thuốc thang... Nếu bố mẹ đem chuyện này chia sẻ với trẻ tức là đã vô tình khiến trẻ hình thành ý thức rằng "mình là gánh nặng của bố mẹ".
(Ảnh minh họa)
2. Những sai lầm của bố mẹ trong quá khứ
Quyết định sai lầm hay phạm một lỗi nào đó là điều mà ai cũng sẽ mắc phải trong đời. Do đó việc bố mẹ nói với con về những sai lầm này và cách vượt qua chính là một bài học quý giá dành cho con. Tuy nhiên, có một sự thật không thể chối cãi rằng vấp ngã khi còn bé lại là những ký ức đáng nhớ nhất đối với trẻ. Vì vậy hãy để trẻ lớn lên một cách tự nhiên nhất với những sai lầm của mình nhé!
3. Sự kỳ vọng của bố mẹ đối với con cái
Bất kỳ người làm cha mẹ nào cũng sẽ mong muốn con mình sẽ khỏe mạnh, thành đạt. Và thông thường, để những mong muốn này thành sự thật, bố mẹ dồn hết tất cả những gì mình có cho con. Nhưng đừng nhắc đi nhắc lại những câu kỳ vọng như: "Bố mẹ dồn hết mọi thứ cho con nên con phải thành công", "Con nhất định không được khiến bố mẹ thất vọng",... Bởi bố mẹ thì nghĩ rằng chúng tạo nên động lực cho con bạn nhưng thực ra đó là những áp lực vô hình mà trẻ phải chịu đựng.
4. Sự so sánh con mình với "con nhà người ta"
Chuyện "con nhà người ta" có lẽ chẳng còn xa lạ gì và đây là điều bố mẹ không nên nói với con nhất. Bố mẹ thường cho rằng những tấm gương "con nhà người ta" sẽ giúp con nhìn vào đó mà cố gắng phấn đấu. Nhưng thực ra đây lại là việc khiến trẻ ghét đứa trẻ bị so sánh kia và cảm thấy tự ti về bản thân mình.
(Ảnh minh họa)
5. Đổ lỗi cho con
Chỉ vì không hài lòng vì một điều gì đó trong cuộc sống liên quan đến con cái, nhiều bố mẹ thường ngay lập tức đổ lỗi cho con. Những câu nói thường thấy là "Vì con mà mẹ đi làm muộn", "Vì con mà mẹ phải dọn dẹp lại nhà cửa lần nữa",... Có thể trẻ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó nhưng không thể vì thế mà trẻ phải chịu trách nhiệm. Hơn nữa việc đổ lỗi đó không giải quyết vấn đề mà chỉ khiến cho các thành viên trong gia đình trở nên xa cách hơn mà thôi.