Mỹ nhân thời bao cấp làm đẹp
Những chuyện làm đẹp thời bao cấp như dùng đũa cả để quấn xoăn tóc, bắt chấy bằng dầu hỏa... luôn là những ký ức đẹp trong mỗi chúng ta.
Làm đẹp thời bao cấp là một đề tài buôn chuyện thú vị của nhiều người thế hệ trước.
Buồn vui làm đẹp
Với chuyện mái tóc, có một vấn nạn khó tránh khỏi, đó là nhiễm chấy rận. Lũ bọ kí sinh gan lỳ này ngang nhiên trơ trẽn thách đố với thứ nước gội đầu bồ kết truyền thống. Tốc độ sinh đẻ của chúng cũng lan nhanh kinh khủng khiếp. Những mái tóc dầy, dài và… cơn ngứa dồn dập trở thành nỗi ám ảnh của bao người phụ nữ thời bấy giờ.
Một lần nữa, liệu pháp dân gian và sản phẩm thủ công lại trở thành người bạn thân cứu cánh, lược bí cùng hạt na, dầu hỏa chưa bao giờ được trọng vọng đến vậy. Đối phó với kẻ thù của phái đẹp, dùng hạt na giã nát hay dầu hỏa bôi lên đầu chưa đủ mà còn phải lấy lược bí chải lại cho hết chấy và trứng chấy. Thủ công hơn, nhiều người còn cầm chiếc đèn dầu hơ hơ lên đầu để chấy thấy hơi nóng chạy toán loạn cho dễ bắt, bắt được con nào thì tuốt lên theo chiều dọc sợi tóc, sau đó lấy móng tay dí cho chết hoặc được con chấy “cụ” thì đưa lên miệng cắn cái “tách” nghe rất vui tai.
Cho tới tận bây giờ khi chấy không còn đất sống bởi xà phòng, hóa chất thì nhiều cá nhân đương thời vẫn không thể nào quên được miền kí ức trong đó có cả hình ảnh ngồi bắt chấy cho nhau bên hiên nhà tràn đầy tính cộng đồng và tràn ngập cảm xúc.
Trong thời kỳ bao cấp, chỉ các mậu dịch viên hoặc gia đình nào khá giả có người đi xuất khẩu về mới có những món mỹ phẩm hiếm có lúc bấy giờ như Va sơ lin sáp nẻ (Vaseline) Liên Xô, nước hoa Bungary. Phái đẹp con nhà giàu cũng chỉ có một vài hãng mỹ phẩm Pháp để lựa chọn như son phấn của hãng Houbigal, Coty, nước hoa của Chanel, Pompeia và xà phòng thơm của Candom. Còn lại những gia đình khác thì đến xà phòng để giặt, xà bông để tắm cũng phải dùng rất tiết kiệm vì rất ít, mà xà phòng hồi ấy lại rất cứng và hôi. Vì thế nên mới có chuyện là hễ có gói hàng từ nước ngoài về là mọi người lại hít hà gói đồ đạc say sưa và thích thú gọi đó là mùi “Tây”.
Nhiều người sau bao nhiêu năm vẫn không thể quên được niềm hân hoan khi có được cục xà bông Liên Xô thơm lừng. Họ kể rằng cục xà bông ngoại được trân trọng lắm, cất thật kỹ trong lớp khăn mùi xoa để khăn được “lây” chút thơm, và phải vào dịp quan trọng lắm mới dám dùng. Việc gian nan đi tìm phương thức làm đẹp thời bao cấp trong điều kiện thiếu thốn khiến người ta trân trọng nhiều thứ xung quanh mình hơn.
Ở thời chưa xa ấy, người ta rất linh hoạt trong việc tìm phương thức làm đẹp. Không có dụng cụ chuyên dùng để uốn xoăn, các bà các mẹ lấy chiếc đũa cả hơ nóng trên lửa để cuốn tóc tạo lọn bồng bềnh. Không có máy duỗi, đêm mùa đông trước khi đi ngủ lấy chiếc khăn len quấn nhiều vòng chèn sát tóc vào cổ và người để cho tóc được thẳng. Muốn tóc “xù mì” sau khi gội người ta tết tóc thật chặt để tạo nếp dập li ti…
Từ những phương thức ấy, cũng đã nảy sinh ra biết bao chuyện dở khóc dở cười, như chuyện chiếc đũa cả bị hơ nóng đỏ, không để ý vội cuốn tóc vào khiến cho tóc không quăn lại mà cháy xém một mảng đen xì khét lẹt. Hay như chuyện một cô nữ văn công nọ đến giờ đi diễn mà thỏi son gió hiếm hoi của cô không biết lăn đi đâu mất, đành ra tạm hàng rào hái ít hoa dâm bụt giã nát, lấy màu nước đỏ thắm… bôi tạm lên má, lên môi cho có màu. Lúc mới trát màu lên tươi hồng, tưởng vậy đã êm xuôi nhưng để một lúc đã chuyển sang thâm xì khiến mọi người ai cũng không nhịn được cười. Những chuyện như thế, ngày nay, khi được kể lại, đến “thân chủ” dù sau 10, 20 năm nhưng vẫn phải đỏ mặt ngại ngùng, tất cả chỉ tại “cái tội” ham làm đẹp.
Khi xu hướng làm đẹp ngoại tràn vào thị trường Việt
Vào thập niên 80, nước ta cũng tự sản xuất ra được một số loại hóa mỹ phẩm như nước hoa hiệu ỷ Lan, Hoa Nhài có mùi thơm nhẹ nhàng hoặc kem gội đầu. Tuy nhiên nước hoa nội địa không giữ được mùi lâu và kem gội đầu thì có mùi khó chịu nên người dân vẫn chuộng các sản phẩm tương tự đến từ Thái Lan.
Đến đầu thập kỷ 90, chúng ta đã bắt đầu thấy sự xuất hiện ngày càng nhiều của những món mỹ phẩm, dưỡng da “ngoại lai”, nhiều nhất là của Thái Lan, Trung Quốc, một số nước Đông Âu. Ít ai trải qua thời thanh niên trong khoảng thời gian này mà lại không biết tới những cái tên như phấn Bông Lúa, phấn Con Én, UB, UE, AC, son gió Thái Lan, sáp nẻ Liên Xô… Mặc dù công nghệ chế tạo mỹ phẩm không phát triển như bây giờ, nhưng không rõ nhờ bí quyết gì khiến cho những sản phẩm này có màu tươi, mùi thơm nồng rất đặc trưng và đặc biệt là bám rất lâu.
Hồi ấy, đến người phụ nữ xuề xòa cũng phải sắm cho mình một thỏi son gió Thái Lan màu cam vừa làm hồng má, vừa làm thắm môi. Đặc điểm của loại son gió này – đúng như cái tên, phải ra gió mới có màu nên rất dễ bị đánh quá tay, má và môi lên màu hồng rực. Khác với phấn ngày nay với đủ tông màu phù hợp cho nhiều sắc độ của làn da, các loại phấn Thái Lan đều chỉ có một tông duy nhất – đó là trắng, trắng như bột mì.
Ngoài ra, người ta cũng chuộng sử dụng các loại phấn mắt có những gam màu vô cùng cơ bản như xanh dương, xanh lá để trang điểm cho đôi mắt của mình. Câu nói “mắt xanh mỏ đỏ” có lẽ cũng bắt nguồn từ gu trang điểm rất thịnh hành thời bấy giờ là: lông mày mảnh cong kẻ đậm, da đánh phấn trắng “bốp”, môi đỏ, mắt màu xanh lá rất nổi bật.
Nếu như Sài Gòn trước giải phóng, được tiếp nhận văn hóa Mỹ nên phong cách để tóc rất kiểu cách, sành điệu, thì sau giải phóng lại trầm lắng hơn, đi vào guồng quay làm đẹp chung của phụ nữ cả nước.
Mái tóc phụ nữ Việt cũng theo xu hướng ngoại mà thay đổi dần dần. Các tiệm uốn tóc ngày một xuất hiện nhiều với phong phú các dụng cụ chuyên dụng hơn chiếc đũa cả hơ nóng ngày xưa. Người ta cũng làm quen dần cùng các sản phẩm tạo kiểu như gôm xịt tóc, gel lỏng đặc giữ nếp, thuốc uốn đầy mùi amoniac… Những mái tóc chân phương khi xưa biến thành những kiểu tóc uốn phi dê xoăn tít hoặc từng búp quăn với phần mái chải bồng cao thời thượng. Người ta chạy theo các mốt của hình mẫu ngôi sao ngoai quốc như mốt "Ôxy", mốt "Mai-ca" (một nhân vật trong phim "Mai-ca" của Liên Xô), mốt Mariana (nhân vật trong phim "Người giàu cũng khóc" của Brazin), hay vào năm 1987, chị em đi xuất khẩu lao động ở Tiệp Khắc về mang theo mốt tóc Xuri (ca sĩ nổi tiếng thập niên 80 của Tiệp Khắc)...
Ngoài ra không thể không nhắc tới một thời điểm mà đi tới hàng cắt tóc gội đầu nào chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những tấm bảng kiểu tóc mẫu của Thái Lan. Khách hàng thường theo mấy cái mẫu ấy mà yêu cầu thợ tạo kiểu cho mình. Trào lưu cắt tóc Thái Lan này còn tồn tại mãi cho tới cuối thập niên 90.
Chuyện làm đẹp thời bao cấp lắm gian nan, ấy thế mà bất cứ ai khi nhắc lại cũng phải tủm tỉm cười. Điều đó chứng minh rằng những kỷ niệm như thế dù trong thiếu thốn nhưng đã và mãi luôn là những ký ức đẹp.