Mỹ Lệ: Tôi học mẹ Hổ dạy con
Mỹ Lệ ví cách dạy con của mình như cách của bà mẹ Hổ.
Nhưng những điều chị bắt con học chỉ để trang bị cho tương lai của con chứ không phải để khỏi thua kém… con người ta.
Mỹ Lệ trò chuyện cùng chúng tôi về việc dạy dỗ hai bé Misu và Misa cùng những niềm vui giản dị trong cuộc sống hiện tại của chị.
- Sinh nhật chị đúng vào Ngày quốc tế thiếu nhi, vậy có gì đặc biệt dành cho chị và các con trong ngày đặc biệt này không?
Sinh nhật tôi cũng là Ngày quốc tế thiếu nhi nên chủ yếu cả nhà tôi dành ngày đó cho con. Bây giờ, tôi cũng không còn ở tuổi quan niệm sinh nhật thì phải tiệc tùng hay xem đây là dịp để thể hiện mình nữa.
May mắn là sinh nhật tôi năm nào cũng luôn có một vài khán giả yêu quý nhắn tin, gọi điện chúc mừng… Tôi vui vì những điều giản dị như thế thôi!
Một bữa tiệc sinh nhật bên ông xã và con cái làm tôi cảm thấy ấm cúng hơn. Nhìn lại nhiều khi tôi thấy chuyện tổ chức sinh nhật rình rang với người hâm mộ, với hoạt động này nọ… như tôi từng làm ngày trước chỉ mang tính hình thức.
Tôi không chuộng hình thức lắm nên nhanh chán. Trong cuộc sống cũng thế, cái gì tôi không thích sẽ rất khó bắt tay vào làm.
- Khi có gia đình, con cái luôn là niềm hạnh phúc, là sự hãnh diện nên không ít ông bố bà mẹ hay đem con cái ra khoe hoặc so kè với nhau trong những dịp gặp gỡ. Chị có từng so sánh hoặc lâm vào cảnh con mình bị đem ra so sánh?
Ngày xưa với những người bạn rất thân thì ngày nào tôi cũng gặp, nhưng từ khi có con, thời gian cho bạn bè cũng không còn nhiều.
Quỹ thời gian của tôi hạn hẹp nên tôi không dành thời gian để bù khú hay ra đường thu thập thông tin con cái bạn bè theo kiểu sát sao chuyện nhà người ta. Tôi vẫn quan tâm đến bạn bè nhưng không phải suốt ngày chăm chăm lo con bạn hơn con mình. Công việc mỗi ngày và việc chăm con đã ngốn hết thời gian của tôi rồi.
Mỗi năm, gia đình tôi chỉ tham gia vài dịp thôi nôi, sinh nhật con cái của người thân hay bạn bè thân mật. Tôi xem đây là dịp để các con mình được giao lưu, gặp gỡ bạn bè, họ hàng.
May thay, trong những dịp đó, con cái tôi chưa gặp phải chuyện bị so sánh như thế… Tôi nghĩ mỗi đứa trẻ sẽ phát triển theo con đường riêng. Chuyện so kè giữa các bậc cha mẹ chẳng những không hiệu quả mà còn làm tổn thương chính con mình. Như vậy thì đau lòng lắm!
- Thường thì trong những dịp tụ tập đông trẻ con, không ít ông bố, bà mẹ thích đem con mình ra trổ tài, như ép con đàn biểu diễn hay đọc thơ, múa hát... để bố mẹ nở mặt nở mày. Ngay cả chuyện học hành hằng ngày họ cũng “chạy đua” để con không thua kém ai. Dường như các bậc phụ huynh sợ thua kém nhau thì đúng hơn?
Tôi lập gia đình muộn nên các bạn của tôi có con cái lớn hơn nhiều, không ai còn con bằng lứa với hai bé nhà tôi để so sánh như thế. Nhưng tôi biết chuyện so sánh con cái hay ép con học để không thua kém bạn bè là có thật và rất thường gặp.
Tôi rất nghiêm khắc trong việc dạy dỗ con cái, bắt buộc con cái học nhiều thứ: có thể nói tôi thuộc trường phái… “bà mẹ Hổ” (bà Amy Chua – Giáo sư khoa Luật, Đại học Yale, Mỹ. Bà là người Mỹ gốc Hoa, nổi tiếng với cuốn sách “Chiến trường ca của bà mẹ Hổ” đề cập tới phương pháp giáo dục con theo tinh thần của người Hoa mà cha mẹ bà đã dạy bà).
Con tôi học hành với chế độ nghiêm khắc, tự lập từ nhỏ nhưng điều này không bắt nguồn từ sự ganh đua con người ta thế này, con mình phải thế kia mà xuất phát từ việc muốn con có khả năng tự tạo dựng tương lai cho mình.
Chẳng hạn tôi cho hai bé học đàn không phải để mong các bé biểu diễn cho mát mặt ba mẹ hay kỳ vọng các bé sẽ trở thành nghệ sĩ mà để các cháu có thêm một kỹ năng sau này…
Tôi xin nói cụ thể, việc phụ huynh thấy con người ta học đàn mà bắt con mình học đàn có điểm tốt nhưng cũng có điểm không tốt. Không tốt nếu sự ép buộc đó nhằm thỏa mãn nhu cầu bằng bạn bè của bố mẹ.
Và không tốt nếu con cái mình không có năng khiếu mà vẫn ép. Nhưng tôi nghĩ rằng cho con học với mong muốn con sẽ học được điều tốt, con có khả năng cảm thụ âm nhạc là điều nên làm.
Không chỉ âm nhạc, nếu phụ huynh có điều kiện cho con cái được tiếp xúc với các bộ môn nghệ thuật khác từ nhỏ thì bé sẽ phát triển trí não rất nhanh. Bởi dù con cái bạn sau này làm nghề gì, khả năng cảm thụ âm nhạc, nghệ thuật tốt sẽ hỗ trợ cho những trải nghiệm sống của chúng, làm giàu tâm hồn chúng.
- Nhưng các bé ở lứa tuổi hiếu động ít có khả năng tự học, nên không thể không ép?
Bé út của tôi ngồi vào đàn thì học rất nhanh nhưng cháu lười. Vì thế không thể không ép cháu. Thế nhưng tôi “ép” con trong sự khuyến khích và đích thân tôi ngồi dạy cho con, phân tích cho con rằng học như vậy được gì chứ không phải “ép” con học để… hơn bạn.
Như trong gia đình tôi, chỉ có một mình tôi theo nghệ thuật nhưng từ nhỏ mấy chị em tôi đều được học nhạc. Hồi đó, cho chúng tôi học nhạc, cha mẹ tôi quan niệm rằng sau này lớn lên, ai có năng khiếu thì theo còn không có thì thôi, nhưng ai cũng nên học để biết nhạc.
- Nếu một người bạn nói trước mặt con chị rằng bé kém thông minh hơn con họ, anh chị sẽ giúp bé ứng phó như thế nào?
Tôi chưa gặp trường hợp như thế này. Có thể điều này sẽ xảy ra với con tôi và tôi sẽ phải học cách xử lý từng trường hợp trong quá trình rèn luyện kỹ năng làm mẹ mà thôi!
Hiện bé Misa nhà tôi đi học về thường kể chuyện trên lớp. Bé cũng hay kể chuyện kiểu như bạn A ở trong lớp không làm toán được, còn con làm được…; tức khi thấy kết quả học tập của bạn mình không bằng mình, cháu rất hãnh diện.
Những lần như thế, tôi đã dạy con không dè bỉu bạn kém hơn mình nhưng cũng không nên can ngăn sự tự hào của cháu, có điều nên tự hào có chừng mực, đừng để thành tự mãn. Trẻ con giờ rất khôn vì thế nên hướng cho cháu cư xử với bạn như thế nào.
Tôi vừa phải là người bạn của con để chia sẻ, tâm sự với con nhưng cũng đóng luôn vai trò là mẹ, là cô để khuyên can, chỉ bảo kịp thời các bé…
Cảm ơn chị!
Mẹ tham gia trò chơi, rinh quà về cho bé!
Phần thưởng của tuần này là một combor, gồm:
- 01 bỉm Tom và Jerry - 02 Thẻ mua hàng của Shop Trẻ Thơ trị giá 50 nghìn - 01 album ảnh vải cho bé - Đồ chơi Farlin |