Muốn làm "bố trẻ con" thì phải học hết những bài học cơ bản này đã nhé các ông chồng
Các mẹ nhớ hướng dẫn bố những bài học này để bố chăm sóc bé yêu thật tốt nhé.
Ngày biết mình sắp có “hậu duệ” luôn mang đến những cảm xúc khó tả trong lòng mỗi bố mẹ. Đó là sự xen lẫn giữa sự hồi hộp, hạnh phúc, lẫn lo lắng không biết mình có hoàn thành sứ mệnh cao cả này hay không. Điều này đặc biệt đúng với các ông bố bởi họ không biết bàn tay mình có làm con đau không, những điều mình biết có thể giúp vợ chăm sóc con hay không…
Chính vì thế, trước khi đón con cưng chào đời, các ông bố nên bỏ túi những bài học cơ bản này trong việc chăm sóc con cái, để có thể đỡ đần vợ được nhiều hơn nhé.
Vì sao con khóc
Có rất nhiều lý do khiến bé khóc (Ảnh: Internet)
Đây là điều khiến các ông bố luôn bối rối và hoang mang. Cảm giác xót ruột cùng với lo lắng không biết con bị gì luôn khiến bố khó chịu. Tuy nhiên, mỗi khi con khóc, bố hãy thử kiểm tra xem bỉm con có ướt không, con có “làm xấu” không, khăn quấn có quá chặt, con nóng hay lạnh, con đói hay đơn giản con chỉ giật mình và cần vòng tay vỗ về, ôm ấp của bố mẹ. Chỉ cần “giải mã” từ từ thì mọi bố sẽ hiểu được con đang muốn nói gì với mình thôi mà. Bố yên tâm nhé.
Quấn khăn cho con như thế nào là chuẩn?
Trẻ sơ sinh luôn được quấn trong những tấm khăn ấm áp và mềm mại, giúp bé cảm nhận được sự an toàn như lúc còn trong bụng mẹ. Vốn tỉ mỉ và khéo léo nên việc quấn khăn cho bé không khó khăn mấy với các bà mẹ, nhưng những ông bố thì không được như thế. Sẽ không tránh khỏi sự lóng ngóng, vụng về, tuột bên này, chặt bên kia.
Trẻ sơ sinh luôn được quấn trong những tấm khăn ấm áp và mềm mại, giúp bé cảm nhận được sự an toàn như lúc còn trong bụng mẹ (Ảnh: Internet)
Thế nên các ông bố, hãy cùng tham gia lớp học tiền sản với vợ để nắm được những bước cơ bản trong việc này. Hoặc đơn giản nhất, bạn có thể nhờ vợ hoặc mẹ mình hướng dẫn bởi họ luôn là những người dày dạn kinh nghiệm mà.
Vệ sinh cho con khi thay bỉm thế nào là sạch?
Công việc này cũng rất đơn giản, chẳng khó nhằn như bạn vẫn nghĩ đâu. Bố nên lưu ý thay bỉm cho bé thường xuyên bởi nếu để quá lâu, vi khuẩn sẽ phát triển khiến bé bị hăm, gây đau đớn, khó chịu.
(Ảnh: Internet)
Khi thay, nếu là bé trai, bố nên dùng tấm khăn phủ lên trên “vòi phun di động” của con tránh trường hợp “vòi” bất ngờ hoạt động. Dùng khăn mềm lau sạch vùng kín của con, nhớ là lau nhẹ nhàng thôi nhé vì làn da con rất mỏng manh. Nếu là bé gái, bố nên lau bẹn, vùng kín, lau từ trước ra sau để phân không lan đến vùng kín. Nên dùng khăn mềm hoặc bông gòn thấm nước ấm để lau cho bé.
Pha sữa cho con bú như thế nào
Nếu bé bú sữa mẹ được vắt trữ đông, bố cần phải rã đông sữa mẹ đó bằng cách đưa từ ngăn đông qua ngăn mát tủ lạnh. Khi đá đã tan hết, bạn đổ sữa vào bình rồi đặt vào ly nước ấm (khoảng 70 độ) trong trường hợp bạn không có máy hâm sữa. Thỉnh thoảng, bạn có thể lấy bình sữa ra rồi kiểm tra xem nhiệt độ đã phù hợp chưa.
Nếu bé bú sữa công thức, bạn cho nước ấm nóng vào bình (khoảng 70 độ), sau đó cho sữa vào. Lượng sữa cho vào phải tuân theo quy định trên hộp, không quá nhiều hay quá ít, dùng muỗng có sẵn trong hộp để định lượng. Tránh cho thêm đường hay ngũ cốc vào.
Lưu ý rằng trước mỗi lần pha sữa bạn phải tiệt trùng bình thật kỹ bằng cách trụng trong nước sôi hoặc dùng máy tiệt trùng chuyên dụng, đồng thời phải rửa tay sạch.
Tuyệt đối không dùng lò vi sóng để làm nóng sữa cho bé. Sữa còn thừa nếu đã hơn một giờ phải được đổ bỏ ngay, dù đã được để trong tủ lạnh bởi vi khuẩn đã có thể sinh sôi nảy nở trong sữa rồi. Dù rất tiếc nhưng bố phải thẳng tay đổ bỏ đi nhé.
(Nguồn: Tổng hợp)