Một số hiện tượng ở trẻ sơ sinh nhìn bất thường nhưng thực ra hoàn toàn bình thường
Không giống như tưởng tượng của các mẹ về một em bé xinh xắn như thiên thần, khi vừa lọt lòng, trẻ sơ sinh có thể có những hiện tượng khiến cha mẹ hốt hoảng lo lắng.
Một em bé sơ sinh thực thụ trông không giống hình mẫu trẻ sơ sinh được mô tả. Đó không phải là một con người tí hon biết cười, biết phối hợp tốt giữa các cơ quan. Mỗi em bé cũng sẽ có cân nặng và chiều dài cơ thể khác nhau. Một số đặc điểm ngoại hình của em bé mới sinh được liệt kê dưới đây có thể làm bạn ngạc nhiên.
1. Cuống rốn của bé sơ sinh có thể đổi màu
Hãy bắt đầu từ cuống rốn của trẻ. Đây là phần còn lại sau khi dây rốn được cắt. Bác sĩ dùng một chiếc kẹp ở vị trí cuống rốn để ngăn ngừa tình trạng em bé chảy máu qua cuống rốn. Đôi khi cuống rốn có thể đổi màu do tác động của thuốc kháng sinh. Khi đó, nó có thể có màu tím hoặc xanh. Kẹp rốn thường được tháo ra khi bé xuất viện về nhà hoặc đến ngày thứ hai nếu bạn sinh con tại nhà hoặc sinh tại trung tâm.
2. Trẻ sinh ra với lớp sáp trắng bao phủ cơ thể
Vernix là một chất giống như phô mai bao phủ làn da của mọi bé sơ sinh, ngay cả khi bạn không nhìn thấy nó khi sinh. Lớp sáp Vernix giúp bảo vệ da bé khỏi tác động của nước ối và sẽ dần biến mất theo thời gian sinh. Em bé của bạn được sinh ra càng sớm, ở giai đoạn sinh non hay sinh non muộn, bạn sẽ càng thấy nhiều lớp sáp. Những vị trí cuối cùng có thể tìm thấy sáp vernix thường là ở các nếp gấp da như nách hoặc trong vành tai.
3. Vết cò mổ và nụ hôn thiên thần (Stork bites and angel kisses)
Vết cò mổ và nụ hôn thiên thần là thuật ngữ chỉ những đốm màu đỏ trên da trẻ sơ sinh. Chúng còn được gọi là bớt đốm cá hồi (hay nevus simplex). Nụ hôn thiên thần thường được tìm thấy trên trán hoặc trên mí mắt, còn vết cò mổ thường xuất hiện sau gáy em bé. Một số phụ huynh cảm thấy rất phiền lòng vì sự hiện diện của những vết cò mổ và nụ hôn thiên thần trên da con mình. Nhưng chúng thường mờ dần theo thời gian, mặc dù đôi khi vùng da đó có thể đỏ ửng lên nếu người đó gặp phải điều gì phiền muộn.
4. Em bé sơ sinh với đôi bàn tay màu xanh
Trẻ sơ sinh thường có bàn tay và bàn chân màu xanh, được gọi là chứng xanh tím ngoại biên (acrocyanosis). Sắc xanh này là kết quả của việc giảm lưu lượng máu đến khu vực đó của cơ thể. Bàn tay và bàn chân màu xanh ở trẻ sơ sinh không phải là vấn đề đáng lo ngại.
5. Đầu bé sơ sinh bị móp
Đúc khuôn - Molding là thuật ngữ được sử dụng để mô tả hiện tượng quan sát được ở trẻ sơ sinh ngay sau khi chào đời: đầu bé hơi biến dạng. Khi di chuyển xuống khung chậu, hộp sọ thai nhi sẽ thực sự biến đổi hình dạng của mình để qua lọt đường sinh. Các tấm xương trong đầu em bé trượt lần lượt lên nhau. Tình trạng đầu bé bị móp sẽ tự hết trong vòng 1 - 2 ngày sau sinh.
6. Lông tơ của bé sơ sinh
Lanugo là những sợi lông đầu tiên được sản xuất bởi nang lông của bé. Chúng rất mềm mại và xuất hiện vào tuần 19 thai kỳ rồi rụng đi trước khi bé chào đời. Lúc sinh bé, đôi khi bạn có thể thấy một số vị trí trên cơ thể con vẫn còn lông tơ như trên khuôn mặt, gần tóc mai hoặc tai. Bạn cũng có thể phát hiện lông tơ ở lưng và phần mông trên của con.
7. Đôi mắt sưng húp
Sau khi bé chào đời, bạn có thể nhận thấy đôi mắt con sưng húp lên. Đây là hiện tượng điển hình của việc chuyển dạ và sinh nở. Áp lực lên mặt em bé gây ra hiện tượng sưng phù, sau đó sẽ giảm đi khá nhanh.
Với một số trẻ sơ sinh, mạch máu nhỏ thực sự có thể bị vỡ trong lòng trắng mắt và theo thời gian, chúng sẽ trở lại bình thường. Hầu hết các bé sẽ được nhỏ thuốc mỡ kháng sinh vào mắt khi gần tới thời điểm sinh. Điều này có thể để lại một chất giống như gel trong mắt trẻ. Mục đích là ngăn ngừa nhiễm trùng trong mắt bé.
8. U máu đầu - Cephalhematoma
Đây là hiện tượng mà bạn có thể nhìn thấy máu tích tụ lại ở phía dưới màng xương của bé (màng xương là một màng che chắn, giúp bảo vệ hộp sọ của bé). Một vài giờ sau sinh, bạn có thể sẽ nhận thấy hiện tượng này xuất hiện trên đầu của trẻ. Tỷ lệ xảy ra u máu đầu là từ 0,2 đến 2,5% trong tất cả các ca sinh nở nhưng phổ biến hơn sau các ca sinh sử dụng kẹp forcep hoặc hút chân không hay mẹ bầu có thời gian đau đẻ dài.
Trong đa số các trường hợp, đây là tình trạng không gây nguy hiểm và sẽ giảm đi sau một vài tuần hoặc một vài tháng. Máu tụ sẽ được hấp thu ngược lại vào cơ thể, và khiến khối u máu biến mất.
Bác sĩ nhi khoa có thể yêu cầu tiến hành siêu âm cũng như các loại xét nghiệm khác dựa trên kích thước và các đặc điểm của vị trí u máu đầu. Như vậy sẽ giúp loại trừ các biến chứng khác như gãy xương sọ.
Nguồn: Family