Mỗi khi bé khóc, hãy ôm con ngay vì những lý do này
Không ít mẹ lo sợ rằng việc ôm ấp, vỗ về con bất cứ khi nào con khóc sẽ khiến trẻ làm nũng và thêm nhõng nhẽo. Sự thật không phải như vậy!
Khóc chính là một cách để thể hiện những nhu cầu về tâm lý và thể chất mà bé muốn cha mẹ đáp ứng. Tuy nhiên, có nhiều bố mẹ lại nghĩ rằng trẻ đang làm nũng và có những đòi hỏi thái quá, nên nhiều khi cứ bỏ mặc, để trẻ khóc chán rồi sẽ tự nín. Nhưng thật ra điều này không hề tốt, việc dỗ dành và ôm bé lên khi con khóc mới đem đến những lợi ích cực kì tốt cho tâm lý của trẻ và có tác dụng để trẻ nín nhanh hơn.
Biết được nguyên nhân thật sự trẻ khóc vì vấn đề gì
Tiếng khóc của trẻ có thể xuất phát từ những lý do tâm lý như muốn được bế hay chán nản, nhưng cũng thường xuyên là do những nhu cầu về thể chất, chính vì vậy, chỉ khi bế trẻ lên thì bố mẹ mới xác định được nguyên nhân thật sự của việc khó chịu về thể chất là gì.
Qua quan sát bạn có thể nhìn thấy rõ những thay đổi trên cơ thể trẻ như phát ban hay việc kiểm tra xem trẻ có bị sốt hay không, và nhiều khi bế trẻ lên sẽ làm chúng thay đổi tư thế ngồi hoặc nằm cũng đủ để bé thoải mái và không khóc nữa.
Tiếp xúc thân thể giúp trẻ thư giãn
Đứa trẻ có thể khóc vì nhiều lý do mà bản thân bố mẹ không thể nào có thể biết chính xác, bạn cố gắng tìm mọi cách để dỗ trẻ khóc mà không hiệu quả thì hãy áp dụng mẹo này. Bế con áp vào lồng ngực của bố mẹ, điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy gần gũi, an tâm hơn.
Khi trẻ khóc hãy áp sát trẻ vào người của bố mẹ (Ảnh minh họa).
Khi được bố mẹ ôm chặt vào ngực, đứa nhỏ có thể cảm nhận được cơ bắp, nhịp tim và nhiệt độ cơ thể của bố mẹ và từ từ điều chỉnh cơ thể mình để đồng điệu với bố mẹ. Thông qua cách này thì bố mẹ sẽ truyền cho em bé tình trạng thư giãn, bình tĩnh.
Trẻ cảm thấy được bảo vệ
Khi trẻ được bố mẹ ôm ấp vỗ về sẽ khiến bé cảm thấy an tâm và được bảo vệ hơn (Ảnh minh họa).
Bố mẹ có thể nghe thấy tiếng khóc của một đứa nhỏ từ khoảng cách rất xa, nhưng đứa nhỏ lại nghĩ rằng, bố mẹ không biết trẻ khóc, trẻ nghĩ là ngoài tầm nhìn tức là ngoài sự quan tâm.
Chính vì vậy, nếu bạn chỉ ở gần bé với suy nghĩ điều đó sẽ có thể giúp trẻ bình tâm mà không ôm bé lên thì rất có thể bé không thể nhìn thấy bạn và vẫn sẽ tiếp tục khóc.
Tiếng khóc ấy dữ dội đến mức làm lu mờ đi suy nghĩ của trẻ. Đó là lý do tại sao, việc ôm bé, thông qua sự tiếp xúc ngay lập tức sẽ truyền cho bé cảm giác an toàn và được bảo vệ.
Gắn kết tình cảm bố mẹ với con
Các nghiên cứu tâm lý khẳng định rằng, tình yêu thương của cha mẹ với con cái sẽ được vun đắp qua quá trình chăm sóc. Ví dụ như bạn tắm cho con, cho con ăn hoặc trẻ nằm trong lòng để nghe mẹ đọc chuyện.
Nên bảo đảm rằng trẻ sẽ được chăm sóc chu đáo cả ngày và đêm. Nếu ban ngày trẻ được đáp ứng và giải quyết mọi nhu cầu nhưng còn ban đêm thì không, chắc chắn cũng sẽ mang đến những sang chấn tâm lý không tốt. Vì vậy, tốt nhất bố mẹ nên bế trẻ ngay lên khi bé vừa khóc vào ban đêm.
Nguồn: Youngparent