Mình cùng dạy con

Theo PNO,
Chia sẻ

Vợ chồng tôi yêu nhau và yêu con. Những tưởng với tình yêu ấy, chẳng có chuyện gì mà chẳng thể vượt qua. Nhưng hóa ra nó phức tạp hơn so với tôi tưởng nhiều.

Sống với nhau sáu năm, con trai lên bốn tuổi, tôi mới thấy điều không dễ vượt qua đầu tiên chính là sự thể hiện tình yêu ấy của mỗi người.
 
Tôi lớn lên trong gia đình đông con, là anh trai đầu, tôi được bố mẹ nuôi dạy theo kiểu “thương cho roi cho vọt” và “để làm gương cho mấy đứa em”. Tuổi thơ với những trận đòn bầm dập, với những lần chịu trận vì lỗi của mấy đứa em đã khiến tôi tự hứa với mình sẽ không bao giờ cầm ngọn roi với con cái. Vợ tôi thì khác, nàng muốn con phải tự lập, phải mạnh mẽ từ nhỏ. Nhớ năm con trai của tôi mới ba tuổi, đi lẫm chẫm ngã oạch giữa nhà, định nằm luôn đấy khóc, nàng bắt thằng bé đứng dậy cho bằng được, khoanh tay… xin lỗi cái nền nhà! Biết nàng làm vậy để con chừa cái tật khóc nhè, làm nũng, nhưng nhìn hình ảnh vợ cầm cây roi, tôi không chịu được. Thế là cãi nhau!
Ảnh chỉ mang tính minh họa - Ảnh: SS
 
Sáng dậy đi mẫu giáo, thằng bé phụng phịu trước ly sữa, mẹ nó hết quát nạt, đe dọa rồi đến dỗ dành, thằng bé trợn mắt uống cho hết ly, nhưng tôi biết khi con đến trường sẽ không ăn sáng được vì no. Vậy mà tôi mới mở miệng “Thôi em!” là nàng đã hét “Thôi thôi cái gì! Con người ta mập ù, con mình bằng chuột nhắt. Không chịu uống sữa sao mà cao được!”. Mấy lần vậy, tôi tức mình: “Hồi xưa anh có uống sữa đâu, giờ cũng cao hơn em đó thôi!”. Thế là cuộc chiến mở thêm mặt trận mới, căng thẳng đến mức: “Con tôi tôi dạy. Dạy như anh rồi thì ra người cũng như anh mà thôi!”. Đến đây thì tôi chào thua vợ!
 
Thằng bé khai thác rất nhanh khe hở giữa hai vợ chồng. Mẹ mắng nó, nó chạy ngay đến ba. Ba la rầy, nó cãi lý: “Mẹ cho con làm vậy mà!”. Trước ly sữa sáng, dù đấy là loại sữa ngon nhất, có “tăng trưởng chiều cao” mà vợ chồng chắt chiu dành tiền mua cho con, nó nhất định không uống, ngồi khóc lè nhè, mắt cầu cứu nhìn hết ba rồi đến mẹ. Vợ vừa dọn xong thùng đồ chơi xe cộ, thằng con đã đổ ào hộp đồ chơi lắp ráp ra tung tóe khắp nhà, rồi lại ói lên đám đồ chơi đó nữa! Vợ giận quá, vừa dọn vừa mắng: “Cả cha cả con, tối ngày bày ra đầy nhà đầy cửa. Ai mà làm con ở mãi!”. Tôi cũng nổi nóng: “Ai bày? Ai làm con ở?”. Thế là bao nhiêu chuyện vớ hôi nhét trong giày, đồ lót vo cục nhét trong túi quần bỏ vô máy giặt, khăn tắm bốc mùi đen thui một mảng, áo trắng bỏ giặt lẫn với quần tây đen… được vợ lôi ra bằng hết. Tôi im vì biết mình thua, nhưng thằng con trai năm tuổi hôm sau đi học về bộ đồ dơ để nguyên trong ba lô, mẹ la thì tỉnh bơ: “Con quên mà mẹ!”.
 

Thấy tình hình không ổn, vợ chồng tôi quyết định bàn lại cách dạy con. Dù có bất đồng ý kiến, dù có tức giận cỡ nào đi nữa, chúng tôi dặn mình không cãi nhau trước mặt con. Khi có con, ý kiến của ba mẹ là thống nhất. Chuyện con uống sữa, con xem tivi, con bày bừa đồ chơi khắp nhà… được xác định đúng là chuyện trẻ con. Không biến những chuyện nhỏ thành đối đầu quan điểm, cũng không mở rộng đến tính cách, quá khứ, diện mạo hay đặc điểm của những người khác trong gia đình, không mở rộng phạm vi để lửa nhỏ lan thành đám cháy lớn. Nguy hiểm hơn, đem những câu chuyện về thói hư tật xấu của người thân ra “tố giác” trước mặt trẻ, dễ làm cho trẻ nhiễm thói quen coi thường người khác.

Con ngày một lớn, tính cách của cha mẹ cũng được nắn lại dần. Cùng dạy con không phải là mạnh ai cứ dạy theo cách người ấy muốn. Cùng dạy con là cùng chia sẻ hình ảnh tương lai của con, khi thống nhất hình ảnh ấy rồi, hai người cùng phối hợp, nâng đỡ, uốn nắn dìu dắt con, sao cho trẻ lớn lên trong yêu thương hòa thuận, chứ không phải trong sự tranh cãi, mâu thuẫn, cho dù đó có là những mâu thuẫn xuất phát từ lòng yêu thương.
 
 


 
Nhanh tay khoe những bức ảnh cưới tuyệt đẹp và hạnh phúc ngọt ngào của bạn được chụp tại khắp các vùng miền tại www.anhcuoi.afamily.vn. Xem hướng dẫn chi tiết về thể lệ cuộc thicách up hình tại đây. Bật mí: giải thưởng cực hot đấy nhé!

Chia sẻ