Mẹ Việt ở Nhật dạy con lớp 2 đã tự nấu cơm hộp mang đi mỗi ngày: Bí quyết là làm một người mẹ lười
Từ nhỏ, hai con gái của chị Nguyễn Quỳnh Hoa đã được dạy làm quen với các dụng cụ bếp. Đến 2 tuổi, các bé biết rửa bát của mình sau bữa ăn, 6 tuổi bắt đầu tự nấu cơm mỗi ngày.
Dạy con biết nấu cơm từ 6 tuổi, tự lập hoàn toàn dù sống cùng bố mẹ
Mùa hè là mùa của những chuyến đi, khiến trái tim chúng ta rung lên những nhịp yêu đời. Thế nên, mỗi mùa hạ về, vợ chồng chị Nguyễn Quỳnh Hoa (36 tuổi, hiện đang sống ở Nhật Bản) cùng hai cô con gái lại bắt đầu những cuộc phiêu lưu, những ngày rong chơi vô tư.
Đôi vợ chồng Việt ở Nhật có hai cô con gái; bé lớn 9 tuổi và bé gái nhỏ 7 tuổi. Hai bé sinh ra ở Việt Nam, sau đó sang Nhật định cư cùng bố mẹ. Hiện gia đình nhỏ đã có 7 năm gắn bó với đất nước mặt trời mọc.
Vốn là một biên tập viên sáng tạo nội dung, làm việc tự do nên chị Quỳnh Hoa có thể chủ động thời gian.
Những ngày này, vợ chồng chị Quỳnh Hoa bận rộn chuẩn bị cho chuyến cắm trại mùa hè của cả nhà. Được biết, hai cô con gái của chị Hoa cực kỳ say mê đi cắm trại, dã ngoại cùng bố mẹ. Vợ chồng chị cũng yêu thích cuộc sống hòa cùng thiên nhiên để cảm nhận được hơi thở của núi rừng.
Chị Quỳnh Hoa cho hay, những chuyến đi khiến chị nhận ra các con trưởng thành nhiều hơn mình tưởng.
"Các con mình có thể chịu được mọi thứ khó chịu, thiếu thốn trong những chuyến đi. Nhìn lại chúng sau mỗi mùa hạ đi qua, mình nhận ra lũ trẻ lớn lên như nấm sau mưa và đổi thay từng ngày, còn mình nếu không bắt kịp sẽ bỏ lỡ chúng mất.
Chúng mình muốn tranh thủ khi tụi nhỏ còn "bé bỏng" có thể tận hưởng cùng nhau những khoảnh khắc tuổi thơ diệu kỳ", bà mẹ 2 con tâm sự.
Gia đình nhỏ quây quần bên nhau trong mỗi chuyến picnic
Bà mẹ 2 con khiến nhiều người trầm trồ khi cho biết, trước mỗi chuyến đi, hai cô con gái nhỏ chính là người lên kế hoạch mua thực phẩm, chuẩn bị những đồ dùng cần thiết.
Trong suốt hành trình, hai con là đầu bếp chính cho những bữa ăn tại điểm dã ngoại của cả nhà. Hai bé sử dụng thành thạo dụng cụ bếp, cũng như được trang bị kỹ năng sinh tồn, kỹ năng mềm cực kỳ thành thạo.
"Tuần trước, chúng mình đến quận Gunma vào một ngày mưa gió, thời tiết bất lợi khiến nhiều người phải quay về vì không dựng được lều trại. Trong cơn mưa tầm tã cùng gió to, chúng mình vẫn quyết định mặc áo mưa, cùng nhau dựng đồ. Mãi đến 7 giờ tối, gió mới bớt mạnh để nhóm lửa nấu cơm.
Nếu là trước đây, tụi trẻ sẽ nhõng nhẽo kêu gào vì đói lạnh, nhưng trải qua những chuyến đi, chúng đã vững vàng, cứng cáp hơn nhiều lắm.
Hai con mặc áo mưa cùng nhau đi lấy nước về nấu cơm. Về tới lều, cô chị tất tả vo gạo, cô em nhặt rau, hai đứa cùng chẻ củi, nhóm lửa.
Bữa cơm tối đến tận 8 rưỡi mới xong xuôi. Một bát canh rau muống luộc dầm sấu, một đĩa trứng rán, vài con cá trứng nướng, nồi cơm đun củi có cháy, cùng muối vừng thơm phức.
Bên bếp lửa hồng sau khi đã no nê, bọn trẻ đọc truyện cổ tích rồi lim dim mơ màng chìm vào giấc ngủ, bên ngoài những giọt mưa tí tách rơi. Ai nói rằng, một túp lều không thể tạo ra hạnh phúc?" – Chị Quỳnh Hoa kể.
Hai con gái của chị Hoa có kỹ năng dựng trại thuần thục
Bà mẹ hai con cho hay, cô con gái út của chị hiện đang học lớp 3 ở Nhật và con bắt đầu tự nấu bữa sáng, chuẩn bị cơm hộp đem theo cho mình từ năm ngoái. Từ nhỏ, cả hai bé thường loanh quanh cùng mẹ trong bếp và được mẹ dạy làm quen với các dụng cụ bếp. 2 tuổi, các bé biết rửa bát của mình sau khi ăn, 5 tuổi bắt đầu biết nấu cơm.
Chị cũng dạy con cách sống gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ. Hướng dẫn các bé sử dụng tiền, biết cách chi tiêu từ khi mới 4 – 5 tuổi.
Bí quyết dạy con tự lập hoàn toàn từ nhỏ: Hãy là một bà mẹ lười!
Bên cạnh việc học kiến thức trên trường lớp, vợ chồng chị Quỳnh Hoa chú trọng trang bị kỹ năng mềm cho các con. Họ cho rằng, việc xây dựng những kỹ năng mềm cần thiết, rèn luyện tính tự lập đóng vai trò vô cùng quan trọng quá trình phát triển của các bé.
Để có những chuyến đi mùa hè tuyệt vời, hai con của chị Quỳnh Hoa cũng phải nỗ lực như bố mẹ. Họ áp dụng triệt để tinh thần 5s - Seiri (Sàng lọc), Seiton (Sắp xếp), Seiso (Sạch sẽ), Seiketsu (Săn sóc), và Shitsuke (Sẵn sàng).
Bà mẹ hai con kể: "Vợ chồng mình tin tưởng vào khả năng sắp xếp của con, cho con quyền lên kế hoạch, lắng nghe nguyện vọng của con, đề cao tinh thần chịu trách nhiệm và kỷ luật trong sự tự do.
Trước mỗi chuyến đi vào cuối tuần, các bé đi học về sẽ giặt, phơi quần áo cá nhân, xếp đồ dùng học tập, làm bài tập, dọn dẹp nhà cửa đâu ra đấy. Buổi tối thì cùng mẹ sơ chế thực phẩm cho hôm sau đi cắm trại.
Ngày thứ sáu, chúng mình sẽ kiểm tra lại danh sách công việc phải làm trong tuần, hoàn thành hết việc nhà mới sẵn sàng cho chuyến đi cuối tuần. Tất cả phải hoàn thiện để chiều Chủ nhật trở về, mọi thứ không bị ôm đồm, lũ trẻ có thể sẵn sàng cho ngày thứ Hai đến trường.
Có những khi cả nhà đi liên tục, hai đứa trẻ vẫn không quên nhiệm vụ học. Chúng đem sách vở đến nơi cắm trại. Chơi mà học, học mà chơi chính là thế. Không cần bắt ép, không cần nhắc nhở, chính việc tôn trọng và tạo thói quen học ở mọi nơi cho con đã giúp mình trở thành một người mẹ thảnh thơi."
Đó cũng chính là "bí quyết" dạy con tự lập mà mẹ Việt ở Nhật bật mí đến các ông bố, bà mẹ: Hãy là một người mẹ lười!
Chị Quỳnh Hoa tự nhận mình là một bà mẹ "lười". Bởi chị không ngồi vào bàn kèm con học hay kiểm tra bài vở của con mỗi ngày. Hai bé nhà chị không học thêm ở trường lớp nào. Mỗi ngày các con tự đi học, tự ăn uống, chuẩn bị đồ đến trường, đi học về tự vệ sinh cá nhân rồi tự ngồi vào bàn học.
Chị không đánh giá, phán xét việc con học ít hay nhiều và không cáu giận chuyện con đi học mà nhận kết quả tệ. Điều bà mẹ hai con quan tâm là ngày hôm đó, con đi học có vui hay không…
Tuy nhiên, chị lại chưa bao giờ ngại bày, ngại dọn cùng con, luôn là người mẹ lắng nghe, quan sát để hiểu mọi suy nghĩ của con trong cuộc sống hàng ngày.
Việc học và đọc sách song song trong những chuyến đi đã thành thói quen.
"Thật ra, chúng ta trước khi trở thành phụ huynh đều đã từng trải qua quãng thời gian khó khăn của việc đi học. Điều chúng ta mong muốn có phải là những câu hò hét, quát tháo, thúc ép của bố mẹ mỗi ngày hay đôi khi sẽ là những lời tâm sự, hỏi han những vấn đề mà người lớn luôn cho là nhỏ bé và vụn vặt?
Tuổi nào cũng có những áp lực và khó khăn riêng cần giải quyết. Con trẻ cần cha mẹ là hai người bạn tin cậy nhất ở bên cạnh, đồng hành, định hướng cho chúng. Lúc còn sơ sinh, mình rèn con tự ngủ, 6 tháng tuổi bắt đầu tập ăn. 1 tuổi, con biết ngồi ngay ngắn trên bàn, sử dụng đũa thìa thành thạo, nhai nuốt gọn gàng.
2 tuổi, con biết rửa bát của mình sau khi ăn xong, biết vệ sinh cá nhân. 3 tuổi, con được dạy về cách liên lạc với gia đình, nhớ số nhà, dạy cách bảo vệ bản thân.
4 tuổi, mình dạy con cách sử dụng tiền, làm quen bằng việc đi chợ mua đồ cho mình. Mỗi tuần, mình đưa con 3 sen (600.000 đồng) để tự đi siêu thị mua đồ ăn.
Từ 6 tuổi, cả hai bé đã có thể tự chuẩn bị cơm hộp mang đi học và nấu những mâm cơm ngon lành, đẹp mắt cho cả gia đình."
Những mâm cơm thịnh soạn do hai đầu bếp nhí trổ tài tại nhà hay khi đi dã ngoại ngoài trời
Không có cây nào chỉ cần tưới nước một ngày sẽ ra hoa, kết trái. Một đứa trẻ hình thành được các phẩm chất, phát huy hết ưu điểm của mình cũng rất cần sự kiên nhẫn và niềm tin trọn vẹn của cha mẹ.
Kỹ năng mà chị Quỳnh Hoa dạy cho các con đều là những việc nhỏ trong cuộc sống, nhưng đó lại chính là bài học, kỹ năng quan trọng không thể thiếu trong bước đường tương lai.
Tự lập, vượt khó, biết cách đối diện và giải quyết khó khăn, rắc rối gặp phải trong cuộc sống. Hay đơn giản là biết nấu một bữa cơm để tự chăm sóc bản thân, sống gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ để không làm phiền ai bởi sự bừa bộn, cẩu thả của bản thân.
Đó đều là cách mà chị Quỳnh Hoa tạo thói quen cho các con, để các bé biết sống có trách nhiệm với gia đình, với mọi người.
Chị cũng dạy con thưởng thức cuộc sống, sống có mục đích, sống có ý nghĩa. Gia đình nhỏ mỗi năm lại chuyển đến một nơi ở mới, càng ngày càng xa tiện ích, lựa chọn cuộc sống đơn giản, gần gũi với thiên nhiên.
Chị Hoa chủ động không dùng các thiết bị vệ sinh điện tử, duy trì việc vệ sinh bằng tay để biết tiết kiệm và bảo vệ môi trường hơn.
Chị Quỳnh Hoa muốn để các con thấu hiểu rằng, mỗi thành viên trong gia đình đều có vai trò, trách nhiệm xây dựng và giữ gìn ngôi nhà mà chúng ta đang sống như nhau. Vì thế các con mỗi ngày khi tan học về đều tự giặt, phơi, gấp quần áo, lau dọn phòng và nấu cơm...
Của để dành cho con, với đôi vợ chồng Việt ở Nhật không phải là tài sản cả một đời vất vả tích luỹ, mà đó là giây phút cùng nhau tận hưởng những ngày tháng rong chơi vui vẻ, được về với thiên nhiên tươi đẹp, hay là góc bếp thơm mùi yêu thương mỗi ngày. "Tài sản" ấy còn là sự tự do, là tự lập, là hạnh phúc sống cuộc đời của chính mình.