Mẹ Việt ở Mỹ phải tiêm 35 mũi kích trứng, sinh đôi cực non khi thai mới 5 tháng và hành trình giúp con chống chọi tử thần

V.V.,
Chia sẻ

Khi đang mang thai 5 tháng, chị Leyna đã va chạm với một cái hố nhỏ trên đường. Sau đó chị bị đau thắt lưng, bụng và sinh con cực non rồi nhận được thông báo của bác sĩ rằng các con của chị chỉ có 20% cơ hội sống.

Chương trình "Chat với mẹ bỉm sữa" được ghi hình ở bang California Mỹ cách đây ít hôm đã phát sóng về hành trình mang thai và sinh con cực non của bà mẹ gốc Việt tên Leyna Đoàn, một kỹ sư hàng không đang sống tại xứ cờ hoa. Câu chuyện của chị Leyna đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của khán giả.

Tiêm 35 mũi kích trứng, sinh con khi thai mới 5 tháng

Leyna cho biết chị rơi vào trường hợp là một người mẹ khó có con nên phải thực hiện tiêm kích trứng để dễ thụ thai hơn.

Tuy nhiên, nếu như những người phụ nữ khác chỉ cần tiêm 2 mũi kích trứng là trứng đạt tiêu chuẩn thì Leyna phải tiêm đến 35 mũi.

Mẹ Việt ở Mỹ phải tiêm 35 mũi kích trứng, sinh đôi cực non khi thai mới 5 tháng và hành trình giúp con chống chọi tử thần - Ảnh 1.

Chị Leyna Đoàn và 2 MC Kim Hiền, Hoàng Anh.

May mắn sau đó, Leyna mang thai đôi hai bé trai. Dẫu vậy người mẹ này không thể nuôi dưỡng bào thai đủ 9 tháng 10 ngày, chị đã sinh con cực non khi bào thai mới được 5 tháng tuổi vào tháng 5/2017.

Nhớ lại ngày sinh con, Leyna kể hôm đó hai vợ chồng có xảy ra cãi vã, vì nóng giận nên chị đã lấy xe lái ra khỏi nhà và va chạm với một chiếc hố nhỏ ở đường. Chiếc hố này khá nông nên chị cũng không để ý nhiều.

Thế nhưng khoảng 3 tiếng sau khi về nhà thì Leyna cảm thấy bị co thắt ở vùng bụng và lưng. Leyna cảm thấy rất kỳ lạ, không hiểu mình bị làm sao và cũng khá lo lắng nên đã vào bệnh viện khám. Sau khi thăm khám cho Leyna, bác sĩ nói chị sắp sinh, cổ tử tung đã mở 2 phân rồi. Bác sĩ khuyên chị nên nằm yên một chỗ, để em bé được ở càng lâu trong bụng mẹ càng tốt vì mỗi ngày ở trong bụng mẹ là thai nhi sẽ có thêm 10% cơ hội sống. Tuy nhiên, ngay sáng hôm sau cổ tử cung của Leyna đã mở 10 phân và chị được đưa ngay vào phòng sinh.

Mẹ Việt ở Mỹ phải tiêm 35 mũi kích trứng, sinh đôi cực non khi thai mới 5 tháng và hành trình giúp con chống chọi tử thần - Ảnh 2.

Mẹ Việt ở Mỹ đã có hành trình mang thai và sinh con khá vất vả.

Một cậu con trai qua đời, bé còn lại giành giật sự sống từng ngày

Khi Leyna sinh xong, các con của chị ngay lập tức được chuyển xuống phòng chăm sóc đặc biệt. Bác sĩ cho biết, các bé chỉ có 20% cơ hội sống. Chị chỉ được gặp con trai lớn – bé Mikel một lần duy nhất qua lồng kính. Hôm sau, bác sĩ nói với chị Leyna rằng hàng ngày hãy cầu nguyện cho hai cậu con trai bé bỏng của mình.

"Bác sĩ nói cho bé ăn nhưng 23 tuần thì em bé mới chỉ hoàn tất cơ thể thôi. Bụng của bé có thể còn chưa phát triển. Khi cho bé ăn đồ ăn chỉ nhỏ bằng hạt gạo cũng có thể khiến bé bị vỡ bụng mà mình không hề biết. Và ngày hôm sau thì bé mất" – Leyna kể.

Khi Mikel đã qua đời, Leyna mới thực sự hiểu được về những nguy hiểm đang rình rập con mình, trước đó chị hoàn toàn không biết gì.

Nói về cảm xúc khi trải qua những ngày tháng đau khổ đó, Leyna giãi bày: "Nói là không trầm cảm thì không đúng, mà nói mình trầm cảm cũng không đúng. Thực sự bản thân mình không cho phép mình trầm cảm thì đúng hơn. Vì mình trầm cảm, có chuyện gì thì ai lo cho con mình? Người mẹ mà không sống được thì sao con sống được?

Có những lúc mình cảm thấy không chịu nổi nữa, mình nói chồng đưa mình ra bờ vực. Bởi mỗi một phút, đứa bé đang từ rất hoàn thiện, khoẻ mạnh nhưng có thể chết bất cứ lúc nào. 10 em bé vào phòng chăm sóc đặc biệt thì chỉ có 3 em bé đi ra mà thôi".

Mẹ Việt ở Mỹ phải tiêm 35 mũi kích trứng, sinh đôi cực non khi thai mới 5 tháng và hành trình giúp con chống chọi tử thần - Ảnh 3.

Bé Leo phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt ngay sau khi ra đời.

Mẹ Việt ở Mỹ phải tiêm 35 mũi kích trứng, sinh đôi cực non khi thai mới 5 tháng và hành trình giúp con chống chọi tử thần - Ảnh 4.

Cậu bé phải đối diện với nhiều nguy hiểm và trải qua 4 ca phẫu thuật.

Bác sĩ nói với Leyna rằng con của chị không hề có vấn đề gì hết, bé không bị bệnh mà chỉ có một vấn đề duy nhất là bé chưa phát triển. Điều mà các bác sĩ có thể làm cho em bé là hỗ trợ về mặt y tế khi bé cần phải mổ.

Bé Leo đã trải qua 4 ca phẫu thuật, mỗi ngày cậu bé đều phải thử máu. Những ngày ở bên con và chứng kiến tất cả những chuyện diễn ra với cậu bé, Leyna chợt nhận ra rằng chị sợ có con. Không phải vì sợ những khó khăn khi mang thai, sinh nở mà chị sợ khi phải chứng kiến con trải qua sự đau đớn như thế. Bé Leo đã phải ở trong bệnh viện 4 tháng, quãng thời gian đó chị Leyna đều túc trực ở bên cạnh để chăm sóc con, mỗi ngày chị chỉ ngủ khoảng 3-4 tiếng.

Lời an ủi tốt nhất dành cho một bà mẹ có con sinh non và bé phải đối diện với nguy hiểm chính là IM LẶNG

Khi Mikel mất, chị Leyna đã cầm tay chồng để chạm vào bé với mong muốn anh có thể cảm nhận được sợi dây gắn kết tình cha con, khi đó anh đã khóc rất nhiều. Sau này khi Leo được xuất viện về nhà, anh chính là người thường xuyên chăm sóc cho Leo, từ việc thay bỉm, đến cho bé ăn, ông bố này đều làm rất tốt.

Mẹ Việt ở Mỹ phải tiêm 35 mũi kích trứng, sinh đôi cực non khi thai mới 5 tháng và hành trình giúp con chống chọi tử thần - Ảnh 5.

Chồng của chị Leyna chăm con rất khéo.

Mẹ Việt ở Mỹ phải tiêm 35 mũi kích trứng, sinh đôi cực non khi thai mới 5 tháng và hành trình giúp con chống chọi tử thần - Ảnh 6.

Từ việc cho con ăn, thay bỉm anh đều làm rất tốt.

Leyna cho biết, chị thực sự muốn có thêm một đứa con nữa, nếu chỉ có mình Leo, chị sợ rằng khi lớn lên bé sẽ cảm thấy cô đơn. Dẫu vậy, cả Leyna và ông xã đều lo lắng sợ không may sinh thêm con lại xảy ra tình trạng tương tự như lần trước. Hơn nữa, bà mẹ bỉm sữa cũng phải thừa nhận, hai vợ chồng chị cảm thấy quá mệt khi chăm sóc cho con. Dẫu vậy, nghe theo lời khuyên của MC Hoàng Anh, Leyna đồng ý rằng con cái là trời cho nên chị để mọi thứ diễn ra hoàn toàn tự nhiên.

Về những ảnh hưởng của việc sinh con, chị Leyna cho hay vì khóc quá nhiều nên chị bị mất giọng. Sau khi đưa con về nhà, chị đã mất nửa năm không thể nói chuyện được. Leyna cũng hiểu được cảm giác trầm cảm sau sinh, và chị khuyên các mẹ hãy nghĩ về đứa con của mình.

Cuối cùng, Leyna dành một lời khuyên cho tất cả mọi người, những ai trong gia đình có người nhà cũng bị sinh quá non: "Lúc đó các bạn đừng nói gì với họ vì bất cứ lời an ủi nào cũng trở thành tiêu cực nên lời an ủi tốt nhất là im lặng".

Chia sẻ