Sai lầm của bố mẹ khiến con bị bệnh đường hô hấp

,
Chia sẻ

Cho con chơi ở ngoài nắng, lúc nắng gắt, cho con ở trong phòng nhiệt độ điều hòa quá lạnh, trong nhà có người hút thuốc.... Những điều “linh tinh” ấy có thể làm bé bị nhiễm đường hô hấp.

Bé dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp

Bé rất dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp nếu con rơi vào một trong những trường hợp sau:Con sinh non – thiếu tháng, con bị suy dinh dưỡng ngay từ khi mới chào đời, con sống trong khu vực có thời tiết thay đổi thất thường (từ nóng chuyển sang lạnh và ngược lại), nhà ở tại khu vực ô nhiễm, trong nhà có người hút thuốc lá, con chưa được tiêm chủng đầy đủ.

“Ủ kín” con quá kỹ dễ mắc bệnh về hô hấp

Đây là điều rất nhiều bà mẹ mắc phải! Lúc nào mẹ cũng sợ con thế nọ, thế kia nên không cho con ra ngoài nhà.

Nếu trẻ quá ít tiếp xúc với môi trường bên ngoài, lúc nào cũng được giữ ở nhà thì đến tuổi đi học nhà trẻ, mẫu giáo... trẻ sẽ dễ mắc bệnh hô hấp hơn các trẻ được tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài. Nguyên nhân là do trẻ chưa có miễn dịch với các loại virus, vi khuẩn trong môi trường.

Tuy nhiên, không có nghĩa là mẹ đem con ra “thử thách” với khói bụi, ô nhiễm ngoài đường. Cách tốt nhất là khi trẻ được 2-3 tháng tuổi, bạn có thể cho con đi dạo mỗi ngày chừng 10 phút ngoài không khí thoáng, sạch. Trẻ sẽ được thích nghi từ từ. Khi trẻ đã trên 1 tuổi, nên cho trẻ chơi với các bé khỏe mạnh, đồng tuổi khác.

Trẻ bị viêm đường hô hấp thì không nên...tắm?

Điều này là sai lầm trầm trọng. Nhiều bà mẹ thấy con ho, sổ mũi, sợ con nhiễm lạnh nên càng không tắm. Không tắm thì vệ sinh của trẻ kém, lại càng dễ nhiễm bệnh nặng hơn.
 
Khi bé bị ho và sổ mũi, vẫn có thể tắm được

Hãy nhớ rằng với trẻ bị viêm đường hô hấp, việc vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ cho trẻ là tối quan trọng. Có điều, bạn không nên để trẻ bị nhiễm lạnh thêm. Phải chọn chỗ tắm kín gió, nước vừa đủ ấm, tắm từng phần chứ không cởi hết quần áo trẻ ra tắm một lần. Tắm xong phần nào nên lau khô cho trẻ ngay phần ấy, quấn khăn vào càng tốt. Xong hết thì thay quần áo cho sạch sẽ.

Khi trẻ sốt, ho và sổ mũi

Khi trẻ sốt, bạn nên cho trẻ uống càng nhiều nước càng tốt, mỗi lần uống từng ít một. Không nên vội vàng cho trẻ uống thuốc hạ nhiệt (trừ khi trẻ sốt trên 38 độ). Hãy dùng khăn nhúng vào nước ấm, vắt khô, thường xuyên lau, chườm cho trẻ.

Khi trẻ ho, bạn không nên tự mua thuốc giảm ho cho bé vì phản xạ ho sẽ không thể thực hiện, trẻ không tống được chất đờm trong phế quản ra ngoài sẽ dễ bị bệnh nặng hơn. Chỉ nên cho trẻ uống các loại thuốc ho được bào chế từ dược liệu đơn giản, phù hợp để làm thông thoáng đường thở (luôn hỏi bác sỹ trước khi cho trẻ uống). Cũng có thể cho trẻ ăn húng chanh hấp mật ong hay các bài thuốc dân gian, trẻ sẽ giảm ho một cách tự nhiên.

Khi trẻ sổ mũi mà còn quá bé, không tự hỉ mũi được, mẹ nên làm thông thoáng mũi bằng cách nhỏ dung dịch nước muối có bán ở các hiệu thuốc tây (nhớ nói rõ độ tuổi của con để có được loại phù hợp), dùng dụng cụ hút mũi để hỗ trợ cho bé.

Khi nào đưa con đến bệnh viện

Trẻ bắt buộc phải được đưa khẩn cấp đến bệnh viện nếu có dấu hiệu mắc bệnh về đường hô hấp ở thể nặng, cần cấp cứu như: thở rít, rút lõm lồng ngực, li bì, co giật, bỏ bú...

Đối với các trường hợp trẻ thở nhanh và gấp nhưng vẫn tỉnh táo, có thể đưa trẻ đi khám ở các phòng khám, bệnh viện, sau đó điều trị ngoại trú ở nhà và theo dõi chặt chẽ, khoảng 2 ngày sau thì khám lại.

Trong trường hợp trẻ chỉ ho, chảy mũi, sốt không cao (dưới 38 độ), vẫn bú được và không có dấu hiệu thở rít, li bì thì có thể chăm sóc trẻ tại nhà, cho trẻ bú nhiều, uống nhiều nước, giữ ấm cơ thể và theo dõi các diễn biến bệnh.

Mai Phương

(Tổng hợp)

Chia sẻ