Rèn trẻ tự lập ở Nhật - trách nhiệm của cả xã hội
Một yếu tố quan trọng nhất theo tôi chính là trách nhiệm giáo dục trẻ mà trong đó sự tự lập được đề cao hàng đầu không chỉ là của nhà trường, gia đình mà còn là sự phối hợp chặt chẽ của cả toàn xã hội Nhật.
Như đã đề cập ở phần trước, trẻ em Nhật có thể bắt đầu tự lập tới trường từ khi còn rất nhỏ có lẽ bởi đất nước này có đủ điều kiện để các bé phát triển trong sự an toàn: Tỷ lệ tội phạm gần như thấp nhất thế giới, quy mô các đô thị nhỏ, đường phố quy hoạch chỉ dẫn rất rõ ràng để hỗ trợ trẻ, văn hóa đi bộ được hình thành trong toàn dân... Tuy nhiên, một yếu tố quan trọng nhất theo tôi chính là trách nhiệm giáo dục trẻ mà trong đó sự tự lập được đề cao hàng đầu không chỉ là của nhà trường, gia đình mà còn là sự phối hợp chặt chẽ của cả toàn xã hội Nhật.
Nhà trường và những chỉ dẫn “chuẩn chỉ” cho trẻ tới trường
Trước khi trẻ nhập học vào cấp 1, ban phụ huynh và các nhà trường sẽ có các buổi họp để trao đổi về những vấn đề cần chuẩn bị cho trẻ, trong đó nhà trường yêu cầu phụ huynh cung cấp địa chỉ để thiết kế các tuyến đường theo khu dân cư, từ đó vạch ra bản đồ cụ thể và ghép nhóm để trẻ có thể về chung theo tuyến. Đối với các nhóm em bé phải đi bộ xa, nhà trường sẽ phân công giáo viên đi bộ cùng các em tới một địa điểm nhất định để đảm bảo các em được an toàn ra về.
Tất cả các em bé lớp một lần đầu được đi bộ tới trường đều được bọc bên ngoài cặp xách một lớp bọc màu vàng để mọi người chú ý quan tâm tới em hơn.
Các trường tiểu học ở Nhật cũng có những buổi học và nói chuyện chi tiết để hướng dẫn cho phụ huynh và học sinh những tình huống nguy hểm khi bé có thể tới trường. Có thể kể tới một tình huống cụ thể như sau: Nếu bé gặp một người lạ, người lạ đề nghị bé lên xe để đưa tới bệnh viện vì mẹ bé bị tai nạn, bé sẽ được hướng dẫn đáp án duy nhất: Không trả lời, chạy thật nhanh tới nơi đông người hoặc nơi lánh nạn, vừa chạy vừa thổi còi cấp báo gắn trên cặp sách. Trẻ cũng được dạy có thể thổi còi bất cứ khi nào cảm thấy bị đe đọa để được trợ giúp.
Trong các giờ học đạo đức, học sinh cấp một bên cạnh việc được hướng dẫn tác phong đi lại và chấp hành luật giao thông, các bé cũng được tuyệt đối cấm không mang tiền tới trường, không lang thang quán xá sau giờ học. Tất cả các em bé lớp một lần đầu được đi bộ tới trường đều được bọc bên ngoài cặp xách một lớp bọc màu vàng để mọi người chú ý quan tâm tới em hơn. Em bé chỉ được tháo bọc màu vàng này sau khi đã lên lớp 2 và quen với việc tự lập một mình.
Đội quân Patrol vui vẻ mẫn cán
Sáng sớm, trên đường đi làm hay đi học ở Nhật, bạn có thể được chứng kiến những hình ảnh đẹp rất quen thuộc và phổ biến: các bậc phụ huynh phối hợp cùng ban tự quản thành phố, đeo băng đứng vẫy cờ và chỉ đường cho trẻ em Nhật đi bộ tới trường được an toàn. Công việc này được gọi là Patro l- những người chỉ dẫn giao thông cho trẻ. Đội ngũ patrol tham gia là các bậc phụ huynh của chính các em học sinh cùng đội tình nguyện viên của ban tự quản thành phố, được phân công thực hiện nhiệm vụ theo lịch cụ thể.
Đội patrol hướng dẫn trẻ đi học.
Hầu hết tất cả các phụ huynh đều tham gia patrol, nếu vì bận rộn không thể tham gia thường xuyên, phụ huynh vẫn có thể đăng ký thời điểm nhất định để làm, và đây là những nỗ lực không nhỏ của gia đình nhằm phối hợp với nhà trường trong việc đảm bảo an toàn cho các bé.
Dù trời nắng nóng hay mưa giông tuyết lạnh, đội ngũ patrol vẫn sẽ đồng hành cùng các em mỗi ngày. Những Patrol có nhiệm vụ có mặt trước giờ trẻ tới trường (thường là trước 7h20), mặc áo phản quang, đeo băng tay, phân luồng giao thông an toàn cho trẻ. Ở các ngã tư, khi có đèn xanh qua đường, các patrol sẽ đững giữa đường làm rào chắn cho các bé đi qua đường an toàn rồi mới trở về vị trí của mình. Giữa các Patrol và các bé luôn là không khí vui vẻ, trao nhau những lời chào, nụ cười, lời cảm ơn và động viên các bé cho một ngày mới tốt lành. Các patrol cũng có nhiệm vụ viết báo cáo cho nhà trường và địa phương ngay nếu trên đường xuất hiện các tình huống bất thường.
Những người Nhật tham gia giao thông mỗi sáng cũng hết sức phối hợp để các em được đến trường an toàn, họ luôn có ý thức nhường đường ra dấu cho học sinh qua đường rồi mới đi. Nhiều người Nhật chọn cách dậy sớm để đi làm sớm hơn 10-15 phút mỗi ngày để tránh ùn tắc, tạo điều kiện cho trẻ em tự đi học.
Lịch patrol của phụ huynh tại Ehime.
Sự phối hợp chặt chẽ tuyệt vời của toàn xã hội
Giờ tan học của học sinh tiểu học Nhật là 2h30 chiều mỗi ngày, và để đảm bảo các em đi tới nơi về tới chốn, sau giờ đi học về mà ở chốn công cộng vẫn có trẻ em mặc đồng phục, đeo cặp sách lang thang, ngay lập tức những người Nhật xung quanh sẽ có ý thức tự động gọi báo cho cảnh sát địa phương. Người Nhật cũng rất có ý thức kết nối cộng đồng xung quanh, giữa những phụ huynh với nhau để phụ huynh không chỉ để mắt tới con em mình, mà còn để mắt và quan tâm tới an nguy của tất cả các trẻ em khác. Và họ cũng giáo dục lại cho chính các em học sinh điều đó. Đó chính là lý do mà ta có thể bắt gặp trẻ em Nhật tuy không cùng lớp cùng trường, nhưng vẫn rât đoàn kết đi chung với nhau trên những tuyến đường chung đường về.
Biển "kodomo 110-ban" - ngôi nhà an toàn cho trẻ.
Ngoài ra, trẻ em Nhật còn được đảm bảo an toàn khi trên các tuyến đường đi học, có rất nhiều nhà dân hoặc cửa hàng được gắn biển “kodomo 110-ban” (kodomo hyaku-tou-ban). Đây là những địa điểm lánh nạn cho trẻ em được người dân tự nguyện phối hợp với cảnh sát và nhà trường, nhằm tạo ra nơi bảo vệ các em trong những tình huống nguy cấp, khi xảy ra thiên tai trên đường về hay có đe dọa từ người lạ...
Với tất cả những nguồn lực tận tụy từ nhiều phía, người Nhật đã chung sức để tạo ra những thế hệ trẻ em trưởng thành từ rất sớm. Mỗi bước chân đến trường cũng tự nhiên như thế mà trở thành bài học đạo đức đầu đời cho các em.
Từng có 6 năm sinh sống cùng gia đình tại Nhật nên mẹ Masao có cơ hội được trải nghiệm rất nhiều về văn hóa, xã hội trên đất nước mặt trời mọc. Những cảm nhận và chia sẻ chân thực của mẹ Masao sẽ cho chúng ta cái nhìn gần gũi hơn về cách giáo dục trẻ em đáng ngưỡng mộ của người Nhật. |