Những thay đổi trong 3 tháng cuối thai kỳ

Lan Tường - Theo Pregnancy,
Chia sẻ

Ba tháng cuối thai kỳ bạn có cảm giác cơ thể rệu rã, người lúc nào cũng ì ạch, chậm chạp và mệt mỏi. Đừng lo lắng quá, dưới đây là những biểu hiện mà bạn sẽ gặp phải trong 3 tháng cuối của thai kỳ và cách để bạn cảm thấy dễ chịu hơn.

1. Bạn rất buồn ngủ nhưng khi nằm lại không ngủ được

Sự nặng nề khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và muốn ngủ nhiều hơn. Nhưng có rất nhiều triệu chứng đang quấy nhiễu giấc ngủ của bạn như:

- Chân bị chuột rút do thai nhi chèn ép các dây thần kinh và mạch máu ở chân.

- Hội chứng chân không yên: Bạn có cảm giác khó chịu, bồn chồn ở chân và nhu cầu phải cử động.

- Ngực dưới thỉnh thoảng đau nhói do dạ con chèn ép dạ dày.

- Thai nhi cử động nhiều

- Hay mắc tiểu

Để ngủ được ngon hơn bạn nên nằm nghiêng về bên trái, kê một chiếc gối mềm mỏng ở giữa hai chân và dưới bụng.

2. Ngực to và căng hơn

Trong 3 tháng cuối của thai kỳ ngực căng và đau hơn. Điều này có thể làm cho bạn cảm thấy khó chịu khi di chuyển. Đầu vú có thể tiết ra sữa non. Bạn cần phải vệ sinh đầu ti bằng nước ấm.

3. Đau lưng, bụng, xương chậu và hông

Đó là do tử cung chèn ép các dây thần kinh ở lưng, bụng, xương chậu và hông. Ngoài ra các hooc môn thai kỳ đang làm giãn các khớp ở giữa khung xương chậu chuẩn bị cho em bé chào đời. Các cơ và dây chằng nâng đỡ tử cung cũng căng theo làm cho bạn có cảm giác đau bụng, lưng…

Bạn cần di chuyển nhẹ nhàng, tìm một tư thế ngủ thuận lợi và một không gian nghỉ ngơi thuận lợi để hạn chế những cơn đau này.
 

4. Ngứa và tê

Cơ thể bạn bị tăng cân, da bị giãn ra để thích nghi với sự tăng cân nhanh nên thường bị ngứa. Vùng da bị ngứa nhiều nhất là da bụng, đùi, chân. Không chỉ ngứa, da bụng, da đùi của bạn có thể bị rạn nứt. Bạn nên dùng các loại kem trị rạn nứt da và massage đều đặn vào các buổi tối.

Các dây thần kinh bị chèn cũng gây nên các chứng tê chân, tay khi giữ quá lâu ở một tư thế hoặc trong khi ngủ. Chứng này sẽ tự hết sau khi sinh xong.

5. Hơi thở ngắn, bạn có cảm giác như bị hụt hơi

Do dạ con của bạn ngày càng lớn, phổi của bạn sẽ bị chèn ép, không gian giãn nở bị thu hẹp. Nếu cảm thấy mệt và hụt hơi khi leo cầu thang, đi bộ, lao động, bạn nên dừng lại nghỉ ngơi, hít thở sâu rồi mới nên tiếp tục.

6. Chứng phù nề

Máu lưu thông chậm làm cho chân, mắt cá chân, bàn chân, bàn tay và mặt bị sưng lên. Đây là dấu hiệu bình thường. Nhưng nếu có kèm theo các dấu hiệu nhức đầu, mờ mắt, chóng mặt và đau bụng – đây là dấu hiệu của chứng tăng huyết áp thai kỳ. Bạn nên đi khám bác sĩ ngay.

7. Âm đạo tiết nhiều chất dịch nhờn

Càng về cuối thai kỳ, âm đạo càng tiết ra nhiều chất nhờn. Bạn cần giữ vệ sinh vùng kín, mặc quần lót có chất liệu thoáng mát để tránh bị viêm nhiễm.

8. Bệnh trĩ

Đây là chứng giãn tĩnh mạch ở trực tràng. Chúng có thể lồi ra ngoài hậu môn và gây ngứa, đau, đôi khi chảy máu khi đi đại tiện. Bạn cần ăn những loại thức ăn có nhiều chất xơ, nhuận tràng, và vệ sinh sạch sẽ vùng hậu môn sau khi đại tiện.

Sắp sinh:

- Thai nhi thay đổi vị trí, đầu quay xuống phía dưới khung xương chậu. Người khác nhìn có thể thấy bụng thấp xuống- thường gọi là sa bụng.

- Cổ tử cung bắt đầu ngắn lại, mỏng đi và mở rộng. Vào những tuần cuối thai kỳ bác sĩ kiểm tra cổ tử cung và cho bạn biết nó đã mở hay chưa. Thỉnh thoảng bạn có thể cảm nhận thấy các cơn đau, các cơn co tử cung xuất hiện, nhưng đó không phải là chuyển dạ.

Chuyển dạ:

- Các cơn co tử cung xuất hiện đều đặn. Nếu thời gian giữa các cơn đau ngày càng ngắn, khoảng 30 phút/lần, rồi 10 phút/lần, 5 phút/lần, đó là dấu hiệu bạn đang chuyển dạ, cần chuẩn bị tư thế vào bệnh viện ngay.

- Vỡ ối: Túi nước ối bao quanh cơ thể bé bị vỡ, nước ối chảy ra. Cho dù là mới rỉ chút ít, hay vỡ ồ ạt, bạn cũng nên vào viện ngay lập tức. Bác sĩ sẽ quyết định nên làm gì tiếp theo.

Chia sẻ