Những cách mẹ có thể giúp bé tăng chỉ số EQ

Thùy Linh,
Chia sẻ

Những bé có EQ cao thường học giỏi, nghe lời bố mẹ, khỏe mạnh, vui vẻ, thông minh.

Chỉ số trí tuệ xúc cảm (EQ) là khả năng hiểu và kiểm soát ngôn ngữ cảm xúc của bản thân. Những bé có thể tự kiểm soát cảm xúc thường nhạy cảm với những biểu hiện của người khác, bé có thể dễ dàng đồng cảm hoặc chia sẻ. Điều này giúp bé có đời sống nội tâm phong phú và có thể làm việc tốt hơn. 

EQ rất quan trọng, nó giúp bé kiểm soát sự lo âu và kìm nén được cơn giận… Tất cả những điều này rất quan trọng cho sự phát triển của bé bây giờ và cả tương lai sau này.

EQ không chỉ giới hạn ở sự thấu cảm, mà còn bộc lộ qua trực giác, sức sáng tạo, sự năng động, kiên cường, cân bằng áp lực,... Nếu như IQ học được ở sách vở và trường lớp, thì EQ được rèn luyện thông qua cuộc sống. 

Những cấp độ của chỉ số cảm xúc 

Nhận biết: Bé có thể nhận biết được chính xác cảm xúc của bản thân lúc này là gì và có thể biết được cảm xúc của mọi người xung quanh.

Thấu hiểu: Sau mức độ nhận biết, bé phải có khả năng hiểu sâu, cặn kẽ những nguyên nhân, hậu quả, tình trạng của cảm xúc trong mình và của những người khác. (Ví dụ: tại sao mình buồn, mình vui, tại sao mình ngoan bố mẹ lại quý...)

Đáp lại: Khi trẻ thấu hiểu cảm xúc của mình và người khác, trẻ sẽ có khả năng mô tả và đáp lại cảm xúc của mình, của người khác. Chính điều này khiến bé thông cảm và biết chia sẻ tâm tư, suy nghĩ với người khác. 

Làm chủ: Điều này vô cùng quan trọng cho sự phát triển của bé. Khi bé có thể làm chủ, học cách chế ngự cảm xúc của mình thì khả năng bé phát triển tư duy rất cao, bé sẽ hòa đồng, có những ứng xử hợp lý trong cộng đồng. 

Những cách mẹ có thể giúp bé tăng chỉ số EQ 1
Những bé có EQ cao thường học giỏi, nghe lời bố mẹ, khỏe mạnh, vui vẻ, thông minh (Ảnh minh họa)

Những cách làm tăng chỉ số EQ

EQ hình thành ngay cả khi bé nằm trong bụng

Nhiều bà mẹ “nhăm nhe” phát triển chỉ số quan trọng này từ khi con mới đang nằm trong bụng mẹ. Chị Thanh Loan (Trần Hưng Đạo, TP HCM) là một ví dụ. Chị kiên trì áp dụng những phương pháp khoa học giúp bé thông minh như nghe nhạc cổ điển. 

“Mỗi ngày mình dành thời gian nghe nhạc cổ điển, mình cảm thấy những cái đạp hưởng ứng của con ngay từ trong bụng. Mình hiểu, con thấy thoải mái khi nghe những âm thành tuyệt với này”, chị chia sẻ. 

Ngoài âm nhạc, mình có thể dành thời gian để thủ thỉ, nói chuyện, tâm sự với bé. Ví dụ, bố mẹ yêu con như thế nào, kỳ vọng sau này về con ra sao, kể cho bé phòng mới của bé sẽ trông thế nào, nhiều gấu bông, ô tô đồ chơi... bạn có thể kể cho bé một ngày làm việc rồi giải trí của mẹ…

Lắng nghe và đồng cảm với con

Chị Nguyệt Hà (Minh Khai, Hà Nội) là mẹ của hai bé 7 tuổi và 10 tuổi. Hai bé học rất tốt, thông minh, và đều làm lớp trưởng trong lớp học của mình. Gia đình và thầy cô đều nhận xét: các bé vâng lời, ngoan ngoãn và yêu thương mọi người. 

Chị Nguyệt Hà chia sẻ, ngay từ khi mang bầu đặc biệt là bé thứ 2, chị rất hay tìm sách báo đọc để biết cách chăm sóc bé và chị nhận thấy tầm quan trọng của việc phát triển EQ. 

Chị áp dụng và nhận thấy một trong những phương pháp tuyệt vời để hiểu con chính là sự lắng nghe. Khi bố mẹ hiểu bé thì sự đồng cảm cũng từ nó mà nảy sinh. 

Đồng cảm không có nghĩa là bất cứ việc làm, hành động, suy nghĩ nào của con mình cũng hoàn toàn đồng ý, sự đồng cảm giúp bé hiểu được cảm giác khi được bố mẹ hiểu rõ suy nghĩ quan điểm của mình. Nếu luồng suy nghĩ đó là đúng, bé vô cùng tự tin và hài lòng với bản thân khi bố mẹ ghi nhận. Còn ngược lại, điều này vẫn giúp bé tăng chỉ số trí tuệ cảm xúc khi thấy bố mẹ dỗ dành và khuyên nhủ bé. 

Khuyến khích bé biểu lộ cảm xúc

Một lần vợ chồng chị Liên (Lĩnh Nam, Hà Nội) đang nấu cơm dưới phòng, chị nhờ Bin lên phòng lấy điện thoại cho mẹ. Khi lên bé trông thấy một người lạ đột nhập vào nhà. Bé sợ hãi chạy xuống, một lúc sau thì bé mới hổn hển nói với bố mẹ. 

Chồng chị chạy lên thì kẻ lạ đã cao chạy xa bay cùng với chiếc laptop và mấy cái điện thoại để ngay trên bàn. Bố Bin mắng tới tấp vì: “Mồm đâu mà không mở ra, sợ gì mà tè cả ra quần thế kia? Nhát thì nhát vừa vừa chứ”. 

Trước câu nói của bố, chàng trai 10 tuổi bưng mặt khóc. Vậy là từ đó Bin chẳng bao giờ dám lên trên tầng 1 mình; kể cả đi toilet, bé cũng để mở cửa cho đỡ sợ. Cứ có dịp nào đó, bố Bin lại khơi lại chuyện này và trêu con. 

Tuy chuyện khơi lại chỉ để con linh hoạt, mạnh dạn hơn nhưng việc phủ nhận nỗi sợ, trêu chọc con không giúp được gì cũng không thể ngăn chặn nỗi sợ hãi quay lại mà chỉ khiến bé bị mệt mỏi, ức chế. 

Bố mẹ nên trấn an con, nói rằng bạn hiểu được cảm giác của bé và trò chuyện để bé có thể tự do giải tỏa cảm xúc của mình. Làm vậy con sẽ hiểu được rằng mình không cô đơn và bố mẹ sẽ đồng hành cùng bé trong mọi trường hợp.

Và khi biết cảm xúc của mình được chấp nhận, tôn trọng, bé sẽ thoải mái, tự tin hơn. Điều này tạo điều kiện cho con đủ tỉnh táo và tự tin để giải quyết vấn đề. 

Dạy con qua những câu chuyện

Mỗi ngày bố mẹ nên dành thời gian để kể cho con nghe những mẩu chuyện nhỏ để con hiểu và chủ động tạo nên cảm xúc trong mình. Nghĩ ra tình huống và dạy con tiết chế cảm xúc. Ví dụ, thấy bạn ngã, bé không nên cười trêu lại mà nên chạy ra để nâng bạn. 



Bạn có thể rèn luyện năng lực tư duy, kích thích sự phát triển trí thông minh cho bé ngay từ khi còn nhỏ chỉ bằng một số động tác của bàn tay.
Những cách mẹ có thể giúp bé tăng chỉ số EQ 2
Chia sẻ