Nguyên tắc mọi bố mẹ cần nhớ để kỷ luật trẻ hiệu quả mà không cần đòn roi
Áp dụng kỷ luật với trẻ như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất mà không cần tới đòn roi luôn là thử thách đối với không ít phụ huynh.
Sự khác biệt kỷ luật – trừng phạt
Đối lập với suy nghĩ của nhiều ông bố bà mẹ, kỷ luật là hành động dạy cho trẻ biết cách chịu trách nhiệm, biết tự kiểm soát bản thân và biết vâng lời. Kỷ luật thường được thực hành bằng cách đưa ra các hướng dẫn, quy tắc và những trông đợi mà cha mẹ dành cho trẻ.
Kỷ luật cũng yêu cầu cha mẹ phải sâu sát những hành vi không vâng lời kèm theo hậu quả để qua đó dạy cho trẻ biết giá trị của việc tuân thủ quy tắc. Tất cả đều mang ý nghĩa học hỏi từ những lỗi lầm.
Xét ở một khía cạnh nào đó, kỷ luật được xem là một quá trình thành phần, thuộc cả tiến trình phát triển nhân cách của trẻ.
Còn trừng phạt, ngược lại, tập trung vào những sai sót. Nó khiến trẻ cảm thấy tồi tệ vì những việc trẻ đã làm (hoặc không làm). Nói cách khác, trừng phạt là một hành động đơn lẻ thể hiện sự không đồng tình với một đứa trẻ và hành vi của chúng.
Kỷ luật thường được thực hành bằng cách đưa ra các hướng dẫn, quy tắc và những trông đợi mà cha mẹ dành cho trẻ.
Kỷ luật trẻ nghĩa là gì?
Khi tiến hành kỷ luật một đứa trẻ, cha mẹ phải khắc cốt ghi tâm điều này: mục đích bạn làm phải luôn vì lợi ích tối đa của trẻ. Kỷ luật trẻ đồng nghĩa với việc dạy trẻ thế nào là trưởng thành và học hỏi từ những trải nghiệm thường ngày, bao gồm cả những trải nghiệm sai lầm. Khi đó, hành động của kỷ luật phải giúp trẻ nhận mình là người vừa gây ra chuyện không đúng, mình phải là người chịu trách nhiệm về chuyện đó, đồng thời cung cấp cho trẻ kỹ năng cần thiết để đưa ra những lựa chọn khôn ngoan, đúng đắn hơn trong tương lai.
Do đó, kỷ luật chính là:
- Giúp trẻ hiểu về những hành động chưa đúng của mình.
- Yêu cầu trẻ nhận thức được hành động chưa đúng đó.
- Giúp trẻ hiểu rằng trẻ cần đề nghị sự tha thứ cho hành động chưa đúng đã làm.
- Yêu cầu trẻ xin được tha thứ.
- Yêu cầu trẻ phải sửa chữa/bù đắp cho hành động chưa đúng.
- Dạy trẻ điều sai, điều đúng và yêu cầu trẻ hành xử theo cách đúng đắn, phù hợp.
- Đưa ra những hậu quả kèm theo hành động chưa đúng – nhưng luôn ghi nhớ rằng mục tiêu của kỷ luật là để dạy dỗ, không phải để trừng phạt, trẻ.
Những hậu quả hợp lý bao gồm không được đáp ứng một số quyền lợi nào đó, phải đảm nhiệm thêm công việc nhà…
Tuyệt đối không dùng đòn roi khi kỷ luật trẻ vì nó khiến trẻ bị tổn thương nghiêm trọng.
Kỷ luật một cách hiệu quả
Như đã đề cập ở phần trước, trừng phạt là hành động tập trung vào việc làm sai của trẻ. Nó thường khiến trẻ cảm thấy vô cùng tồi tệ về những gì vừa làm. Trừng phạt gồm xúc phạm bằng lời, khiến trẻ thấy hổ thẹn, cô lập trẻ về tâm lý, dùng đòn roi, thậm chí lạm dụng thể chất của trẻ.
Hiểu về bản chất của trừng phạt sẽ giúp cha mẹ đánh giá lại cách hành xử của mình khi con mắc lỗi và tìm ra biện pháp kỷ luật phù hợp.
Một số nguyên tắc quan trọng cha mẹ cần ghi nhớ khi kỷ luật trẻ:
1. Phải giữ bình tĩnh: Hành động cụ thể hơn là phản ứng với trẻ.
2. Tìm hiểu thông tin quanh việc làm sai của trẻ trước tiên: Ngay cả kỷ luật trong khi vội vã cũng có thể gây hậu quả khủng khiếp.
3. Quan tâm tới trẻ: Một số bé phản ứng tốt với cách kỷ luật giảm trừ những quyền lợi yêu thích của trẻ (ăn món ăn yêu thích/xem một bộ phim hoạt hình yêu thích). Một số khác lại ghi nhớ tốt hơn và không mắc lại sai lầm cũ nếu được yêu cầu làm thêm việc nhà hoặc viết thư xin lỗi.
4. Tập trung vào việc dạy những bài học cuộc sống: Không được tập trung vào mỗi hành động sai lầm của trẻ.
5. Chuyện gì đã qua thì cho qua: Một khi sự việc đã qua và được xử lý xong xuôi, không bao giờ nhắc lại để chì chiết hay rao giảng với trẻ.
(Nguồn: Tổng hợp)