Khóc cười khi con mọc răng

Hoàng Thùy,
Chia sẻ

(aFamily.vn) - Đi cùng với niềm vui khôn xiết được "chiêm ngưỡng" cái răng sữa đầu tiên của con, chị Thùy Mi (Giảng Võ, Hà Nội) đau thấu xương khi cục cưng cứ nhằm "ti" mẹ mà cắn.

Vừa mệt vừa vui vì con mọc răng

Bé Long (7 tháng) nhà anh Toàn (Đường Bưởi, Hà Nội) bình thường rất ngoan, “ăn ngủ cứ thun thút theo lịch, không ó óe ọ ọe gì thế nhưng gần đây bé quấy kinh khủng, khóc suốt ngày đêm khiến ai trong nhà cũng mệt mỏi”, anh tâm sự. 

Vì Long là con đầu cháu sớm nên khi thấy bé quấy khóc, nước dãi chảy ướt đẫm gối, lại còn sốt, tiêu chảy, hay giật mình khi ngủ... vợ chồng anh cứ sợ bé bị ốm đau ở đâu nhất là trong tiết trời lạnh như hiện nay. Khi đem con tới bác sĩ, anh chị mới nhẹ nhõm khi biết chiếc răng sữa xinh xinh đầu tiên của “quý tử” bắt đầu nhú lên. 

Đi cùng với niềm vui khôn xiết được "chiêm ngưỡng" cái răng sữa đầu tiên của con, chị Thùy Mi (Giảng Võ, Hà Nội) đau thấu xương khi cục cưng cứ nhằm "ti" mẹ mà cắn. 

Không như bé Long ở trường hợp trên, Tũn nhà chị Mi ăn vẫn tốt tuy hay mút ngón tay và cắn ti mẹ. 

Chị tâm sự: “Trước đây bé ‘ti’ nhẹ nhàng bao nhiêu thì bây giờ mình phát hoảng khi con cứ thật lực cắn bằng răng rồi dùng cả nướu để cắn mẹ”. 

Khóc cười khi con mọc răng 1
Đi cùng với niềm vui khôn xiết được "chiêm ngưỡng" cái răng sữa đầu tiên của con, 
chị Thùy Mi đau thấu xương khi cục cưng cứ nhằm "ti" mẹ mà cắn (Ảnh minh họa)

Dấu hiệu bé mọc răng

Trước khi xuất hiện chiếc răng sữa, lợi của bé thường bị sưng, đỏ tấy và triệu chứng kèm theo thường gặp là bé bị sốt nhẹ. 

Vì đau, ngứa lợi nên nhiều bé quấy khóc, biếng ăn, chảy dãi, thích mút tay, gặm nhấm một vật gì đó mềm mại. 

Khi mọc răng, nhiều bé bị tiêu chảy nên khả năng bé tụt cân rất cao. 

Ngoài ra, bé còn bị nổi ban ở cằm và quanh miệng.

Triệu chứng hay gặp khi bé mọc răng đó là bị ho, dễ cáu kỉnh, ngủ không ngon, lăn trái lăn phải. 

Thi thoảng bé hay kéo tai, dùng tay chà, gãi vào má.

Cùng con vượt qua "khủng hoảng" mọc răng

Chị Thanh Nga (Quận Bình Thạnh, TP HCM) cũng là “nạn nhân” của cậu con trai 9 tháng tuổi: “Trước đây, khi tròn 7 tháng, Bin đã ‘lăm le’ mọc liền 2 cái răng dưới. Hạnh phúc vô cùng vì mình biết mọc răng là một hiện tượng phản ánh tốt tình trạng sức khỏe của con. Bên cạnh đó, mình mệt mỏi vì bé cũng hội đủ các triệu chứng của mọc răng: quấy khóc, sốt, biếng ăn rồi kèm cả thói xấu ‘nhá’ ti mẹ". 

Thế nhưng giờ Bin tròn 12 tháng, răng mọc thêm đều đặn, nhưng bé không còn sốt, quấy khóc, biếng ăn mà bé cũng ít hẳn cắn ti mẹ. 

Chị được một mẹ mách là dùng cái “bọc đầu ti”, ấy thế mà hiệu quả lắm. Ban đầu Bin khó chịu vì “sự vướng víu” này, cứ lấy tay cậy ra, những lần như vậy chị lại thủ thỉ rằng “con cắn làm mẹ đau lắm, con ngoan đừng thế thì mẹ mới bỏ ra!”, thì bé thôi luôn việc cắn mẹ thật. Tuy nhiên cũng có lúc chàng ta quên mất, chị lại dùng tới “vũ khí”, vài lần như vậy, bé hiểu và không còn cắn mẹ nữa. 

Chị chia sẻ thêm rằng, để bé đỡ đau khi mọc răng, chị luôn giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ cho bé, mát-xa cho con bằng cách lau sạch nướu sau khi con ăn hoặc trước khi đi ngủ bằng miếng gạc mềm nhúng qua nước muối sinh lý ấm.

Bé Nhi (1 tuổi) nhà chị Thảo Nguyên (Tân Ấp, Hà Nội) thích nghe nhạc từ nhỏ, thế nên những khi bé bị đau, chị thường dỗ dành bé bằng một bản nhạc nhẹ nhàng do chị tự chơi, tâm sự, trò chuyện, âu yếm để “đánh lạc hướng” con. Thêm vào đó, chị rất hay chà nướu cho con bằng nước mát, theo chị điều này bé sẽ thoải mái hơn và tạm thời quên đi cảm giác khó chịu của cái răng xinh đanh chồi lên. 

Chị nói: “Nhi mọc răng đúng đợt nóng vừa rồi, mình thường mua chuối rồi để vào ngăn mát tủ lạnh. Đến giờ thì đưa cho con tự mút mát, gặm nhấm món này, con có vẻ thích thú và đỡ khó chịu, quấy khóc hơn. Đương nhiên, mình vẫn phải ngồi giám sát để đề phòng trường hợp bé nuốt miếng to”. 

Vì thời điểm mọc răng con rất hay gặm bất cứ thứ gì trước mặt, nhất là đồ chơi, vì thế chị phải vệ sinh chúng thường xuyên. "Vệ sinh sạch những đồ vật xung quanh, con sẽ không bị vi khuẩn, vi trùng tấn công. Vì thế, con sẽ có một quá trình mọc răng an toàn, khỏe mạnh, nhanh chóng, không đau đớn", chị nói.



Ngay từ khi con còn bé, bậc phụ huynh nên bổ sung đầy đủ những chất dinh dưỡng cần thiết để
 giúp bé tránh khỏi những vấn đề về răng miệng: chậm mọc răng, sâu răng, sún răng…
Khóc cười khi con mọc răng 2
Chia sẻ