Khi bạo lực được ươm mầm!
Thằng bé mặc bộ đồ thật đẹp, đôi giày hàng hiệu dưới chân bằng da bóng lộn, có lẽ rất đắt tiền. Trên cổ thằng bé đeo sợi dây chuyền và nơi cổ tay đeo cái lắc vàng khá to.
Đứa cháu trai gọi vợ tôi bằng cô, đến nhà chơi nhân ngày nghỉ cuối tuần, có chở theo đứa con trai đầu lòng gần ba tuổi. Do lâu ngày gặp gỡ và thể hiện tình quý mến cháu nên cả vợ chồng tôi cùng bỏ việc ngồi tiếp hai cha con.
Một thoáng sau thấy chùm chìa khoá xe của ba nó để trên bàn, thằng bé nhào ra vơ lấy, rồi dùng đầu nhọn của một chìa trong chùm cào trầy xước tay vịn cái ghế salon. Tất cả những hành vi nghịch ngợm quá đáng dường ấy, lẽ ra phải được can ngăn ngay từ đầu, thế nhưng tuyệt nhiên cháu trai của vợ tôi không hề phản ứng. Tôi nghiệm ra, thằng bé này ở nhà hẳn được xem là “cậu ấm”.
Không muốn để thằng bé tiếp tục cào phá thêm bên tay vịn còn lại, vợ tôi đứng dậy cầm tay nó gỡ chùm chìa khoá ra, lập tức nó lăn xuống nền nhà, hai chân đập xuống nền phành phạch, miệng hét ầm ĩ: “Bà này hư lắm! Ba phải đánh chết cho con nhanh lên”. Cháu vợ tôi ậm ừ dỗ con: “Ờ… ờ! Để chút xíu nữa ba đánh bà cho”. Nó không thoả mãn nên réo to hơn: “Không, ba phải đánh bà ngay bây giờ cơ!” Thế là cháu vợ tôi phải giả vờ lấy tay đập liên tục vào vai cô nó. Chỉ đợi có thế, thằng bé ngưng ăn vạ, vội vã đứng dậy đòi về. Trước khi rời nhà, ba nó bảo: “Con khoanh tay chào ông bà đi nào”, nhưng nó cứ trơ mặt không nói năng, thể hiện sự giận dỗi.
Hai cha con cháu rời khỏi cổng, vợ chồng tôi ngồi phệt xuống ghế thở dài ngó nhau. Thằng bé được chiều chuộng đến mức muốn gì được nấy như thế, chắc chắn lớn lên sẽ trở thành kẻ kiêu ngạo, ích kỷ, độc ác!?… Đáng tiếc vô cùng là chính ba nó cũng không biết giúp con. Thay vì bắt con khoanh tay xin lỗi ông bà về hành động phá hoại ghế, thì ngược lại đưa tay vờ đánh bà cô để làm thoả mãn yêu sách vô lối của con. Từ đây, có lẽ trong suy nghĩ của thằng bé, tất cả những ai làm trái ý nó đều là người có lỗi, kẻ ấy phải bị trừng trị!
Tôi viết những dòng này với hy vọng những ai đang “tôn sùng” con cái vô lối sau khi đọc được, biết giật mình nhìn lại, để kịp thời chấn chỉnh trước khi phải vỡ oà dòng lệ hối tiếc muộn màng.