Con sợ bóng tối, mẹ đã có cách!

Mi Lan,
Chia sẻ

Nỗi sợ là một trong những vấn đề rất tự nhiên của các bé và đó chính là dấu hiệu cho thấy bé đang nhận biết về thế giới xung quanh mình.

Con rúm ró sợ bóng tối

Thấy nhiều mẹ khen con mình không sợ bóng tối, kể cả trong phòng tối om, bé vẫn chạy lăng xăng, chị Thu Ngân (Đống Đa, Hà Nội) chạnh lòng khi nghĩ về thằng Bin 4 tuổi nhà mình. 

Chỗ lạ thì không nói làm gì nhưng ngay cả trong chính nhà mình mà Bin vẫn có thể “khóc nức nở” nếu một đêm bừng tỉnh trong bóng tối. 

Từ bé Bin đã đòi bật đèn tưng bừng khi ngủ, vợ chồng chị thi thoảng đợi con ngủ say rồi tắt nhưng nếu có đêm nào “bạn ý mà dậy thấy tối là cả nhà tha hồ được nghe tiếng bạn ý cáu rồi khóc ngằn ngặt”.

Khi nhìn thấy bóng một cái gì đó hoặc tiếng động lạ phát ra từ một phòng tối, Bin đều rúm ró, sợ hãi. Thậm chí, con thú bông mà bé vẫn ôm hàng ngày cũng trở thành một con vật đáng sợ với hình thù gớm ghiếc trong trí tưởng tượng của con. 

Thế nên mấy năm nay, phòng ngủ của anh chị lúc nào cũng sáng tưng bừng vì sở thích thói quen của con. "Trước còn không ngủ được nhưng sau thì đành quen, còn hơn việc một chốc lại tắt rồi bật", chị chia sẻ. 
 
Nỗi sợ là một trong những vấn đề rất tự nhiên của các bé và đó chính là dấu hiệu cho thấy bé đang nhận biết về thế giới xung quanh. Đặc biệt những bé còn nhỏ do chưa hiểu hết được những gì tồn tại xung quanh, bé không nhìn thấy rõ mọi vật thế nên bé sợ.

Để bé không sợ bóng tối, rất nhiều chị em chia sẻ bí quyết hữu ích của mình. 

Con sợ bóng tối, mẹ đã có cách! 1
(Ảnh minh họa)

Để bé tự tin trước bóng tối

Chị Châu Anh (Minh Khai, Hà Nội) chia sẻ, hầu hết trẻ nhỏ đều không tự tin khi ở trong bóng tối một mình. Việc bé Sudi  nhà chị sợ có thể do nhiều nguyên nhân: tự tưởng tượng, xem tivi, ông bà dọa…

Trước, Sudi (2 tuổi) rất hay khóc khi bỗng dưng mất điện, nhà tối om, thậm chí bé không dám vào nhà vệ sinh một mình, toàn bắt bố mẹ đứng… canh ở ngoài. Rồi thấy những “triệu chứng” càng ngày càng nặng, con ngày càng nhát thì chị lo lắng thật sự và lên một kế hoạch để giúp con giải tỏa sự sợ hãi. 

Một lần "lạc nhầm" vào một Facebook của một bà mẹ Tây, chị tham khảo thấy có nhiều bí quyết giúp con dạn dĩ hơn trong bóng tối, áp dụng chị thấy bé Sudi có thay đổi thật. 

Chị hỏi bé sợ điều gì, thử kể rồi vẽ cho mẹ xem điều khiến bé sợ. Sau một hồi suy nghĩ, bé vẽ hình một con quái vật với hàm răng nhọn hoắt. 

“Sau đó mình vẽ thêm một cái đuôi béo ú có gắn bông hoa và một nụ cười tươi trên khuôn mặt con quái vật đó, mình vẽ xong con còn cười ha hả vì ‘sao mẹ vẽ nó buồn cười thế’, dường như điều này đã khiến bé trấn át nỗi sợ phần nào. Hình ảnh gớm ghiếc đã được thay bằng một con quái vật dễ thương”, chị nói.
  
Hàng ngày, vào đúng một khung giờ nhất định trước khi con lên giường đi ngủ, vợ chồng chị cùng con thu dọn đồ chơi và cả nhà cùng đi ngủ, trước đó chị hay kể cho bé nghe những câu chuyện thiếu nhi. Những thói quen này khiến giấc ngủ con được sâu và ngon hơn. 

Chị chia sẻ thêm rằng, tuyệt đối không nên “phẩy tay”, bĩu môi hay “cười chê” nỗi sợ hãi của con, điều này không giúp con mạnh dạn hơn mà chỉ khiến con càng thêm sợ hơn. 

Thay vào câu nói: “Hâm à, ma mãnh cái của nợ” thì bố mẹ nên dắt tay con “thâm nhập vào vùng sợ hãi” bằng cách chỉ vào từng đồ: “Đây là con gấu bông của con này”, “Kia là con mèo, chẳng có gì đáng sợ phải không nào”. 

Anh Thanh Tùng (Đường Bưởi, Hà Nội) chia sẻ rằng trước bé Mai nhà anh rất nhát, anh đã từng phủ nhận rất gay gắt việc xuất hiện của ma quỷ và trấn an bé những điều như: “Đừng lo con. Làm gì có ma quỷ trên đời này”. Hoặc nói với con rằng: “Bố đuổi nó đi ra ngoài rồi, ngủ ngoan thì nó mới không đến”… anh tự nhận thấy đó không phải là cách giải thích khôn ngoan. 

Bởi bản thân anh ngay từ bé đã tin sái cổ việc có ma quỷ rồi bóng tối đáng sợ thế này thế khác nữa là trẻ con thời đại này. Anh nhận ra rằng, lo sợ luôn là một phần trong cuộc sống của mỗi người và đặc biệt là con trẻ.

Anh biết con sợ bóng tối bởi ông bà nội hay dọa để bắt con ngủ và những con ma đó, con quái vật kia đã hình thành trong trí tưởng tượng của con như thế. 

Anh chia sẻ: “Điều quan trọng nhất đó là bố mẹ nên học cách làm bạn với con, gần gũi để hiểu được con nghĩ gì, con lo lắng điều gì…”. 

Anh kể có lúc cả nhà giật mình vì tiếng hét thất thanh của con ở phòng bên, biết con sợ nên vợ chồng anh không chút cáu giận mà lắng nghe tâm sự của con về nỗi sợ của mình trong bóng tối. 

“Khi bố mẹ lắng nghe con nói, cho con một cảm giác an toàn thì dần dần con sẽ biết tự đối mặt với nỗi sợ một mình. Tôi không bao giờ cho con xem phim kinh dị và đọc truyện ma mãnh cho con nghe”, anh nói. 



Sợ hãi có thể khiến trẻ luôn cảm thấy không an toàn. 
Ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ có thể giúp con vượt qua nỗi sợ hãi bằng những mẹo nhỏ sau đây!

Con sợ bóng tối, mẹ đã có cách! 2
Chia sẻ