Con mình có tính ăn cắp?
“Này, chị dạy con sao mà để con đi ăn cắp của người ta vậy? Nhà chị có thiếu thứ gì đâu?”.
Lời mắng vốn của chị hàng xóm làm tôi không biết chui vào đâu. Tức giận, tôi lôi thằng bé vào nhà, đánh cho ba roi thật đau. Nó khóc gào lên, càng gào tôi càng đánh. Tôi như đang trút nỗi nhục nhã khi bị một người hàng xóm trách móc. “Sao có thể có chuyện con ăn cắp?”. Đánh con xong, vào bếp uống cốc nước, bình tĩnh lại tôi mới tự hỏi.
Tối hôm đó tôi nói chuyện với chồng, chồng tôi cũng bất ngờ, anh quay sang trách tôi không biết dạy con, suốt ngày chỉ biết công việc. Tôi bực bội, đã không cùng mình dạy con lại còn trách. Chúng tôi cứ thế lời qua tiếng lại, vẫn không tìm được nguyên nhân vì sao con như vậy.
Sáng hôm sau tôi đến phòng tham vấn của Nhà Văn hóa Phụ Nữ TP.HCM tìm gặp chuyên viên tâm lý. Sau gần hai giờ tìm hiểu về gia đình, quan hệ bạn bè của cháu, chuyện trường lớp... chuyên viên tâm lý cho biết có nhiều đứa trẻ tương tự con tôi. Chị đưa ra một số nguyên nhân có thể làm cho trẻ có hành vi ăn cắp vặt: trẻ thích món đồ của người khác mà mình không có; trẻ đang có nhu cầu dùng nhưng chưa được cha mẹ cho mua; trẻ tò mò muốn lấy đồ vật của người khác nhằm khẳng định với bạn bè là trẻ có nhiều thứ... Nhưng, nguyên nhân sâu xa là ở vấn đề tâm lý của trẻ.
Tôi nhận ra con tôi ở nhà rất cô đơn. Nó chỉ có vài đứa bạn hàng xóm. Ở trường quốc tế mà con tôi đang học lại toàn con nhà khá giả. Con tôi đã từng kể các bạn ở lớp có cái này, cái kia nhưng tôi ít để ý và thường bảo nhà mình không có điều kiện bằng nhà bạn nên con đừng so sánh. Trả lời qua loa như vậy rồi tôi lo việc nhà nên cũng hiếm khi trò chuyện lâu với con. Có thể con tôi do mặc cảm, tự ti, cô đơn mà sinh tật xấu.
Tôi bỗng giật mình vì không thường xuyên kiểm tra đồ đạc của con. Tôi cũng ít quan tâm đến con xem con có cần gì để mua. Tôi nhận ra mình còn nhiều thiếu sót trong việc dạy con.
Được chuyên viên tâm lý phân tích, động viên, tôi đã liệt kê một số việc nên làm:
1. Không đánh, mắng con.
2. Hỏi chuyện con để tìm hiểu tại sao lại lấy đồ đạc của hàng xóm, lấy để làm gì?
3. Phân tích cho con việc lấy đồ vật của người khác là xấu như thế nào, người khác bị con đánh cắp đồ vật sẽ cảm thấy ra sao?
4. Cùng con soạn đồ đạc không phải của cháu để mang đi trả. Tôi sẽ cùng đi với con và giúp con xin lỗi họ.
5. Thường xuyên gần gũi con hơn, trò chuyện với con, động viên con nhiều hơn để con tự tin với bản thân.
6. Đưa con đi mua sắm những món mà con thích, cho con chọn mua trong phạm vi số tiền nhất định.
7. Thường xuyên kiểm tra các vật dụng, đồ chơi của con.
8. Khuyên chồng gần gũi với con hơn, tạo điều kiện để cả nhà bên nhau nhiều hơn.
9. Giúp con chơi thân thiết với bạn bè, quý mến, trân trọng bạn bè.
Trò chuyện với người tham vấn, tôi cảm thông với con hơn là trách giận cháu. Tôi cảm thấy hối hận vì đã đánh con. Tôi tự nhủ lỗi của con cũng là lỗi do mình chưa làm tròn trách nhiệm làm mẹ, chưa thật sự hiểu con, chưa đáp ứng được nhu cầu của con. Sau khi áp dụng các biện pháp trên, tôi thấy mối quan hệ của tôi và con trở nên thân thiết hơn. Con tôi không còn lặng lẽ mà trở nên vui vẻ, linh hoạt hơn, kể chuyện ở trường lớp với mẹ và bố nhiều hơn. Vài tháng quan sát tôi thấy cháu không mang đồ lạ về nhà nữa. Tôi còn thử con bằng cách để tiền vài nơi trong nhà nhưng con không hề lấy.
Tôi mừng lắm. Đúng như chuyên viên tâm lý đã lưu ý: khi trẻ không được quan tâm, thiếu tình yêu thương từ người thân trẻ sẽ có nhiều hành động mà chúng ta không thể lường trước được. Nên gần gũi, quan tâm, thương yêu, động viên khích lệ trẻ.
Tôi viết lại câu chuyện này mong được chia sẻ với các bậc cha mẹ.