Chuyện của người mẹ không hoàn hảo

Theo Bình Minh Mưa/ Lửa ấm,
Chia sẻ

Tôi vẫn cho rằng nghề khó nhất trên đời này là nghề làm cha mẹ và ngay cả những tấm bằng chuyên ngành về giáo dục đôi khi cũng chẳng giúp ích gì.

Không thiếu những đứa trẻ hư lớn lên trong gia đình có cha mẹ là thầy cô giáo. Quả là chẳng hề dễ dàng để trở thành người thầy thực sự của con mình trong trường học cuộc đời.

Hai “công chúa nhỏ” nhà tôi nay đã lớn lắm rồi – Nu 27 tuổi và Na 24 tuổi. Theo chuẩn mực chung thì còn lâu tôi mới được gọi là một bà mẹ hoàn hảo. Tôi chia tay chồng khi con gái nhỏ mới 4 tuổi, con gái lớn chỉ 7 tuổi. Tôi không giành được quyền nuôi con nên Nu và Na đều ở với bố tại một thành phố cách xa tôi cả nghìn cây số. 

Thời gian đầu tôi gần như phát bệnh. Tôi luôn bị giày vò, luôn cảm thấy mình có lỗi khi để chúng lớn lên mà không có mẹ ở bên. Tuy tôi vẫn thường xuyên liên lạc với các con (viết thư đều đặn mỗi tuần, gửi quà bất cứ lúc nào có thể) nhưng hiếm hoi mới có dịp tôi  được gặp chúng. Mãi đến khi Nu và Na đã lớn hẳn thì mẹ con mới có được gặp nhau thường xuyên. Sau khi tốt nghiệp đại học, Nu đã chuyển đến sống cùng tôi. Còn Na hiện vẫn là sinh viên. Tuy học xa, nhưng bất cứ lúc nào có thể là nó lại lao đến với mẹ và chị.

Mặc dù không sống cùng mẹ gần như suốt những năm ấu thơ nhưng các con vẫn yêu quý và tôn trọng tôi. Còn tôi, cho đến lúc này vẫn giống như một người bạn lớn của chúng, vẫn là “quân sư” cho chúng trong mọi chuyện.  

Nhiều người nói rằng tôi quá may mắn khi con cái vẫn ngoan ngoãn trong hoàn cảnh tan đàn xẻ nghé như vậy. Tôi ngẫm lại, có lẽ đó là nhờ các con tôi đã được dạy dỗ đúng cách trong những năm tháng đầu đời...

Trẻ con là… giấy quỳ

Mặc dù tôi không phải nhà sư phạm và mặc dù bất đồng với nhau trong nhiều chuyện, nhưng riêng chuyện dạy con thì chồng tôi rất tôn trọng vợ. Ngay cả lúc tranh cãi, chúng tôi cũng tranh cãi một cách lịch sự: không cao giọng om sòm, không phùng má trợn mắt. Chúng tôi cũng không “đóng cửa bảo nhau” hay diễn kịch trước con cái, Nu và Na thậm chí còn là “nhân chứng” của không ít cuộc tranh luận giữa bố và mẹ. 

Tôi nghĩ, chẳng cần phải làm bộ với con cái rằng mọi thứ giữa bố và mẹ vẫn tuyệt vời khi mà thực tế không phải như vậy. Đừng mất công đánh lừa con trẻ bởi chúng cực kỳ nhạy cảm.Y như những mẩu giấy quỳ, chúng dễ dàng đo được nồng độ axit hay kiềm đang hiện diện trong “dung dịch gia đình” mình. Và chúng sẽ vô cùng hoang mang, đau khổ nếu như người lớn cố tình lừa gạt chúng. 

Tôi vẫn biết ơn chồng cũ vì anh không bao giờ bênh con khi tôi phạt chúng. Tôi cũng vậy, nếu như chồng tôi áp dụng cách giáo dục nào đó với các con, tôi sẽ không can thiệp ngay cả khi trong thâm tâm tôi không đồng ý.   

Chuyện của người mẹ không hoàn hảo 1
Nhiều người nói rằng tôi quá may mắn khi con cái vẫn ngoan ngoãn trong hoàn cảnh tan đàn xẻ nghé như vậy. Tôi ngẫm lại, có lẽ đó là nhờ các con tôi đã được dạy dỗ đúng cách trong những năm tháng đầu đời... (Ảnh minh họa)

Cá nhân tôi cho rằng nếp nhà với các hình thức thưởng phạt phân minh là rất quan trọng đối với trẻ nhỏ. Chỉ có điều là trẻ phải biết rõ: với tội danh nào thì chúng sẽ bị phạt ra sao. Vợ chồng tôi không bao giờ chửi mắng con cái. Khi không hài lòng tôi chỉ cần biểu lộ bằng ánh mắt nghiêm khắc và tông giọng nói trầm xuống. Còn nếu to tội, Nu và Na có thể sẽ phải  úp mặt vào tường và lãnh vài roi quắn đít.

Tôi không bao giờ nói dối các con và chúng cũng hiểu rằng sự thật dù đáng buồn thế nào thì tôi cũng dễ chấp nhận hơn là những lời xảo trá tinh vi. Một nguyên tắc nữa là tôi chỉ phê phán những hành vi cụ thể của Nu và Na, chứ không quy kết đó là bản chất của con. Tôi đã đọc ở đâu đó đại ý: nếu cha mẹ cứ chụp mũ cho trẻ là xấu xí, ngu ngốc, hèn nhát, kém cỏi, thì rồi trẻ cũng đâm ra xấu xí, ngu ngốc, hèn nhát, kém cỏi y như “lời nguyền” của họ vậy. Cho nên, mỗi khi có cơ hội là tôi lại nhấn mạnh với Nu, Na rằng chúng là những cô bé xinh xắn, thông minh, dũng cảm, tài ba nhất.  

“Lãnh địa” nhỏ và “event” hoành tráng 

Tôi cũng đọc được rằng mỗi đứa trẻ rất cần có một không gian riêng tư. Thời đó, gia đình tôi sống trong một căn hộ tập thể chỉ có duy nhất một phòng, và “không gian riêng tư” mà mỗi cô con gái nhỏ của tôi được chia là một… ngăn kéo tủ. Mỗi chiếc ngăn kéo đã trở thành một “lãnh địa” để hai “cô chủ nhỏ” cất giữ những “báu vật” và ngay cả bố mẹ cũng chỉ được phép “tham quan” khi có lời mời từ chủ nhân.

Ngay từ lúc Nu và Na còn bé tí tôi đã tập cho các con thói quen đọc sách. Cứ tối đến, trước khi hai bé đi ngủ, dù bận việc gì tôi cũng gác lại để đọc sách cho chúng nghe. Những cuốn sách với những câu chuyện mê ly ấy được hai bé rất nâng niu. Hai con tôi đều biết đọc từ lúc 4 tuổi chính là nhờ vào những cuốn sách ấy. Sau này, khi ở xa các con, tôi còn đọc nguyên cả cuốn “Không gia đình” và “Cánh buồm đỏ thắm” để thu vào băng cát xét gửi cho chúng nhân dịp sinh nhật. 

Thời tôi còn ở cùng các con, sinh nhật nào của Nu và Na cũng biến thành ngày hội của đám nhóc tì khu tập thể. Tôi trang hoàng căn phòng nhỏ bằng đủ thứ hình ảnh ngộ nghĩnh, hoa lá rực rỡ rồi nghĩ ra những kịch bản vui nhộn và đích thân làm MC để dẫn dắt “event”. Thi thoảng tôi còn bày trò diễn kịch cùng các con. Giường ngủ biến thành sân khấu, mùng mền biến thành phông màn và các con tôi biến thành cô bé quàng khăn đỏ, nàng Bạch Tuyết hay Lọ Lem...

Cho con quyền “tự quyết” 

Thật may là tôi đã sớm dạy cho hai con ý thức độc lập. Tôi có thể để hai bé ở nhà với nhau mà không lo chúng nghịch dại. Nu và Na cũng không hề sợ phải ở nhà một mình. Chúng thậm chí còn thích thú khi được mẹ giao cho quyền tự quản. Trong chuyện ăn uống, tôi cũng để các con “tự quyết”. Tôi không bao giờ ép Nu hay Na ăn khi chúng không muốn. Tôi tin rằng không ăn có nghĩa là chúng không đói. Anh bạn tôi là bác sĩ dinh dưỡng từng bảo rằng trong chuyện này trẻ con thông minh hơn người lớn: chúng chỉ ăn khi cơ thể đòi hỏi.   

Những gì tôi vừa kể trên có lẽ là những nguyên tắc cơ bản mà tôi đã tuân theo khi dạy dỗ hai con gái nhỏ. Ai đó từng nói rằng trẻ con dưới 5 tuổi giống như thỏi đất sét mà từ đó người ta có thể nhào nặn nên bất cứ hình hài nào. May sao chính trong năm năm đầu đời nền tảng ấy tôi đã được ở bên hai con và có thể dạy bảo chúng những điều quan trọng, đã góp phần tạo dựng một nền tảng nhân cách tốt cho chúng. 

Tất nhiên là Nu và Na đã chịu thiệt thòi khi phải sớm rời xa vòng tay mẹ, khi không có mẹ ở bên vào những thời khắc khó khăn của của tuổi dậy thì. Các con đã phải sớm tự lập, phải sớm tiếp cận với cuộc sống không chỉ có màu hồng. Nhưng, đi qua khó khăn, chúng vẫn lớn lên thành những cô gái tốt bụng, thông minh, đáng trân quý.

Tuy không có được một mái ấm đúng nghĩa, nhưng bù lại hai con tôi đã có được một trong những điều tốt đẹp nhất mà không phải đứa trẻ nào cũng có – đó chính là một tình bạn thật sự từ phía cha mẹ mình. Với tình bạn đó, chúng không chỉ được yêu thương, chăm sóc mà còn tôn trọng và tin cậy nữa. 
Chia sẻ