Câu chuyện về cuộc hành trình
làm mẹ đã giúp hai chúng tôi từ những người hoàn toàn xa lạ trở nên gần gũi và đồng cảm với nhau như đã thân thiết từ rất lâu rồi.
Chào Minh Trang, ưu tiên nói về ấn tượng đầu tiên của mình nhé. Daisy – con gái bạn còn rất nhỏ nhưng mẹ Trang đã thường xuyên cho con đi thư viện?
- Từ khi học cấp 1, mình đã là một độc giả thân thiết của Thư viện Hà Nội nên khi đưa con gái đến thư viện, các cô thủ thư, bác bảo vệ hồi đó ai cũng nhận ra. Sách là người thầy lớn nhất của mình, là thứ nuôi dưỡng tâm hồn và gieo mầm những suy nghĩ, tính cách của mình nên mình cũng muốn Daisy có được một thế giới phong phú và yêu quý những cuốn sách.
Đặc biệt khi làm công việc trông trẻ ở Mỹ, đều đặn 1 tuần 3 lần, mình phải đưa 3 con nhỏ của nhà chủ đi thư viện công cộng của thành phố. Nhìn thấy sự đam mê sách của lũ trẻ, từ việc háo hức đi thư viện hàng tuần, đến phòng ngủ lúc nào cũng đầy sách truyện… mình đã ấp ủ rồi áp dụng với con gái thói quen “làm bạn với sách” ngay từ khi còn rất nhỏ.
Ở Thư viện Hà Nội, có một cô thủ thư của phòng đọc thiếu nhi từ hồi mình còn đọc sách, giờ cô lớn tuổi hơn nhiều rồi, nhưng tâm huyết vẫn còn đó, cô đã lập một góc riêng tên là “Mẹ và bé”, có lát sàn gỗ, rộng chừng 20m2, trong đó có những giá sách thấp vừa tầm đứng của bé 1 tuổi, toàn là sách ảnh, cuốn nhỏ, bìa và trang sách dày, loại dành cho trẻ có thể xé thoải mái mà không rách, rồi còn có đồ chơi gỗ, thú bông… Tuy chỉ rộng chừng 20m2 nhưng các mẹ và bé có thể cùng nhau nằm ra sàn hoặc ôm nhau vào lòng và đọc sách. Daisy tới đó chỉ đòi ở lại chứ chưa bao giờ bị về giữa chừng vì khóc quấy.
Hai mẹ con Minh Trang lúc nào cũng rạng rỡ và tràn đầy năng lượng khi bên nhau. (Ảnh: Pipi)
Sinh con ở Mỹ, vì sao Trang lại quyết định đưa con về Việt Nam, có bao giờ Trang thấy tiếc vì đã không ở lại Mỹ để có điều kiện nuôi dạy con tốt hơn?
- Mình có tiếc, nhưng nếu được lựa chọn lại, sẽ vẫn chọn trở về. Môi trường cho trẻ em ở Việt Nam hiện giờ được cải thiện hơn rất nhiều. Điều quan trọng là nhận thức và cách giáo dục trong gia đình như thế nào, chọn trường học cho con ra sao… vì nó sẽ quyết định rất lớn đến việc hình thành nhân cách, cá tính và vốn hiểu biết của con những năm tháng sau này. Mình cảm thấy tự tin ở những gì mình đã học tập, quan sát được về cách giáo dục con cái của người Mỹ nên cũng tự tin quyết định trở về.
Bài học làm mẹ thú vị và quý giá nhất mà Trang học được từ các gia đình ở Mỹ là gì? Điều đó ảnh hưởng như thế nào đến việc nuôi dưỡng Daisy?
- Điều mình khâm phục và ngưỡng mộ
cách dạy con của cha mẹ Mỹ là ngoài việc dạy con tự lập, đối xử công bằng, lắng nghe con... họ rất biết cách dạy con trân trọng những gì mình có. Gia đình mình giúp trông lũ trẻ thuộc dạng trung bình khá so với mặt bằng của các gia đình Mỹ, bố làm luật sư, mẹ làm giáo viên cấp 2 nhưng trong nhà của họ có duy nhất một chiếc TV 19inch màn hình CRT cong veo rất cổ lỗ. TV không kết nối truyền hình cáp, chỉ dùng để chơi đĩa DVD, và một tuần, cả nhà quy định một ngày xem phim duy nhất vào thứ 4. Ngày hôm đó được bọn trẻ mong ngóng, giống như một sự kiện, một phần thưởng, một thứ gì đó thật sự quý giá.
Dù có tiền, nhưng họ mua sắm rất chừng mực cho con cái, chỉ mua vào những dịp đặc biệt, có lý do cụ thể, trước khi mua sẽ kể chuyện về món đồ đó cả tuần, hỏi chúng có thích không, nếu có thì thích màu gì, loại gì rồi cùng con đi mua, vì thế, món đồ được mua thường được tất cả các con trân trọng, nâng niu, và mỗi khi chỉ vào một món đồ chơi gì, đứa nào cũng có thể đọc vanh vách món đó các bạn ấy có được trong dịp gì. Cách giáo dục đó của cha mẹ Mỹ đã tạo nên những đứa trẻ dù bố mẹ chúng có là tỷ phú hay chính khách, mùa hè chúng vẫn đi làm thêm ở quán ăn để tự kiếm tiền tiêu vặt, biết trân trọng những gì mình có từ những điều nhỏ nhất.
Daisy được mẹ đưa đến những nơi đã gắn bó với mẹ từ bé như thư viện, đi bộ đi học hàng ngày và luôn vui vẻ, hồn nhiên.
Hành trình làm mẹ chắc hẳn là một hành trình tuyệt vời nhưng cũng vô cùng vất vả, điều khó khăn nhất mà Trang đã trải qua từ khi làm mẹ là gì?
- Mình thấy khó khăn nhất là làm sao để giữ vững lập trường nuôi dạy con. Vì ông bà, cô dì chú bác, những người đi trước nhiều kinh nghiệm và hết mực yêu thương con cháu luôn ở bênh cạnh, nhưng đó đôi khi cũng là một bất lợi. Từ bản thân mình mà nói, mình đã không ít lần tranh cãi với các cụ về cách dạy con, từ những chuyện nhỏ xíu như không xem TV, chơi iPad, không xi tè/ ị theo kiểu bế ngồi xổm (vì như thế sẽ làm giãn cơ hậu môn của con)… cho đến chuyện đi nhà trẻ khi nào, học trường nào…
Mình may mắn có ông bà cũng cầu thị và chịu khó lắng nghe con cháu, đưa bài báo nọ kia ra, ông bà cũng sẵn sàng đọc và tiếp nhận, đưa ra lý do đủ thuyết phục, ông bà cũng nghe… Nhưng rõ ràng không phải gia đình nào cũng có được sự cảm thông như vậy, vì thế, hãy kéo ông bà vào việc nuôi dạy cháu một cách khéo léo để cùng tận hưởng niềm vui.
Mục tiêu lớn nhất của mẹ Trang là giúp Daisy trở thành một cô bé độc lập, tự tin và hạnh phúc, điều đó có đúng không?
- Đúng vậy! Trước kia, khi mang bầu, mình tưởng tượng và ước ao đủ thứ, nào là con sinh ra phải xinh đẹp, giỏi giang, nhưng khi mang nặng đẻ đau, những tháng ngày khó khăn đầu tiên (hai vợ chồng mình nuôi con 3 tháng đầu ở Mỹ mà không có sự giúp sức nào của ông bà nội ngoại) thì lúc đó chỉ mong con khỏe mạnh, vui tươi, ngoan ngoãn là đủ.
Hãy để con chủ động, tự tin khám phá thế giới, mẹ chỉ cần là người bạn đồng hành thấu hiểu của con, cùng con chia sẻ những điều tuyệt vời mà con đang được trải nghiệm.
Đó là lý do vì sao không thấy Trang quá nặng nề trong việc theo các phương pháp giáo dục sớm trong việc nuôi dạy Daisy và chủ yếu là dành thời gian bên con để hiểu con?
- Mình không phủ nhận những hiệu quả của các phương pháp dạy con đó, nhưng thực sự, là một người mẹ phải đi làm toàn thời gian như mình, về nhà chỉ có thể chơi với con từ 5h chiều đến 9h tối là con ngủ, vừa phải nấu ăn, cho con ăn, dọn dẹp, tắm rửa cho con rồi cho con đi ngủ, mình ưu tiên việc nói chuyện, chơi với con, cùng con hình thành cảm xúc, tính cách, suy nghĩ về thế giới quan xung quanh hơn. Kỹ năng và hiểu biết cũng từ đó mà ra cả.
Ấn tượng về Minh Trang trong mắt mọi người là một cô bé MC hồn nhiên, trong sáng, dễ thương và tài năng, vậy Trang tự nhận thấy mình là một người mẹ thì như thế nào?
- Mình là một “self-taught Mom”, nghĩa là trước khi làm mẹ, kiến thức hoàn toàn bằng 0, mình vừa nuôi con vừa học, và cảm thấy mỗi ngày trôi qua lại học thêm nhiều điều thú vị, không chỉ về cách dạy con, mà còn tự rèn luyện và học được cho bản thân mình nhiều điều. Mình cũng run lắm vì lần đầu làm mẹ, không biết trước mắt là những gì đang chờ đợi, nhưng mình không sợ vì nếu biết trước thì chẳng còn thú vị nữa.
Điều gì Daisy thường làm khiến trái tim mẹ Trang tan chảy?
Mình có thể ngằm con gái ngủ cả ngày không chán. Có lẽ lúc ngắm con ngủ là lúc mình cảm thấy tim mình tan chảy nhất, cảm thấy mình có thể làm mọi điều, vượt mọi khó khăn để đổi lại những giấc ngủ ngon lành và những giây phút bình yêun như vậy bên con.
Cảm ơn Minh Trang về những chia sẻ.
“Cho con đi nhà trẻ sớm, chẳng có gì là “nhẫn tâm”cả!!! Là một người mẹ trẻ cá tính và độc lập trong cách nuôi dạy con, bé Daisy nhà Minh Trang đi học mẫu giáo từ khi 12 tháng tuổi, lúc con chưa biết đi, chưa biết nói… và đến nay chưa hề nghỉ học buổi nào vì ốm, mỗi ngày đến trường của con là một ngày vui, tràn ngập khám phá, và tình yêu thương. Chia sẻ nỗi băn khoăn của nhiều bà mẹ trẻ về chuyện cho con đi nhà trẻ, mẹ Daisy cho rằng, khi đi học sớm, các con sẽ có rất nhiều cái lợi, đó là ở nhà có rộng đến mấy, cũng không thể rộng bằng ở lớp. Ở nhà có nhiều đồ chơi đến mấy, cũng không thể nhiều bằng ở lớp. Ông bà, giúp việc dù có yêu thương con đến mấy, nhưng cũng không thể ở bên cạnh con 100%. Hơn nữa, “ông bà hay giúp việc, không phải là chuyên gia”, ông bà dù có yêu thương cháu nhiều đến mấy, giúp việc có tuyển chọn đến mấy, thì cũng không thể có nghiệp vụ sư phạm, được đào tạo bài bản trong việc chăm sóc và giáo dục cho trẻ như các cô ở trường (tất nhiên, cần cực kỳ tỉnh táo và cẩn thận khi lựa chọn trường cho con)… Vì thế, đi học sớm, con sẽ hiểu biết nhanh hơn, nhiều hơn, hạn chế tối đa việc con lạ, khóc, quấy vào những ngày đầu tiên. |