Bố mẹ chẳng nên đánh con

,
Chia sẻ

Giục con uống sữa mãi không nghe, bố Mon điên quá, bạt tai cho con 2 cái: “Có uống nhanh không thì bảo. Không uống thì thôi, không phải uống nữa”.

Hơi tí là bị bố đánh

Sáng dậy đã muộn, bé Mon còn loanh quanh chưa chịu uống sữa ăn bánh để đi học. Bố cứ phải giục suốt: “ Mon ơi, uống sữa nhanh để bố đưa con đi học nào”. Giục mấy lần, Mon vẫn mải xem quảng cáo trên tivi.

Mẹ Mon còn bảo: “Dạo này hư thế không biết. Ngày xưa cứ đưa cốc sữa là uống răm rắp…”. Thế là bố Mon điên quá, bạt tai cho con 2 cái: “Có uống nhanh không thì bảo. Không uống thì thôi, không phải uống nữa”.

“Mon, con xuống ngay. Sao bàn làm việc của mẹ mà con cứ trèo lên thế hả? Nói không nghe là bố lại đánh đòn cho đấy”. Mon nghe thấy thế, sợ quá, vội trèo ngay xuống.

Lần trước bố bảo không được ném đồ chơi, thế mà Mon lại dỗi, ném ngay về phía bố. Cứ nói đến 3 câu mà không nghe, là bố đánh luôn. Bố đánh đít hay bạt tai đều đau cả. Cứ mỗi lần bố ở nhà, con im thin thít, sợ bố nóng tính, hơi một tí là đánh.

Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, các con có thể làm trái ý bố mẹ để thu thút sự chú ý của bố mẹ vì bé cảm thấy thiếu sự quan tâm.

Bố mẹ hãy tự hỏi xem đã chơi với con được bao nhiêu phút trong một ngày? Hay mới chỉ quan tâm đến những việc cho con ăn uống, vệ sinh, mua đồ chơi... và để mặc con chơi quanh quẩn để bố mẹ làm việc khác. Nếu không điều chỉnh ngay, lúc nào bố mẹ cũng quát mắng, thậm chí đánh con, rất có thể trẻ con sẽ thu mình lại với bố mẹ, chui vào vỏ ốc của riêng mình…
 
Bố mẹ có thể dùng nhiều hình phạt khác thay cho đánh con

Cho dù thế nào, bố mẹ cũng không nên đánh con

Nguy cơ lớn nhất sẽ làm tổn thương về thể chất của con. Khi quá mạnh tay, bạn có thể gây ra những chấn thương nặng như gãy xương, bầm tím và tổn hại về thần kinh.

Trừng phạt về thể chất sẽ tạo khoảng cách về sự tin tưởng của con cái và cha mẹ.

Đánh con thường xuyên sẽ làm cho mọi việc tệ hơn và không cải thiện được hành xử của con. Nó có thể dẫn tới các hành động như lừa dối, ăn cáp, bắt nạt hoặc hành hung anh chị em, bạn bè và trẻ không thể nhận biết được mình đã làm sai điều gì.

Khi bị đánh, trẻ sẽ hiểu rằng bạn ủng hộ bạo lực và trẻ được phép đánh những người nhỏ bé, yếu ớt hơn mình.

Nỗi sợ hãi không có tác dụng dạy trẻ cư xử đúng đắn mà sẽ khiến trẻ chỉ vân lời khi người đánh trẻ ở gần bên.

Những ký ức giận và đau đớn trong tuổi thơ sẽ ám ảnh đến tận khi trẻ trưởng thành.

Khi đánh trẻ, cha mẹ sẽ mất đi cơ hội giúp trẻ sửa chữa hành động sai trái và học được cách cư xử tốt hơn.

Thông thường, cha mẹ hay đánh trẻ vì những hành vi có liên quan đến các nhu cầu thiết yếu như ăn, ngủ, khám phá những điều xung quanh và như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của trẻ.

Đánh trẻ chỉ có tác dụng chấm dứt hành động sai trái của trẻ ngay lúc đó. Nhưng cách giải quyết khác như trò chuyện, giảng giải cho trẻ hiểu… sẽ có kết quả tốt hơn và sẽ tránh được vấn đề liên quan đến bạo lực.

Trẻ sẽ học tốt nhất qua việc thảo luận và quan sát người lớn cẩn thận, có trách nhiệm và kỷ luật.

Bố mẹ đánh con nhiều sẽ khiến con dạn đòn và lần sau đòn roi với con sẽ không có tác dụng nữa. Áp dụng việc đánh đòn có vẻ hữu hiệu đối với những đứa con cứng đầu, dễ bị kích động, quậy phá quá mức…

Bố mẹ chỉ nên đánh con bằng tay (khi con bạn còn nhỏ), hoặc dùng roi (khi con bạn đã lớn) nhưng chỉ đánh vào mông và đánh ít. Đừng quất túi bụi, dễ gây ra hậu quả đáng tiếc. Và phải ghi nhớ rằng luôn luôn đi kèm việc đánh đòn với việc phân tích lỗi lầm, đưa ra lời dạy bảo cương quyết và hậu quả.
 
Nam Hải
(Tổng hợp)
Chia sẻ