Mẹ trẻ dạy con về TIỀN: Thực hành hơn lý thuyết suông, không ngại đi nhặt từng lon bia bán lấy tiền

Hướng Dương HT,
Chia sẻ

Theo chị Vũ Thúy Hằng, không phải để con lớn mới dạy chúng về tiền, mà ngay khi các con còn nhỏ người mẹ này đã cho con tiếp xúc với tiền.

Người xưa hay có quan niệm: "Hy sinh đời bố để củng cố đời con", hay "cố gắng làm lụng vất vả để con cái được sống sung sướng về sau". Nhưng cha mẹ không biết rằng, chính quan điểm cố gắng làm mọi thứ để con cái thừa hưởng cuộc sống sung túc, an nhàn là đang hại con mình. Cha mẹ đang đẩy con cái vào bẫy chia rẽ, cắn xé lẫn nhau để tranh giành tài sản. Biến chúng thành những kẻ lười biếng, ăn không ngồi rồi...

Cha mẹ thời xưa rất ngại nhắc đến "Tiền" đối với con cái. "Tiền" được xem là vấn đề nhạy cảm. Nhưng chúng ta không biết được rằng, tiền luôn hiện diện trong cuộc sống hàng ngày. Việc không dạy con nhạy cảm với tiền là cha mẹ đang bỏ qua bài học quản lý tiền nong và tài chính cá nhân của trẻ. Để thành công trong tương lai, đòi hỏi trẻ phải biết phối hợp nhiều kỹ năng, không đơn thuần điểm số ở trường. Một trong những kỹ năng đó là hiểu biết về tiền và sử dụng đồng tiền. Đây được xem là kỹ năng sống còn.

Xuất phát từ suy nghĩ này, ngay từ khi 3 con còn nhỏ, chị Vũ Thúy Hằng (34 tuổi, hiện đang sinh sống và làm việc tại Thụy Điển) đã cho chúng tiếp xúc với tiền.

Bà mẹ 3 con chia sẻ: "Mỗi cá nhân hay gia đình chúng ta đều có những bài toán chi tiêu riêng. Quản lý tài chính như thế nào là hợp lý? Với mỗi hoàn cảnh chúng ta sẽ có cách giải quyết khác nhau. Nhưng đã bao giờ chúng ta hỏi: Mình biết làm ra tiền và tiêu tiền hợp lý khi nào? Trẻ con có nên làm quen với tiền không?".

Để dạy trẻ biết quý trọng đồng tiền, chị Thúy Hằng quyết định cho con thực hành, hơn là việc dạy lý thuyết suông. Theo chị, nếu cha mẹ chỉ thao thao bất tuyệt "con phải thế này, phải thế kia, con phải tiết kiệm, con phải chăm chỉ kiếm tiền..." thì con sẽ rất mau quên.

Chị Hằng cho con tiếp xúc với tiền từ khá sớm.

6 bài học về tiền mẹ đảm dạy con

1. "Để có tiền chúng ta phải làm việc chăm chỉ và vất vả"

Chị Hằng chia sẻ, sau mỗi ngày dài đi làm về, cơ thể chị đầy mệt mỏi. Mỗi tối trước khi đi ngủ, chồng giúp chị mát xa vai gáy. Chị kể cho các con nghe mỗi ngày chị phải làm bao nhiêu tiếng, bao nhiêu khách (gia đình nhà chị làm tiệm nail), có kịp ăn trưa không. Và chị tin con chị sẽ hiểu bố mẹ đã phải vất vả thế nào để kiếm tiền lo cho gia đình. Bởi chị để ý, sau mỗi chiều đi làm về, các con đã bảo nhau dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, giúp nhau tắm rửa và cho nhau ăn.

2. "Con làm gì để có tiền?"

Bà mẹ 3 con cho hay: "Đó là câu hỏi bọn nhỏ đã hỏi mình vào mùa hè năm ngoái. Chúng muốn trải nghiệm cảm giác tự kiếm được tiền. Sau 1 hồi thảo luận, mình bảo con: “Con bé chưa đủ tuổi đi làm, hay con đi nhặt lon đi!” (Nhặt lon chính là nhặt ve chai ở Việt Nam). Khu nhà mình ở có 1 bến cảng nhỏ, mùa hè khách du lịch nhiều. Những vỏ chai lon bia dùng xong họ để bên vệ đường, nhặt đem vào máy mua lon tự động bán sẽ có tiền. 

Con mình hào hứng lắm! Mỗi lần đi ngoài đường chúng nhặt được cái lon là hét toáng lên: “Mẹ ơi! 1 đồng này!”. Có lần mình dẫn con đi dạo con đang mải mê nhặt vỏ lon thì gặp các bạn cùng lớp, chúng chạy đến chào và hỏi chuyện với con. Khi bạn đi rồi, mình hỏi: “Con gặp bạn khi nhặt lon, con có ngại không?”. Con mình ngạc nhiên hỏi lại: “Sao lại ngại? Mình không làm gì xấu đâu!”. Đúng thật! Mọi việc làm ra tiền một cách chính đáng bằng chính sức lao động của mình thì chẳng có gì là xấu".

Để có tiền, con không ngại đi nhặt từng lon bia, nước ngọt để đem bán.

3. "Chúng ta tiêu tiền vào việc gì? Cái gì cần thiết hơn"

Chị Hằng để ý, từ khi con nhặt vỏ lon kiếm tiền, thì chúng bắt đầu tính toán hơn trong việc chi tiêu. Con không còn tiêu tiền 1 cách vô nghĩ nữa, mà chúng cân nhắc rất cẩn thận xem tiền này nên tiêu vào việc gì? Cái gì cần thiết hơn.

"Để lựa chọn giữa mua 1 món đồ chơi và mua 1 đôi giày mùa thu, chúng sẽ biết cái nào cần thiết hơn và đưa ra lựa chọn phù hợp. Nếu ngày trước tuần nào chúng cũng mong mẹ dẫn ra nhà hàng ăn kem ly 1 lần thì bây giờ anh cả bảo các em: “Thỉnh thoảng mình mới đi thôi! Có thể mua kem siêu thị ăn cho rẻ. 1 ly kem bằng 90 cái lon đấy”. Và 2 đứa em cũng nghe theo!" - Chị cười.

4. “Khi con chăm chỉ làm việc thì con sẽ được hưởng thành quả lao động”

Con chị từng thắc mắc rằng, tại sao mẹ được mua điện thoại mới. Và con cũng muốn mua 1 chiếc Ipad mới. Nhưng bà mẹ này đã phân tích cho con hiểu, chị đã phải làm việc chăm chỉ để có tiền mua điện thoại mới. Và chiếc điện thoại này xứng đáng với công sức và lao động chỉ bỏ ra. Ngược lại, nếu con muốn có 1 chiếc máy tính bảng mới, con cũng phải nỗ lực.

5. "Chúng ta nên tiết kiệm"

"Một sự thật là mình ít mua quần áo cho con, nhưng con mình lại có rất nhiều quần áo. Bọn nhỏ nhà mình có rất nhiều anh chị em họ nên việc dùng lại quần áo, đồ chơi của các anh chị em là bình thường. Mình tạo cho con suy nghĩ tích cực khi nhận lại đồ của anh chị cho: “Anh chị quý con thì mới tặng đồ cho con”. Con rất vui vẻ và chân trọng những món đồ ấy chứ không chê bai hay ghét bỏ. 

Mình tập cho các con thói quen tiết kiệm: tiết kiệm đồ ăn (không để thừa đồ ăn dù món đó con không thích), tiết kiệm nước (không xả nước thừa thãi), tiết kiệm điện (tắt các thiết bị điện khi không dùng). Và tiết kiệm cả những thứ không cần thiết, không mua sắm tràn lan. Mỗi lần mẹ hỏi: “Con muốn nữa không?” Khi đã đủ chúng sẽ trả lời: “Mẹ ơi! Đủ rồi!”" - bà mẹ chia sẻ.

Mẹ trẻ dạy con về TIỀN: Thực hành hơn lý thuyết suông, không ngại đi nhặt từng lon bia bán lấy tiền - Ảnh 3.

"Thỉnh thoảng mình cho con đi siêu thị, cho con tập tính toán xem với số tiền đã định thì sẽ mua được những gì? Mua cái gì cần thiết? Cái gì là hợp lý?" - chị Hằng nói.

Mẹ trẻ dạy con về TIỀN: Thực hành hơn lý thuyết suông, không ngại đi nhặt từng lon bia bán lấy tiền - Ảnh 4.

Con gái út nhà chị Hằng tuy chưa biết tính tiền nhưng có khả năng nhớ nhà mình cần gì, phải mua những gì? Thấy mẹ nhặt nhiều đồ là cô ấy "xì tốp": “Mẹ ơi! Đủ rồi!”.

6. Con tự có trách nhiệm với cuộc sống của con sau này

Ở nơi chị đang sống, các con được nhà nước tài trợ tiền học phí cho đến năm 18 tuổi. Nhưng qua tuổi này, nếu con muốn học cao hơn, sẽ có chính sách cho vay tiền đi học và khi đi làm sẽ trả lại. Chị Hằng định hướng cho các con rằng sau này khi 18 tuổi chúng phải tự lo cho cuộc sống của mình. Bố mẹ chỉ có trách nhiệm nuôi các con đến năm 18 tuổi. Và sự thật là khoản tiết kiệm dành cho tương lai của vợ chồng chị chỉ có kế hoạch dành riêng cho 2 vợ chồng. Không có khoản nào mang tên ngôi nhà, mảnh đất, cái xe cho con. 

Người mẹ này muốn con hiểu: "Mỗi người chỉ có thể sống tốt phần đời của mình, không thể sống thay hoặc lo cho ai mãi được. Ai rồi cũng phải tự đứng trên đôi chân của mình". Chị nghĩ là cha mẹ ai cũng muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con. Với bản thân chị thì điều tốt đẹp nhất không phải là vật chất mà là những bài học, những trải nghiệm.

"Mình cũng không mong con trở thành người thành công: biết kiếm nhiều tiền, biết tính toán chi li. Chỉ cần con thành công khi biết quản lý chính cuộc sống của con sau này, hạnh phúc với những điều bình dị nhất" - Chị Hằng tâm sự.

Chia sẻ