Phê bình nhẹ nhàng để không ảnh hưởng đến lòng tự trọng của con trẻ

CTV Vũ Tuyến,
Chia sẻ

Cha mẹ nào cũng muốn tốt cho con nhưng điều chỉnh hành vi xấu là điều quan trọng. Cách tốt nhất để bạn có thể làm điều này là "phê bình nhẹ nhàng", vừa không làm hủy hoại lòng tự trọng của con, vừa có thể cho con hiểu thế nào là đúng - sai.

1. Đưa ra lý do và giải thích vấn đề

Dạy con là một nghệ thuật và việc phạt con sao cho đúng cũng là điều mà cha mẹ cần phải học hỏi. Thực tế, nhiều lúc người lớn không kiểm soát được cảm xúc của mình và phạt trẻ nặng hơn những gì trẻ đáng nhận. Khi con làm sai, bạn có thể bình tĩnh bắt đầu cuộc trò chuyện bằng những câu như "Mẹ biết con không cố ý...", điều này giúp con hiểu rằng bạn vẫn biết chúng có ý định tốt, bất chấp những sai lầm mà chúng gây ra. Sau đó, bạn có thể thêm vào từ "nhưng" và bắt đầu giải thích những tác động xấu của hành vi con trẻ. Nên nhớ rằng, bạn cần tập trung vào cách hành động của con tác động tới người khác như thế nào, đồng thời nhắc nhỏ con rằng con không phải người xấu. Điều này khuyến khích con suy nghĩ kĩ hơn về hậu quả hành vi trong tương lai.

Phê bình nhẹ nhàng để không ảnh hưởng đến lòng tự trọng của con trẻ - Ảnh 1.

2. Không nhắc lại lỗi lầm của con

Một trong những quy tắc quan trọng nhất của việc nuôi dạy trẻ là: phạt - tha thứ - lãng quên. Một đứa trẻ liên tục bị trừng phạt vì những sai lầm trong quá khứ sẽ không thể là một người mạnh mẽ.

Chúng sẽ sợ khi làm điều gì mới và chỉ thích ổn định. Chúng cũng khó học hỏi được từ những sai lầm trong quá khứ. Thay vì phân tích những sai lầm, chúng lại suy nghĩ quá nhiều về sai lầm đó.

Phê bình nhẹ nhàng để không ảnh hưởng đến lòng tự trọng của con trẻ - Ảnh 2.

Việc liên tục nhắc lại lỗi lầm của con khiến chúng cảm thấy tồi tệ về bản thân. Thay vào đó, bạn có thể giúp con đưa ra một kế hoạch để giúp con có thể làm cho mọi thứ trở nên đúng đắn. Hỏi con những câu hỏi, chẳng hạn như "Mẹ có thể làm gì để giúp con cảm thấy tốt hơn?" để giúp con quen với việc suy nghĩ về cách sửa chữa những sai lầm của mình.

3. Đưa ra cách giải quyết vấn đề

Các bậc phụ huynh có thể kiên nhẫn hướng dẫn trẻ khi nói về các giải pháp cho những vấn đề mà các con gặp phải. Bằng cách đưa ra những hướng giải quyết khác nhau, bạn đang giúp con tự mở rộng tư duy của bản thân. Điều này sẽ vô cùng hữu ích để con có thể đối phó với những tình huống tương tự lặp lại với con trong cuộc sống. Sau khi vấn đề đã được giải quyết, đừng quên khen ngợi con, để con hiểu rằng con đã thành công trong việc giải quyết một vấn đề nào đó.

Phê bình nhẹ nhàng để không ảnh hưởng đến lòng tự trọng của con trẻ - Ảnh 3.

4. Tránh "dán nhãn" cho trẻ

Những câu nói như "Con đúng là một đứa trẻ ngỗ nghịch" hoặc "Con là một đứa lười biếng" có thể khiến con thay đổi cách nhìn nhận về bản thân. Điều này khiến những đứa trẻ nghĩ rằng chúng là người xấu, trong khi chúng chỉ đơn giản là có hành vi sai mà thôi. Thay vì "dán nhãn" con như vậy, hãy đảm bảo rằng bạn tách biệt hành vi của con với con người của con. Hãy nhắc nhở con rằng con là một đứa trẻ ngoan nhưng ở đây lại có lựa chọn sai lầm.

Phê bình nhẹ nhàng để không ảnh hưởng đến lòng tự trọng của con trẻ - Ảnh 4.

5. Học cách lắng nghe con

Việc dành cho con sự chú ý và thể hiện rằng bạn quan tâm tới con là điều vô cùng quan trọng. Hãy lắng nghe con giải thích về mọi chuyện xảy ra, đừng tự đưa ra nhận định và mắng con ngay lập tức. Đây cũng có thể là một cách tốt để thảo luận về cảm xúc và hành động của con trong nhiều trường hợp.

Phê bình nhẹ nhàng để không ảnh hưởng đến lòng tự trọng của con trẻ - Ảnh 5.

6. Dạy bài học thay vì trừng phạt

Hãy tập trung vào kỉ luật tích cực, tức là đưa cho con bài học thay vì tìm cách trừng phạt con. Hãy để con hiểu hậu quả trong hành động của con, giải thích cho con rằng tại sao lại không nên làm việc đó một lần nữa. Ngoài ra, bạn cần đảm bảo rằng sẽ cho con cơ hội để cố gắng và làm tốt hơn trong tương lai.

Phê bình nhẹ nhàng để không ảnh hưởng đến lòng tự trọng của con trẻ - Ảnh 6.

Trong trường hợp bắt buộc phải phạt, hãy phạt tất cả những người liên quan, thay vì chỉ phạt một mình con. Việc chỉ phạt mình con sẽ khiến con cảm thấy mình giống như một nạn nhân.

7. Không dùng từ ngữ nặng lời

Điều này xảy ra khi cha mẹ không kiềm chế được cảm xúc và buông những lời nói trong vô thức. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc la hét và sử dụng từ ngữ nặng nề để nói với con trẻ sẽ khiến con cảm thấy sợ hãi, bất an, dần dần hình thành hành vi hung hăng. Hơn nữa, việc xúc phạm một đứa trẻ còn có thể ảnh hưởng lâu dài, dẫn tới lòng tự trọng thấp, lo lắng. Mặt khác, sự bình tĩnh mang lại cảm giác yên tâm, giúp con cảm thấy được yêu thương và chấp nhận ngay cả khi chúng cư xử không tốt.

Phê bình nhẹ nhàng để không ảnh hưởng đến lòng tự trọng của con trẻ - Ảnh 7.

Theo các nhà tâm lý học, bạn chỉ nên dùng từ ngữ trung lập. Trẻ nhạy cảm có thể sẽ ghi nhớ những lần cha mẹ nói những lời nặng nề, xúc phạm, đặc biệt là bé gái. Điều đó khiến đứa trẻ bị xúc phạm, tự ti. Vì vậy cha mẹ hãy cẩn trọng với lời nói của mình khi trách phạt trẻ.

8. Không kỉ luật nơi công cộng

Trong mọi tình huống, hãy cố gắng kiềm chế và kỉ luật con khi ở nhà. Việc đánh mắng con ở nơi công cộng có thể khiến con cảm thấy xấu hổ, dẫn tới sự lúng túng khi giao tiếp xã hội khi chúng lớn lên, nguy hiểm hơn, trẻ còn có thể oán giận bố mẹ vì hành động này.

Phê bình nhẹ nhàng để không ảnh hưởng đến lòng tự trọng của con trẻ - Ảnh 8.

Các nhà tâm lý học không khuyến nghị sử dụng những cụm từ mà các cha mẹ thường dùng như "Người khác sẽ nói thế nào?". Tương tự cha mẹ cũng không nên khen thưởng trẻ ở nơi công cộng, chúng có thể trở nên quá kiêu ngạo.

Một đứa trẻ thường xuyên bị phạt ở nơi công cộng luôn cảm thấy nhục nhã và cho rằng tình huống ấy sẽ lặp lại. Khi trưởng thành, chúng sẽ biến thành một người phụ thuộc hoàn toàn vào ý kiến của số đông và họ không thể tự đưa ra quyết định.

9. Ghi nhận sự tiến bộ của con

Phê bình nhẹ nhàng để không ảnh hưởng đến lòng tự trọng của con trẻ - Ảnh 9.

Là một bậc phụ huynh, điều quan trọng là bạn cần cho con trẻ biết rằng chúng có thể làm hài lòng bạn. Bạn nên nhìn nhận những nỗ lực mà con đã bỏ ra cũng như sự tiến bộ của con. Đây là một món quà to lớn để con biết rằng chúng đang phát triển và trở thành người như thế nào.

Chia sẻ