Mẹ quyết định dạy con học chữ khi bé vừa tròn 18 tháng tuổi, áp dụng 12 nguyên tắc cơ bản cùng 8 lưu ý

San San,
Chia sẻ

Áp dụng những nguyên tắc này, bé nhà chị Mick Schiessl đã biết chữ từ rất sớm.

Chị Mick Schiessl, một mẹ người Việt đang sống tại Đức đã quyết định cho con học chữ từ khi bé 18 tháng tuổi. Con của chị lớn lên trong môi trường đa ngôn ngữ và theo nghiên cứu của bà mẹ trẻ, khi bé đến 18 tháng bắt buộc phải nói được ít nhất 20 từ có nghĩa và có mục đích. Đó là 1 cột mốc chung để đánh dấu sự phát triển của trẻ. 

Theo chị Mick Schiessl, bất kì ai với tâm sinh lý bình thường đều phải biết đọc chữ hết, chỉ là sớm hay muộn. Và vì đằng nào cũng phải học chữ nên học sớm thì không có áp lực về thời gian, không có giới hạn khi nào thì con phải học cho bằng được nên chuyện học lại rất nhẹ nhàng.

Chia sẻ thêm về điều này, bà mẹ 1 con nhấn mạnh: ''Bạn quyết định cho con học chữ lúc nào cũng được. Nhưng chính vì đã thử nghiệm dạy chữ cho con lúc mới 18 tháng, mình mới thấy được con tiếp thu nhanh cỡ nào. Nó đúng là thời gian vàng đấy''.

Dưới đây là các nguyên tắc và các kiến nghị của bà mẹ trẻ, các phụ huynh có thể tham khảo.

Các nguyên tắc cơ bản:

1. Bắt đầu từ nguyên âm rồi mới tới phụ âm. Các âm e a u o i sẽ dễ phát âm hơn là phụ âm nên có thể dạy trước. Học 1 kiểu chữ trước, ví dụ bạn quyết định con học chữ viết hoa trước thì học cho xong cả bảng chữ viết hoa trước rồi mới sang chữ viết thường.

2. Mỗi ngày chỉ giới thiệu cho con 1 chữ cái. Không bắt buộc ngày nào cũng học chữ mới, nhưng ngày nào cũng phải học. Vì bắt đầu từ khi con còn rất nhỏ nên con chỉ cần học 1 phút cũng được tính là học rồi. Và vì cũng chỉ có 1 phút thôi nên ngày học vài ba lần cũng vẫn nhẹ nhàng.

3. Thời gian học tăng lên từ từ, vì không bị áp lực về thời gian nên bạn cứ tăng từng phút 1 cũng được. Tuỳ tuổi của con bạn, tuỳ môn học của con mà bạn quyết định. Dài quá sẽ gây phản ứng ngược. Đến 3 tuổi thì 5 phút học là bình thường. Gần 4 tuổi thì con mình đã ngồi đọc khoảng 10-15 phút/ ngày rồi, tuỳ nội dung đọc phức tạp hay đơn giản.

Mẹ quyết định dạy con học chữ khi bé vừa tròn 18 tháng tuổi, áp dụng 12 nguyên tắc cơ bản cùng 8 lưu ý - Ảnh 1.

Bà mẹ trẻ quyết định cho con học chữ từ sớm.

4. Học theo kiểu cuốn chiếu, học chữ mới thì hãy ôn lại chữ cũ. Bạn hoàn toàn có thể trộn lẫn với nhau, hôm học chữ mới trước hôm ôn chữ cũ trước.

5. Bắt buộc học thì phải tập trung. Môi trường phải yên tĩnh, tránh chỗ vui chơi ồn ào, tránh tivi, tránh nhạc, tránh nhiều người cười đùa nói chuyện làm con phân tâm.

6. Ôn bài ở bất kì đâu. Cứ học được chữ nào thì khi bạn nhìn thấy chữ đó ngoài đường, trong sách,… thì hãy chỉ lại cho con nhớ, cho con nhận diện thêm kiểu chữ. Con mình trước khi đọc được nguyên 1 từ thì toàn đọc tất cả các chữ cái của cái từ đó. Khi nó nhận diện được chữ cái nào là nó rất vui, cứ như vừa phát hiện ra cái gì vậy. Nhờ vậy khả năng nói của con cũng tăng lên nhanh chóng.

Học mặt chữ cái là bước dễ nhất. Đến gần 2 tuổi là con mình đã nhuần nhuyễn hết cả bảng chữ cái rồi, cả chữ viết hoa lẫn chữ thường. Học đánh vần, ráp chữ cho ra 1 từ là bước khó hơn nhiều. Thời gian học chữ của con mình bị gián đoạn trong giai đoạn này vì bọn mình không biết cách dạy ráp vần với nhau như thế nào cả. Mất đâu khoảng 4-5 tháng mà không có gì tiến bộ hết. Vợ chồng mình nghiên cứu rất nhiều tài liệu về dạy con, cuối cùng thì gom ra được các ý chính sau:

7. Học thêm các nguyên âm có dấu với nhau trước, ví dụ ở tiếng Việt như à, á, â, ạ, ê, ế, ơ. Nếu học từ lúc con quá nhỏ thì dù bạn có giải thích về luật của các con dấu thì con cũng không thể hiểu được, nên bạn cứ dạy con chấp nhận nó như vậy đi đã. Bạn có thể nhắc về các luật ấy cho con dễ nhận diện mỗi lần học 1 chữ mới, khi đã nhận ra luật thì con sẽ học càng nhanh và càng thích thú. (Nếu ngôn ngữ con học không có hệ thống dấu như trên thì bạn bỏ qua bước này).

Mẹ quyết định dạy con học chữ khi bé vừa tròn 18 tháng tuổi, áp dụng 12 nguyên tắc cơ bản cùng 8 lưu ý - Ảnh 2.

Cách chị Mick Schiessl dạy con học.

8. Tiếp đến là dạy con về các cặp nguyên âm. Ví dụ như tiếng con mình học có các cặp như au, oi, ei, ou... Tiếng Việt thì có ươ, êu, ấu,... Xem các cặp đó phát âm như thế nào. Tuỳ vào ngôn ngữ mà bạn hãy tìm lọc ra hết các cặp đó ra cho con trước đã.

9. Sau cặp nguyên âm là đến các cặp phụ âm, ví dụ như ng, tr, ch, ph... Học thêm các cặp nguyên âm phụ âm kia chỉ giống như ''chia để trị'' thôi, chứ ghép vô luôn 1 lần mà bắt con đọc là rất khó.

10. Cuối cùng là ráp các chữ vô với nhau. Nhưng bạn đừng bắt con đọc cả câu hay đoạn văn ngay. Hãy chọn cho con các từ đơn na ná nhau để con biết cách ráp. Ví dụ: ong, long, trong, cong, ôm, lôm côm,… kiểu như vậy. Càng tập ráp nhiều thì khi con đọc sách thật sẽ đọc rất nhanh, vì vậy bạn hãy cho con ráp hết các từ có thể nhé.

11. Khi con đã quen cách ráp thì cũng là lúc con có thể đọc cả câu được rồi.

12. Nếu bạn dạy con tiếng Việt thì không cần để ý đến phần này, nhưng nếu con bạn học những thứ tiếng có chữ viết dài (1 chữ cần đọc lên thành nhiều tiếng) thì nên mua thêm sách có chia các chữ thành nhiều màu sắc để con quen với việc nên ngắt tiếng ở chỗ nào.

Kiến nghị dành cho bố mẹ

1. Dạy học chữ thì bắt buộc phải có bảng chữ cái, và nên có nhiều bảng chữ cái 1 chút. Nó có thể là bảng chữ cái bằng gỗ, tấm thảm, 1 bìa cứng, các tấm thẻ bài hoặc bất cứ thứ gì nhưng bạn hãy làm nó đa dạng 1 chút, đừng chỉ là 1 món.

Bạn có thể thấy bọn mình đã mua rất nhiều món cho con. Tuy nhiên mình không khuyến khích bạn mua theo. Bạn hoàn toàn có thể tự làm. Bạn có thể cắt chữ cái từ báo cũ ra. Bạn có thể viết trên 1 tấm bìa nào đó, tô màu và cắt ra. Bạn cũng có thể chỉ cần lấy 1 tờ giấy và viết ra cũng được. Nhưng nên làm nhiều bảng với nhiều màu sắc khác nhau để con dễ nhận diện mặt chữ. Phông chữ ban đầu nên căn bản thôi, bạn đừng làm những mẫu chữ bay bướm, con sẽ nhìn không ra.

2. Nói, nói và nói. Chồng mình lặp đi lặp lại liên tục mặt chữ cái cho con. Không nhất thiết là chỉ lúc học mới nhắc đến mà bất cứ khi nào có cơ hội là nhắc. Ví dụ mỗi lần con mình lôi 1 chữ cái từ cái thảm trong hình ra chơi là chồng mình lại bảo ''con gắn chữ A vào lại đi''. Muốn dạy trẻ con thì chỉ có cách là lặp đi lặp lại nhiều lần mà thôi.

3. Mình không biết chuẩn mực dạy học của hệ thống giáo dục hiện tại như thế nào, nên nếu bạn kiên quyết bám sát chuẩn thì có thể kiến nghị này của mình không phù hợp với bạn (Mình thì chỉ có 1 mục tiêu là dạy con đọc được chữ thôi, cách nào cũng được, miễn cuối cùng đọc đúng). Đó là nếu hệ thống chữ phụ âm được đọc là ''bê, cê, đê...'' thì hãy đổi lại là ''bờ, cờ, đờ,...''. Ví dụ thêm thì tiếng của con mình có chữ cái H đọc là ''ha'' thì chồng mình dạy con đọc là ''hờ''. Chữ S cũng được dạy là ''sờ'' thay vì ''es''. Chồng mình là người bản địa nhưng khi dạy con chữ thì anh ấy dạy như vậy, vì nó sẽ giúp con dễ ghép chữ lại với nhau sau này. Bạn hãy yên tâm là con bạn rồi sẽ đọc cả bảng chữ cái đúng thôi, vì có cả bài hát ABC đấy mà.

Bé sẽ học rất nhanh, tuy nhiên bố mẹ không nên ép hoặc làm con chán học, hãy dạy bé từ từ. 

4. Ngồi trên bàn hay không? Tuỳ bạn. Thành thực mà nói thì bọn mình có mua bàn ghế cho con, thế nhưng học chữ thì thường là ở sofa trong phòng con (lúc lại còn là giường ngủ của cha mẹ nữa cơ). Mình không cảm thấy con nhất định phải ngồi vào bàn thì mới được tính là học, vì mình không muốn giới hạn không gian của con và muốn con học ở đâu cũng được hết. Còn 1 sự thật phũ phàng nữa là vợ chồng mình khá vô kỉ luật trong vấn đề này. Cả 2 có thể lê lết làm việc ở bất kì đâu, đặc biệt là chồng mình – toàn nằm bò trên giường mà làm việc. Thế nên không làm gương cho con được. Tuy nhiên đây chỉ là khía cạnh của gia đình mình. Bạn làm thế nào cũng đúng cả. Nhưng chính vì không cần phải ngồi đúng vào bàn mới học được nên đi du lịch thì con cũng vẫn học như thường. Chỉ cần nơi học phải yên tĩnh là được.

5. Nên học vào buổi sáng, khi đó con sẽ dễ tỉnh táo và tập trung hơn. Tuy nhiên cái này tuỳ vào lịch sinh hoạt của con bạn và cả gia đình, phù hợp lúc nào thì học lúc ấy. Cơ mà nếu bạn thấy có thời điểm nào đó con khó tập trung hơn thì hãy tránh giờ đó ra. Trong tuần con mình học đọc sau giờ ăn tối, cuối tuần thì đọc buổi sáng. Học bài, ôn bài cũng có thể làm vào trước giờ trẻ đi ngủ. Nhưng vì trước giờ ngủ nên cha mẹ đừng làm áp lực, đừng quát mắng, chỉ cần con tập trung trong 1 thời gian rất ngắn thôi cũng được rồi. Hãy yên tâm là vì học trước khi ngủ thì cả đêm đó não bộ con sẽ có cơ hội làm việc với những thứ con vừa học. Kết quả có thể sẽ không được thấy ngay, nhưng hiệu quả thì lại lâu dài.

6. Đọc chữ nào mà thấy hơi khó hiểu thì bạn hãy chủ động giải thích cho con nghe, hoặc hỏi đố con, con mà biết là phải khen ngợi con nhiệt tình nhé. Tránh trường hợp con chỉ đọc mặt chữ mà không hiểu gì hết, không quan tâm đến nội dung đọc.

7. Đừng nổi nóng khi dạy con học đọc. Con có quên, có không hiểu cũng là lẽ thường thôi. Bạn cứ lặp đi lặp lại là ổn. Đây là 1 trong những môn học đầu đời đúng nghĩa của con nên nếu con sợ học đọc thì sau này con cũng sẽ sợ đến trường, ghét đi học. Càng vui càng học dễ vào đầu. Hồi trước chồng và con mình học phát âm mà mình cười sằng sặc vì toàn thổi phù phù vào mặt nhau, có khi còn phun phì phì vào mặt nhau nữa cơ.

8. Kết thúc buổi học nên trong trạng thái vui vẻ, vì vậy bạn hãy canh đừng để con phải học đến khi kiệt sức, suy nghĩ không nổi nữa. Đừng để con chán học. Và bạn hãy ôm con và khen ngợi nỗ lực của con sau mỗi buổi học, dù gì con cũng đã tiến bộ hơn rồi mà.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. 

Chia sẻ